- Đại diện của Tổng Cục Du lịch nói gì về kịch bản dành riêng cho Vịnh Hạ Long sau khi danh thắng này lọt top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của NewOpenWorld?
New7Wonders bị dọa kiện vì đòi tiền quá đáng
Chiêm ngưỡng 7 kỳ quan thiên nhiên mới
Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. |
Mặc dù còn vấp phải không ít những dư luận trái chiều xung quanh uy tín và tính minh bạch của tổ chức đứng ra phát động cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới là NewOpenWorld nhưng việc Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vừa được xếp vào top 10 sự kiện nổi bật của ngành VHTTDL trong năm 2011. Song, kể từ thời điểm NewOpenWorld Corporation (NOWC) công bố kết quả tạm thời 7 địa danh giành được số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu chọn những kỳ quan thiên nhiên thế giới mới hôm 11/11, chưa có bất cứ một kịch bản bảo tồn hậu danh hiệu nào được đưa ra cho Vịnh Hạ Long.
Nhiều người cho rằng việc Vịnh Hạ Long được chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới sẽ là cơ hội quảng bá tuyệt vời cho địa danh này, đồng thời sẽ kích cầu du lịch, tức là sẽ giúp kéo nhiều khách du lịch trong và ngoài nước hơn đến với Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc tăng lượng khách du lịch, Vịnh Hạ Long cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là câu chuyện bảo tồn. Thay vì đưa ra kế hoạch bảo vệ di sản, ngay sau khi Vịnh Hạ Long lọt top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới không lâu, tỉnh Quảng Ninh bất ngờ tăng giá vé tham quan du lịch Vịnh Hạ Long lên cao gấp đôi khiến dư luận và nhiều công ty lữ hành không khỏi bức xúc. Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu phần trăm số tiền thu được từ phí thăm quan Vịnh Hạ Long được trích lại để đầu tư trở lại địa danh này?
"Đó là công việc mà chúng ta cần thời gian"!
Trong cuộc họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2011 và logo cũng như slogan mới của ngành Du lịch chiều 27/12, trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet: "Thời gian qua chúng ta nói quá nhiều về việc Vịnh Hạ Long lọt top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới nhưng không thấy đề cập gì đến chuyện kịch bản bảo tồn hậu danh hiệu. Một câu chuyện cũng được dư luận quan tâm thời gian qua là việc tăng giá vé thăm quan Vịnh Hạ Long. Liệu số tiền phí thu được này có được trích 1 phần để đầu tư trở lại cho Vịnh Hạ Long hay không và kế hoạch bảo tồn địa danh này sẽ được thực hiện như thế nào?", ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) nói:
"Tôi có thể trả lời ngay vì tôi là người hiểu rất rõ câu chuyện này. Thực tế nó không đến mức như bạn nói. Chúng ta đã tổ chức 1 chiến dịch vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long trong suốt 4 năm qua và đã tăng tốc trong 3 tháng cuối rất ấn tượng để đạt được điều mà mình mong đợi. Đó là Vịnh Hạ Long sơ bộ lọt vào top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Và có thể nói là Bộ VHTTDL mà trực tiếp là Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo, dẫn dắt chiến dịch bầu chọn này kiên trì và quyết liệt trong suốt 4 năm vừa qua. Bộ VHTTDL đã phối hợp cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương tổ chức rất nhiều chiến dịch bầu chọn để đạt được điều này".
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho biết sắp tới tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức một cuộc hợp tác quốc tế để bàn về việc bảo tồn, phát huy giá trị của Hạ Long cũng như có kế hoạch kiểm soát chất lượng dịch vụ ở đây. "Sau khi Vịnh Hạ Long được công nhận thì chúng ta ứng xử thế nào? xin thưa, hiện nay Bộ trưởng đã chỉ đạo chúng tôi phối hợp với Văn phòng Bộ và các cơ quan của Bộ chuẩn bị 1 hội thảo quốc tế dự kiến tổ chức tại Quảng Ninh sau dịp Tết Nguyên Đán với chủ đề bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long sau khi đuợc công nhận là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chúng tôi sẽ cùng với Quảng Ninh xây dựng 1 kế hoạch hành động cho việc kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến của Vịnh Hạ Long. Chúng tôi cũng dự định xây dựng một kế hoạch marketing, quảng bá và xây dựng Vịnh Hạ Long thành 1 thương hiệu du lịch hàng đầu, tiêu biểu của VN. Đó là công việc mà chúng ta cần thời gian".
Liên quan đến chuyện tăng giá vé thăm quan Vịnh Hạ Long mới đây, người đứng đầu ngành Du lịch giải thích. "Chúng tôi đã có 1 công văn gửi cho tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này. Thực chất tỉnh Quảng Ninh đã có động thái chuẩn bị cho việc tăng giá vé từ lâu nhưng đáng tiếc việc áp dụng tăng giá vé lại rơi đúng vào thời điểm chúng ta vừa kết thúc chiến dịch bầu chọn. Tôi thấy điều này không thích hợp về mặt thời điểm và cần có lộ trình để công bố cho các doanh nghiệp lữ hành. Chúng ta cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích người VN đi thăm quan Hạ Long. Gần đây chúng tôi nhận được công văn của UBND tỉnh Quảng Ninh uỷ quyền cho Sở VHTTDL giải thích về sự việc và cho đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi cho rằng đó là điều đáng tiếc. Trên thực tế, phần lớn kinh phí thu được từ việc thăm quan là để đầu tư lại cho Vịnh Hạ Long chứ không dùng để đầu tư, phát triển công việc khác".
UNESCO từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến New7Wonders
Dresden Elbe Valley bị UNESCO tước danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. |
Trong một động thái khác, ngay sau khi Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách sơ bộ 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do NOWC đứng ra tổ chức, phóng viên VietnamNet đã hơn một lần liên hệ với đại diện của văn phòng tổ chức UNESCO tại Hà Nội để hỏi quan điểm của tổ chức này về danh hiệu mà Vịnh Hạ Long mới đạt được cũng như những khuyến cáo mà UNESCO có thể đưa ra cho Việt Nam để bảo tồn di sản này nhằm duy trì danh hiệu Di sản thế giới mà UNESCO đã trao cho Vịnh Hạ Long nhưng đã không nhận được hồi âm.
Một đại diện của UNESCO trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với chúng tôi qua điện thoại hồi cuối tháng 11 cũng đã nêu rõ quan điểm là từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào (nếu có) liên quan đến New7Wonders. Đây là quan điểm đồng nhất của UNESCO bởi ngay từ thời điểm tháng 7/2007, trên website chính thức của tổ chức này cũng đã thông báo rõ ràng: "UNESCO khẳng định không liên quan đến chiến dịch 7 kỳ quan mới của thế giới".
Ngay ở những dòng đầu tiên, UNESCO đã nêu rõ quan điểm của mình: "Để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, UNESCO xin tái khẳng định lại rằng không có bất cứ mối liên hệ nào giữa chương trình Di sản thế giới của UNESCO, danh hiệu nhằm bảo vệ các di sản thế giới, với chiến dịch hiện tại mang tên 7 kỳ quan mới của thế giới. Chiến dịch này được phát động năm 2000 từ một sáng kiến cá nhân của Bernard Weber nhằm khuyến khích người dân trên toàn cầu chọn ra 7 kỳ quan mới của thế giới thông qua lá phiếu bầu. Mặc dù đã được mời tham gia hỗ trợ cho chiến dịch này nhưng UNESCO quyết định không hợp tác với Ngài Weber. Mục tiêu và nhiệm vụ của UNESCO là hỗ trợ việc xác định, bảo vệ và bảo tồn các Di sản thế giới".
Trên thực tế, đã có di sản thế giới từng được UNESCO công nhận bị rút danh hiệu. Đáng tiếc nhất trong số này là Dresden Elbe Valley của Đức. Sau 5 năm được công nhận, năm 2009, địa danh này đã bị UNESCO rút lại danh hiệu Di sản thế giới do đã xây một cây cầu 4 làn đường ở giữa thung lũng Elbe mà điều này thì đã phá hủy "giá trị nổi bật toàn cầu" của di tích này. Câu chuyện bảo tồn hậu danh hiệu xem ra còn khó hơn là việc giành danh hiệu.
Hạnh Phương