Bà Trần Nguyệt (55 tuổi) chỉ lên vết sẹo trên cánh tay, sau gần 1 tuần bưng mủ nay đã khô lại. Ngày đầu tiên, vết thương chỉ đỏ lên như bị kích ứng, không đau, không ngứa. Ngày thứ 2, các nốt mủ trắng nổi lên, rộp nước, giống như bị bỏng. Khi đó, vết thương loang rộng, đối xứng nhau, đau rát. 

“Chỉ đến khi tôi bắt được một con kiến ba khoang trên cửa sổ, mới giật mình nhận ra nguyên nhân. Ra tiệm thuốc tây, người ta cũng không biết chính xác là kiến ba khoang hay zona thần kinh. Gần 1 tuần sau khi bôi thuốc, vết thương mới lành”, bà Nguyệt nói.

Sau 1 tuần, vết thương của bà Nguyệt đã khô lại. Ảnh: NVCC

Bà giải thích thêm, khi sinh hoạt hàng ngày, có thể bà đã gập cánh tay khiến nước từ vết thương lan sang vùng da bên cạnh, tạo thành 2 vết sẹo đối xứng nhau. 

“Đây là lần đầu tiên tôi bị dính độc của kiến ba khoang. Điểm lạ là tôi không bắt, không giết kiến này bao giờ, có lẽ do vô tình đụng phải mà không nhận ra”.  

Không riêng bà Nguyệt, một số người dân ở khu vực TP Thủ Đức cũng bắt đầu than phiền vì kiến ba khoang bay vào nhà gây ra các vết thương cho người lớn, trẻ nhỏ. Thực tế, kiến ba khoang có thể xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là vào mùa mưa.

Chị Phạm Khuê, Chung cư Flora Fuji cho hay, loài côn trùng “khó chịu” trên hay bám trên cửa sổ, bay vào nhà theo ánh đèn trắng. Từ đầu mùa mưa, chị đã bắt được 3-4 con ở phòng tắm, trên giường, trong chăn màn.

“Người lớn để ý có thể tránh được kiến ba khoang nhưng trẻ con thì khó lắm. Nhà tôi lúc nào cũng có sẵn thuốc, hơi rộp đỏ phải bôi ngay, nếu không sẽ lở và đau rát”, chị nói.  

Cũng thời gian này, Bệnh viện Da liễu TP.HCM thường tiếp nhận những ca loét da, mụn mủ… Người bệnh dễ nhầm lẫn giữa bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đốt và bệnh zona thần kinh. Một số người điều trị nhầm bệnh gây nên các tổn thương rộng trên da.

Dịch cơ thể của kiến ba khoang có độc tố Pederin. 

Bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1 cho biết, khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, người bệnh sẽ cảm thấy hơi ngứa rát, da căng, ửng đỏ. Sau đó sưng nhẹ, hơi phù nề, nổi mụn nước, mụn mủ... Vị trí thường gặp ở mặt, cổ, tay chân. 

Vết thương do kiến ba khoang thường kéo thành vệt. Khi người bệnh gãi, chà xát, mụn nước vỡ ra và lan sang vùng da lân cận. Da bị tổn thương sẽ ổn định từ 5-7 ngày. Một số trường hợp nặng gây bội nhiễm khiến người bệnh đau nhức, vết thương lâu lành, để lại sẹo xấu.

Trong khi đó, bệnh zona thần kinh do virus gây ra. Các mụn nước li ti mọc thành chùm, chứa dịch lỏng bên trong, nổi một bên cơ thể dọc theo đường đi của dây thần kinh. Vị trí thường gặp là vùng lưng, bụng, vai, cổ,... 

Kèm theo đó, người bệnh sốt, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, đau nhức. Sau một đến hai tuần, các mụn nước sẽ lành. 

“Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona thần kinh là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Việc chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai có thể khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn”, bác sĩ Phượng nói thêm.

Kiến ba khoang là một loại côn trùng nhỏ, dài khoảng 1-1,5cm. Người dân gọi là kiến ba khoang bởi chúng có màu đen, cam chia thành ba đoạn xen kẽ nhau. 

Dịch tiết của kiến ba khoang có độc tố mạnh. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, quần áo, đồ đạc, người dân không nên dùng tay bắt mà nên thổi chúng ra xa hoặc dùng tờ giấy cho kiến bò lên, lấy kiến ra khỏi người.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da, cần nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Bởi trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da.

Nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, người dân nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng. Lý do là kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang nên chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Ngoài ra, các gia đình nên sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều, nên buông rèm cửa. 

Linh Giao

Đau rát do kiến ba khoang nhưng bị nhầm là Zona, bác sĩ chỉ cách phân biệt

Bệnh nhi bị đau rát, nổi đám đỏ và được chẩn đoán mắc bệnh Zona, tuy nhiên sau bôi và uống thuốc tình trạng của trẻ không đỡ.