Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến ký ban hành kế hoạch cụ thể hoá quyết định của Chủ tịch tỉnh về việc kiểm tra các hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực trạng trong công tác chấp hành quy định pháp luật về hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản. 

Theo đó, sẽ kiểm tra 117 mỏ về sản lượng khai thác thực tế so với trữ lượng đã được cấp phép; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã được khai thác; các quy định đối với công suất được khai thác; khai thác khoáng sản vượt ngoài phạm vi diện tích được cấp phép; 

{keywords}
Thái Nguyên kiểm tra hai mỏ vàng lớn nhất tỉnh từng “làm đường, xây chùa” trên đất rừng

Kiểm tra việc chấp hành các quy định về khu vực khai thác khoáng sản; diện tích đất đã sử dụng; việc chấp hành các quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác, thiết kế mỏ; việc thực hiện các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác). Thời điểm kiểm tra từ khi được cấp giấy phép khai thác đến ngày 31/8/2021. 

Trong số 117 mỏ khoáng sản nằm trong kế hoạch kiểm tra có 2 mỏ vàng sa khoáng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên được cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (gồm Mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và mỏ vàng sa khoáng Bản Ná đều thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai). 

{keywords}
Vụ việc vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất rừng được Báo VietNamNet phản ánh từ tháng 8/2018.

Đây là đơn vị đã có sai phạm trong việc xâm lấn đất rừng để xây dựng các công trình đền chùa, làm đường, đổ chất thải sai vị trí được cấp phép… đã được VietNamNet phản ánh từ năm 2018. 

Tháng 8/2018, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên đã có báo cáo kiểm tra gửi UBND tỉnh, kết luận việc làm đường, xây chùa trong mỏ vàng Bản Ná (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai) một phần nằm trên đất rừng đặc dụng. 

Báo cáo xác định, con đường nông thôn mới từ ngã ba Ngọc Sơn 2 vào xóm Xuyên Sơn chồng lấn lên khu vực rừng đặc dụng (phân khu phục hồi sinh thái) khoảng 0,45ha (dài gần 1,2km). Toàn bộ khu vực này chưa có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác. 

Phần diện tích còn lại thuộc quy hoạch rừng sản xuất, cũng chưa có thủ tục chuyển đổi. Ngoài ra, con đường này còn chồng lấn lên 0,18ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. 

{keywords}
Chủ mỏ vàng Bản Ná đang sử dụng đất đá thải để lấp các moong khai thác làm mặt bằng tái sử dụng làm nông nghiệp
{keywords}
Với chất liệu đất đá thải này sẽ rất khó để canh tác trở lại

Về khu vực văn phòng và đền, chùa, kiểm tra cho thấy có 1,7ha thuộc quy hoạch rừng đặc dụng.

Ngoài ra, DN được cấp phép khai thác mỏ vàng Bản Ná còn đổ thải lên 5,3ha rừng đặc dụng khi chưa hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thái Nguyên yêu cầu chủ mỏ di chuyển khối lượng đất đá thải nói trên ra khỏi khu vực trước tháng 3/2019.

Ngày 21/9/2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung tố cáo về việc buông lỏng quản lý phá rừng đặc dụng tại Thần Sa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2018.

Chậm khắc phục sai phạm  

Sau gần 3 năm xảy ra sai phạm, thời điểm hiện tại, chủ dự án mới múc một phần đất đá thải đổ trái phép nói trên để lấp moong khai khoáng tại bãi vàng Bản Ná sắp hết thời hạn cấp phép. Mục đích nhằm hoàn thổ mặt bằng theo quy định của thủ tục đóng cửa mỏ. 

{keywords}
Khu tái định cư đang được xây dựng để di dân phục vụ khai thác vàng tại thôn Khắc Kiệm

Một lãnh đạo xã Thần Sa xác nhận, sau khi hoàn trả mặt bằng, khu đất này sẽ được tái sử dụng làm đất nông nghiệp. 

Điều này làm dấy lên nghi ngại, việc sử dụng vật liệu đất đá thải để san lấp tạo mặt bằng sẽ không thể trồng trọt, canh tác do không đủ chất lượng, yêu cầu trồng trọt. 

Ngoài ra, một khu tái định cư đang được xây dựng gần khai trường cũ của mỏ vàng Bản Ná nhằm di dời các hộ dân thôn Khắc Kiệm ra khu vực này.

Quy mô khu tái định cư khoảng 5ha. Đây chính là khu đất chủ đầu tư tự mua lại của các hộ dân bản địa, được Kết luận 4615 yêu cầu phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với đất lâm nghiệp. 

Những căn nhà tái định cư được xây dựng sắp hoàn thiện thiết kế theo mô hình nhà sàn bê-tông 2 tầng, cùng một khuôn mẫu. 

{keywords}
Tấm biển khu tái định cư tại xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa do Công ty khai khoáng Thăng Long thực hiện
{keywords}
Thung lũng Khắc Kiệm vốn là cánh đồng canh tác phì nhiêu hiếm hoi giữa vùng núi đá Thần Sa của huyện Võ Nhai

Theo kế hoạch, thời gian kiểm tra của đoàn công tác liên ngành đối với 2 mỏ vàng này từ ngày 30/9 – 5/10/2021. Ông Nguyễn Thế Giang, PGĐ Sở TN-MT làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên làm tổ phó. 

Chủ tịch huyện Võ Nhai Bùi Thị Sen cho biết, huyện cử một phó chủ tịch tham gia đoàn công tác kiểm tra các mỏ trên địa bàn theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Vụ phá rừng xây chùa: Báo cáo Thủ tướng trước 15/11

Vụ phá rừng xây chùa: Báo cáo Thủ tướng trước 15/11

UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung đơn tố cáo về việc buông lỏng quản lý, phá rừng đặc dụng tại Thần Sa. 

Thái Bình