Đã nhiều lần bày tỏ việc từ bỏ dần các mỗi quan tâm ngoài kinh doanh, rút lui khỏi đầu tư ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực có thể mạnh và những DN con cưng của mình. Tuy đã có những dấu hiệu khả quan nhưng ông Tâm vẫn còn nhiều nỗi lo khi các DN của mình vẫn trầy trật thua lỗ. Có lẽ, khó khăn vẫn đeo bám người từng giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Kiếm trăm tỷ trong vài ngày
Sáng 16/8, cả hai cổ phiếu chủ chốt của đại gia Đặng Thành Tâm là KBC và ITA đều tăng trần ấn tượng sau một thời gian dài lao dốc.
Ngay từ đầu phiên, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc tăng trần, từ 7.100 đồng lên 7.500 đồng/cp với dư mua tới 9h40 phút lên tới gần 650.000 đơn vị. ITA của CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo cũng có nhấp nhổm ở vị trí giá trần (6.400 đồng/cp) và sát trần.
Với hơn 101 triệu cổ phiếu KBC và gần 18,2 triệu cổ phiếu ITA, ông Tâm có tài sản tăng thêm tổng cộng hơn 46 tỷ đồng. Trong phiên trước đó nhờ KBC tăng trần, ông Tâm cũng đã kiếm thêm được 40,5 tỷ đồng và khoảng 12 tỷ đồng từ 2 phiên tăng trần liền trước của ITA.
Trước đó, ITA bất ngờ công bố báo cáo tài chính quý II/2013 lãi ròng gần 8,3 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng lãi 10,4 tỷ, tăng 88% so với cùng kỳ. Trong khi KBC cũng vừa công bố doanh thu quý II tăng 5,5 lần so với cùng kỳ và lỗ ít, chỉ bằng 1/14 lần so với năm trước.
Một doanh nghiệp khác của ông Đặng Thành Tâm là Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - SaigonTel (SGT) sắp hủy niêm yết trên sàn chứng khoán và có phiếu bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 23/7, cũng bất ngờ đưa ra kế hoạch 6 tháng cuối năm lãi tới 67 tỷ đồng sau 2 năm lỗ khủng trước đó (lỗ hơn 370 tỷ đồng). KBC cũng đã đặt ra mục tiêu lãi 68 tỷ đồng trong năm 2013.
SGT cho biết, dù lỗ nặng trong năm 2012, nhưng công ty đã có lãi trở lại từ quý IV năm ngoái và quý I/2013 cũng có lãi gần 500 triệu đồng. Sang quý II/2013, các khu công nghiệp tại chi nhánh Bắc Ninh cũng đã có lãi và công ty lên kế hoạch thanh lý bớt các khoản đầu tư dài hạn và sử dụng nguồn thu này để tất toán các khoản vay ngắn hạn nhằm giảm bớt lãi vay…
Trước đó, ông Tâm đã gặp rất nhiều sự cố và từng phải thốt lên “tôi sợ lắm rồi”, thừa nhận thất bại khi đầu tư vào ngân hàng, thừa nhận đang nợ 500 triệu USD, thua lỗ khi đầu tư vào viễn thông. Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho biết, ông vẫn có thể xoay sở được với khoản nợ lớn này.
Gần đây, ông Tâm đã trở lại tốp 10 người giàu nhất trên TTCK sau một năm vắng bóng nhờ vào sự phục hồi của các cổ phiếu KBC, ITA và sự tin tưởng của giới đầu tư vào thế mạnh phát triển khu công nghiệp, tư vấn và xúc tiến đầu tư của đại gia này.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều đáng bàn về tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm, từ tình hình nợ nần cho đến hoạt động kinh doanh chính.
Chưa thoát nợ và lỗ
Kế hoạch SGT lãi 67 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2013 là một trong những điểm khiến giới đầu tư nghi ngờ.
Trong giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục lỗ lũy kế hai năm 2011 và 2012, SGT cho rằng có 4 nguyên nhân làm công ty thua lỗ trong 2 năm qua là do khủng khoảng kinh tế; lãi suất thực vẫn ở mức cao từ 18-20%/năm; công ty đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ và cuối cùng là dính đến vụ kiện cáo với Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện V.T.C bị thiệt hại 256 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, tình hình có vẻ đã được cải thiện đáng kể. Nhưng nói là lãi trong quý I của SGT rất khiêm tốn, chỉ 493 triệu đồng. Đây là một con số quá bé nhỏ nếu so với con số lỗ chưa phân phối 331,2 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2013. Bên cạnh đó, doanh thu quý I của SGT thực sự là một vấn đề với chỉ 3,8 tỷ đồng so với quy mô vốn 740 tỷ đồng của doanh nghiệp này.
KBC vẫn lỗ tổng cộng 61 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Khoản lỗ này đã ít hơn so với cùng kỳ nhưng chủ yếu do những thay đổi trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất và cách tính thuế đối với các hoạt động kinh doanh khu công nghiệp.
Chi phí hoạt động tài chính của quý II/2013 của KBC vẫn rất lớn, gần 80 tỷ đồng và tính cho cả 6 tháng lên tới 152 tỷ đồng gây áp lực lớn lên doanh nghiệp.
CTCP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) cho dù báo lãi quý II tăng mạnh lên gần 8,3 tỷ đồng nhưng điều đáng nói là lợi nhuận lại đến từ khoản lợi nhuận khác đột biến gần 31 tỷ đồng, cứu DN thoát lỗ.
Trong khi đó chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) lại tăng 50% trong quý này và 67% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ 2012, đạt lần lượt gần 27,5 tỷ đồng và 54,6 tỷ đồng.
Một vấn đề của ITA là hàng tồn kho của công ty tiếp tục tăng so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý II/2013 đạt gần 3.050 tỷ, tăng 168 tỷ so với đầu năm thể hiện các chi phí phát sinh trong quá trình phát triển các khu công nghiệp và các dự án BĐS dở dang như KCN Tân Đức, khu E-City Tân Đức, khu chung cư Tân Đức, KCN Tân Tạo, trung tâm công nghiệp Nhiệt điện Kiên Lương, chung cư Tân Tạo Plaza…
Hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của ITA đạt gần 3.000 tỷ tại thời điểm 30/6/2013, tăng gần 300 tỷ so với đầu năm chủ yếu là khoản góp vốn vào đơn vị khác.
Trong báo cáo quản trị nửa đầu năm 2013, Ngân hàng Navibank cho biết, ông Đặng Thành Tâm còn nắm hơn 7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,37% vốn. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - vợ ông Tâm cũng đã bán hết hơn 10,7 triệu cổ phiếu trong thời gian này. Trước đó, các doanh nghiệp của ông cũng đã thoái vốn tại Western Bank.
Gần đây, Itaco của chị em nhà ông Tâm cũng đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với dự án Nhiệt điện Kiên Lương 6,7 tỷ USD. Bên cạnh Kiên Lương, ông hai công ty liên quan đến ông Đặng Thành Tâm là Saigon Invest và Saigontel cũng đang mắc kẹt với hơn 800 tỷ đồng đã rót vào dự án viễn thông S-Fone.
Mạnh Hà