Theo tài liệu nội bộ của TikTok, những tài khoản bị phát hiện nhắn tin khiêu dâm với trẻ em chỉ bị khóa trong 7 ngày nếu vi phạm lần đầu, một tháng nếu tái phạm và bị cấm vĩnh viễn nếu bị phát hiện lần thứ 3.
Chia sẻ với Telegraph, cựu điều hành viên TikTok nói rằng với chính sách trên, kẻ ấu dâm có thể tiếp tục nhắn tin dụ dỗ trẻ em sau khi thời gian khóa tài khoản kết thúc.
Về phía TikTok, mạng xã hội này nói rằng chính sách cấm 7 ngày là "thời gian chờ" trong lúc đội kiểm duyệt ở Trung Quốc (sau này là Dublin của Ireland) điều tra sự việc. Nếu xác nhận người dùng nhắn tin dụ dỗ trẻ em, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn.
TikTok được cho là nền tảng nguy hiểm với sự xuất hiện của những kẻ ấu dâm, nhắn tin dụ dỗ trẻ em. Ảnh: BBC. |
"TikTok rất nguy hiểm"
Những tài liệu rò rỉ của TikTok khiến Anne Longfield, Ủy viên Hội đồng Trẻ em tại Anh, kêu gọi chính phủ thông qua luật buộc các công ty truyền thông xã hội chịu trách nhiệm pháp lý nhằm bảo vệ sự an toàn của trẻ em.
Trong khi đó, một hiệp hội thuộc các tổ chức bảo vệ trẻ em tại Anh cho rằng TikTok nên bị cấm khỏi quốc gia này đến khi được chứng minh là an toàn.
Năm 2019, Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Tàn ác với Trẻ em Anh (NSPCC) cảnh báo rằng TikTok đang trở thành nền tảng ưa thích của các kẻ ấu dâm. Nhất là khi các bình luận phản cảm của đàn ông bị phát hiện trong video quay trẻ em.
Đầu năm nay, TikTok đã có thay đổi khi tắt tính năng nhắn tin riêng tư cho tài khoản dưới 16 tuổi. Tuy nhiên các cơ quan cho rằng nó không hiệu quả bởi TikTok không có cách nào xác minh tuổi người dùng.
Những cựu kiểm duyệt viên của TikTok ngày 19/7 đã chia sẻ về công việc áp lực của họ khi phải xem 1.000 video mỗi ngày, kiểm tra các tin nhắn được báo cáo là có nội dung dụ dỗ trẻ em.
Một cựu kiểm duyệt viên nói rằng họ phải xem các video được báo cáo trong vòng 15 phút, kiểm tra các tin nhắn được báo cáo với số lượng có khi đến hơn 1.000.
Cựu nhân viên TikTok chia sẻ sự thật khi làm việc cho mạng xã hội đạt hàng tỷ người dùng. Ảnh: Telegraph. |
TikTok cho biết một tin nhắn riêng tư bị báo cáo cần được xem trong 24 giờ, tuy nhiên nhiều tin nhắn đã được kiểm duyệt viên xem xét chỉ trong vài giờ sau khi bị báo cáo.
Khi phát hiện tin nhắn chứa nội dung dụ dỗ trẻ em, các kiểm duyệt viên sẽ tạm thời cấm tài khoản trong 7 ngày rồi chuyển tin nhắn cho ban điều hành cấp cao hơn tại Trung Quốc. Họ sẽ xem xét và cấm vĩnh viễn tài khoản nếu cần thiết.
"Những người đó nên biến mất khỏi TikTok. Bạn (các kiểm duyệt viên) không cần chờ 2 lần hay 3 lần, mà phải (cấm tài khoản) ngay lúc đó.
"(TikTok) rất nguy hiểm với sự xuất hiện những kẻ dụ dỗ trẻ em. Chúng tôi đã thấy nhiều tên bị cấm trong một tuần rồi quay lại để trò chuyện cùng nạn nhân", một nhân viên cũ của TikTok chia sẻ.
TikTok cho biết họ đã có thể cấm người dùng ở cấp độ thiết bị, song ngay cả khi bị cấm vĩnh viễn, các kiểm duyệt viên đã thấy chúng quay lại bằng tài khoản mới.
Sau khi làm việc cho TikTok, một điều hành viên đã nói người thân không được cho con sử dụng TikTok vì không tin tưởng vào hệ thống báo cáo, hình phạt thì không có tác dụng.
Đó là lý do các cơ quan bảo vệ trẻ em tại Anh kêu gọi chính phủ nước này cấm TikTok.
TikTok đang gặp vấn đề trong cách xử lý nội dung khiêu dâm trẻ em. Ảnh: Telegraph. |
Văn hóa làm việc như "ngục tù kỹ thuật số"
Trả lời Telegraph, TikTok khẳng định không khoan nhượng trước hành động dụ dỗ trẻ em, cho biết chia sẻ từ cựu nhân viên liên quan đến các chính sách cũ, đã được thay đổi hoặc cập nhật.
Năm 2019, chính phủ Anh đã công bố dự thảo liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ trẻ em với các công ty công nghệ, bao gồm những khoản phạt tiền khổng lồ, truy tố hình sự các lãnh đạo hoặc cấm khỏi đất nước nếu vi phạm chính sách.
Tuy nhiên, vẫn chưa có khung thời gian triển khai quy định. Các nhà hoạt động cho rằng nó có thể không được áp dụng đến năm 2024.
"Lạm dụng trẻ em là tội ác. Những kẻ vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật", phát ngôn viên chính phủ Anh nói.
Bên cạnh những thông tin về kiểm duyệt nội dung lạm dụng trẻ em, các cựu nhân viên TikTok còn nói với Telegraph về môi trường làm việc như "ngục tù kỹ thuật số".
Theo đó, nhân viên phải báo cáo trạng thái làm việc khi đi vệ sinh hoặc uống nước, và sẽ bị người quản lý tra hỏi nếu rời bàn làm việc quá lâu.
Hơn thế nữa, một cựu nhân viên còn nói về văn hóa "không thắc mắc" và "luôn cúi đầu" của TikTok. Theo người này, những góp ý, thắc mắc của kiểm duyệt viên liên quan đến chính sách của TikTok đều bị gạt bỏ.
Bài viết tố cáo TikTok xuất hiện trong bối cảnh mạng xã hội này gặp khủng hoảng tại nhiều nơi. Ảnh: New York Times. |
Khó khăn chồng chất
Bài viết tố cáo môi trường làm việc của TikTok xuất hiện trong bối cảnh mạng xã hội này gặp khủng hoảng tại nhiều nơi.
Cuối tháng 6, nền tảng chia sẻ video bị cấm tại Ấn Độ do lo ngại về bảo mật. Hãng bị cáo buộc gửi dữ liệu người dùng đến Bắc Kinh, phục vụ công tác gián điệp cho chính quyền.
Sau Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 6/7 cho biết Mỹ đang xem xét cấm một số ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia.
Bắt đầu từ 17/7, một chiến dịch quảng cáo trên 2 mạng xã hội là Facebook và Instagram đã được nhóm tranh cử của Tổng thống Trump tung ra với mục tiêu nhắm vào ứng dụng TikTok.
Những quảng cáo xuất hiện với thông điệp cảnh báo người dùng, cho rằng ứng dụng tạo video nổi tiếng đang có nhiều hành vi theo dõi người sử dụng.
Theo SCMP, thành phố London, Anh đang là một địa điểm lý tưởng mà TikTok cân nhắc lựa chọn là trụ sở chính mới. Bên cạnh London, một số địa điểm khác cũng được Tik Tok cân nhắc thêm nhưng chưa rõ thông tin chi tiết.
Động thái lựa chọn địa điểm đặt trụ sở chính ngoài Trung Quốc đại lục được coi là nước đi mới nhất để chứng minh vai trò độc lập và không chịu kiểm soát bởi Bắc Kinh.
Theo Zing
TikTok đang đứng bên bờ vực
TikTok, nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội "hot" nhất hiện nay đang đứng trước những thách thức sống còn.