- Đại biểu QH chuyên trách phát biểu nhiều hơn, còn đại biểu kiêm nhiệm vẫn ít nói ở những phiên được truyền hình trực tiếp - Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh chia sẻ.
"Chấm điểm" kỳ họp vừa kết thúc tuần trước, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, việc tăng thời lượng truyền hình trực tiếp lên gần gấp đôi là một tiến bộ, song vẫn cần công khai hơn nữa hoạt động nghị trường để cử tri thấy được trách nhiệm của đại biểu QH cũng như hoạt động dân chủ trong QH.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh: Khi QH đưa vấn đề chống tham nhũng ra thảo luận công khai thì hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Có người ngại phát biểu phiên truyền hình trực tiếp
Nhưng biết đâu sẽ có nhiều người e ngại vì không may phát biểu sơ sểnh trên hội trường lại khiến dư luận đánh giá không hay?
- Tôi biết là có một số người, ở góc độ nào đó bản thân cũng thấy ngần ngại khi phát biểu trong một buổi họp được truyền hình trực tiếp.
Song với đa số những ĐBQH nghĩ đến trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước cử tri thì lại rất tán thành việc tăng thời lượng truyền hình trực tiếp.
Tôi cũng hiểu là còn có một số người cũng có thể gặp phải lúc sơ sểnh trong phát biểu trên hội trường. Nhưng đánh giá của cử tri không chỉ dựa vào lời nói mà họ sẽ xem xét các hành động sau đó, rồi mục đích, việc làm của người đó ra sao. Chứ không thể tránh được chuyện khi phát biểu có người nói thế này, thế kia.
Nhưng theo dõi nhiều phiên họp được truyền hình trực tiếp thì có vẻ như đại biểu chuyên trách phát biểu là chính?
- Đại biểu chuyên trách phát biểu nhiều hơn. Còn đại biểu kiêm nhiệm vẫn ít nói.
Tất nhiên là cũng có lý do nào đó ở họ. Theo tôi, trong các phiên truyền hình trực tiếp cũng nên khuyến khích các đại biểu kiêm nhiệm, nhất là những người đang giữ các chức vụ ở tỉnh hoặc cơ quan trung ương nên mạnh dạn phát biểu.
Người dân khi xem ti vi cũng trông đợi được nghe ý kiến từ các lãnh đạo chủ chốt, bộ, ngành, TƯ và địa phương.
Bởi hiệu quả từ các phiên họp được truyền hình trực tiếp rất lớn. Vừa giúp đại biểu khi nói phải chọn vấn đề trúng, chọn nội dung để nói cũng phải thận trọng hơn. Hai nữa là rút kinh nghiệm để nói cho chuẩn hơn.
Mặt khác, cũng là kênh hữu hiệu giúp cử tri đánh giá tốt hơn, sát hơn các ĐBQH do mình bầu ra.
Chùn bước tham nhũng trước chế tài mạnh
Một trong các nội dung được truyền hình trực tiếp lần này là thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng. Thảo luận về luật và về công tác phòng chống tham nhũng đã được bố trí thời lượng thảo luận khá nhiều tại kỳ họp với tổng thời gian chiếm tới 1/10 các nội dung của kỳ họp. Ông thấy hiệu quả đến đâu?
- Chống tham nhũng là vấn đề không phải có thể giải quyết được ngay mà cần làm thường xuyên. So với các kỳ họp trước chỉ gửi riêng tài liệu cho đại biểu thì lần này QH vừa bàn việc sửa luật vừa được thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng năm vừa qua.
Ở đây có thể thấy rất rõ vai trò của QH, khi QH cảm thấy cần phải đưa vấn đề ra để bàn thảo, để thảo luận thêm các chế tài đủ mạnh góp phần ngăn chặn được nạn tham nhũng, lãng phí.
Cử tri trông đợi nhiều hơn ở vai trò của QH trong giám sát nạn tham nhũng, vậy mong đợi này đã được đáp ứng chưa?
- Chống tham nhũng là một vấn đề quan trọng đã được Đảng, Nhà nước nhận thức đầy đủ, rằng nếu không phòng chống thì sẽ trở thành một nguy cơ lớn. Vì vậy, trong kỳ họp này mới bàn chuyện sửa lại luật, để đưa ra chế tài mạnh hơn.
Tất nhiên, để phòng chống được thì rất cần sự quyết tâm của các cấp các ngành, sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, của QH. Mà so với cách làm cũ thì tại kỳ họp này, khi QH đưa vấn đề chống tham nhũng ra thảo luận công khai, rộng rãi trước hội trường thì mang lại hiệu quả tốt hơn, có thể khiến cho những ai đó có ý định tham nhũng cũng sẽ ngần ngừ, chùn bước trước các chế tài mạnh mẽ được đưa ra. Như vậy cũng giúp hạn chế được phần nào.
Chương trình nghị sự tại kỳ họp vừa qua còn nhiều nội dung và dự án luật quan trọng. Vậy hiệu quả được đánh giá đến đâu, thưa ông?
- Chương trình kỳ họp vừa rồi đã bàn nhiều vấn đề quan trọng. Đó là thảo luận về Hiến pháp sửa đổi, một bộ luật gốc để điều chỉnh các luật khác, đáp ứng đòi hỏi của phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.
Thứ hai là thảo luận luật Đất đai. Tuy chưa thông qua ngay nhưng việc thảo luận dự án luật lần này sẽ thêm thông tin để ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi, ví dụ chuyện sở hữu, chuyện khiếu nại tố cáo.
Đặc biệt là QH đã thông qua được Nghị quyết lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm để tiến hành làm ngay năm 2013.
Rồi cuối kỳ QH cũng thông qua được Luật thủ đô, một đạo luật từng bị QH khóa cũ gác lại.
Với những nội dung nêu trên, có thể nói, đây cũng là một kỳ họp có nhiều ý nghĩa "lịch sử".
Lê Nhung