Đầu tháng 10/2020, Apple cáo buộc công ty tái chế GEEP của Canada vi phạm hợp đồng khi bán ra ít nhất 100.000 thiết bị cũ bao gồm iPhone và iPad. Số lượng thiết bị này đáng lẽ ra phải được đem đi tiêu hủy.
Không chỉ thế, Apple còn yêu cầu GEEP bồi thường cho hãng khoản tiền lên tới 23 triệu USD. Đơn tố cáo GEEP của Apple vốn được đệ trình lên tòa án tại Canada từ tháng 1/2020, những phải 9 tháng sau vụ việc mới được công khai. Kể từ đó, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề môi trường của gã khổng lồ công nghệ này bắt đầu xuất hiện.
Apple đang hành động ngược với những từng nói
Từ lâu, Apple luôn tuyên bố không cho phép tiêu hủy các thiết bị điện tử vẫn đủ điều kiện sử dụng. Trong đơn kiện, hãng công nghệ cho biết lô hàng thiết bị được gửi tới GEEP đều đã qua “sửa chữa”. Tuy nhiên Apple không đi sâu vào chi tiết chúng được sửa chữa ra sao hay gặp vấn đề gì. Đại diện của Apple, Josh Rosenstock, cũng từ chối tiết lộ tình trạng của các thiết bị gửi tới GEEP.
Thay vì đem đi nghiền nhỏ và phá hủy, hơn 100.000 thiết bị Apple bị đem bán ngoài thị trường. Ảnh: Apple. |
Trong email của Rosenstock, ông khẳng định những sản phẩm của Apple có “tuổi thọ hàng đầu trong ngành”, đồng thời cho biết công ty luôn cố gắng tân trang “càng nhiều thiết bị được đảm bảo an toàn càng tốt mỗi năm, tính riêng trong năm 2019 đã có 10 triệu thiết bị được tái sử dụng”. Rosenstock chia sẻ các sản phẩm chỉ bị tiêu hủy sau khi kết quả kiểm tra không đáp ứng “tiêu chuẩn chất lượng và an toàn trong ngành”. Rosenstock còn khẳng định không có vật liệu nào từ các sản phẩm của Apple bị thải ra bãi rác sau quá trình tái chế.
“Điều này thật tuyệt vời, các hoạt động mờ ám của Apple đã được đem ra ánh sáng. Họ khoe khoang về số lượng điện thoại Apple tái sử dụng trong báo cáo môi trường. Nhưng sau đó buộc đơn vị tái chế tiêu hủy hoàn toàn các thiết bị còn sử dụng được”, Kyle Wiens, người sáng lập trang web sửa chữa iFixit, tỏ ra ngạc nhiên trước vụ kiện chống lại GEEP của Apple.
Trong tài liệu của tòa án, GEEP phủ nhận cáo buộc, đồng thời cho rằng hành vi này được thực hiện bởi nhóm nhân viên đứng sau. GEEP đã sa thải và kiện nhóm nhân viên nói trên, không một ai đưa ra bình luận.
Apple và các luật sư đại diện cho GEEP từ chối chia sẻ thông tin về số thiết bị và không đưa ra bất kỳ phản hồi nào.
Lý do nào khiến Apple chọn phương án tiêu hủy sản phẩm còn sử dụng lại được?. Ảnh: Shutter Stock. |
Từ vài năm qua, gã khổng lồ Apple liên tục quảng cáo những nỗ lực bảo vệ môi trường của mình như cho ra mắt robot tái chế, tái sử dụng nhôm phế liệu trong máy tính xách tay. Trong một thông báo gần đây, công ty còn cho biết họ sẽ giảm thải toàn bộ lượng carbon gây hại vào năm 2030. Apple thậm chí ngừng vận chuyển bộ sạc điện cùng một số mẫu Apple Watch để giảm lượng chất thải. Giới chuyên gia trong ngành còn dự đoán Apple sẽ không sản xuất tai nghe hoặc bộ sạc đi kèm mẫu iPhone mới.
“Thiết bị của bạn vẫn còn có thể sử dụng được ngay cả khi bạn không cần nó nữa. Nếu máy còn tốt, chúng tôi sẽ chuyển nó đến tay chủ nhân mới. Nếu không, chúng tôi sẽ gửi nó đến các đối tác tái chế của mình”, Apple thông báo chính sách đổi thiết bị cũ lấy mới trên website.
Tuy nhiên, trong bài điều tra của Motherboard năm 2017, trang công nghệ này đã phát hiện Apple thuê công ty ngoài và yêu cầu tiêu hủy thiết bị cũ, cấm các bên tái chế tận dụng những vật liệu còn sót lại.
Rosenstock từ chối công khai lượng thiết bị Apple gửi đến đối tác để xử lý cũng như số lượng công ty này tự tái chế. Ông cho biết công việc này được giao cho robot Daisy và Dave. Mẫu robot có khả năng tháo rời 200 chiếc iPhone/giờ và thu hồi nhiều vật liệu hơn các đối tác tái chế. Ngoài ra, đại diện Apple tiếp tục giữ im lặng khi được hỏi về các tiêu chí giúp công ty xác định tình trạng của thiết bị.
Công ty tự "vạch áo cho người xem lưng"
Ngành sản xuất và chế tạo smartphone từ lâu đã gây nên tác động tiêu cực đến môi trường. Theo báo cáo của Greenpeace, từ năm 2007-2016, quá trình sản xuất điện thoại thông minh tiêu thụ 968 terawatt giờ năng lượng. Con số đó tương đương với năng lượng mà 1,35 tỷ dân số Ấn Độ tiêu thụ trong cả năm. Các thiết bị điện tử còn yêu cầu nhiều khoáng sản quý như đất hiếm. Quá trình khai thác loại vật liệu này thường liên quan đến các vấn đề vi phạm nhân quyền, ô nhiễm nguồn nước ngầm và những tài nguyên khác.
Việc tái chế các thiết bị điện tử cũ được coi là giải pháp tốt, tuy nhiên giới chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết rất ít bộ phận được tái sử dụng và đem vào các thiết bị mới. Apple chắc chắn không bao giờ tiết lộ các con số thống kê đó.
Hành động của Apple khiến nhiều người thắc mắc về tính trung thực. Ảnh: Reuters. |
Theo Gary Cook, giám đốc chiến dịch khí hậu toàn cầu của tổ chức môi trường Stand.Earth, Apple đang tự “vạch áo cho người xem lưng” thông qua vụ kiện GEEP. Đây là nguồn thông tin “khó mà có được”.
“Họ chỉ quan tâm đến việc thúc đẩy doanh số bán hàng thay vì khuyến khích người dùng tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại hiện có”, Cook nhận xét.
Cook và những người khác còn cho rằng Apple buộc khách hàng của mình phải nâng cấp điện thoại mới sớm nhất có thể. Không giống các nhà sản xuất khác, sản phẩm của Apple rất khó để thay thế, nâng cấp pin, bộ nhớ hay màn hình.
Theo nội dung đơn kiện nhắm vào GEEP, Apple đã phát hiện nhiều thiết bị trong lô hàng 100.000 chiếc được kết nối lại với mạng di động. Thay vì đem đi nghiền nhỏ và tiêu hủy, một số nhân viên của GEEP đã bí mật chuyển chúng ra ngoài và làm giả hồ sơ. Lượng lớn thiết bị trong đó đã được gửi đến Trung Quốc.
Apple tin rằng con số thiết bị được sử dụng này có thể còn cao hơn nhiều.
Theo tài liệu của tòa án, GEEP đã mở một cuộc điều tra nội bộ và thừa nhận số lượng thiết bị đã được tái sử dụng. Tuy nhiên, John Longo, luật sư của GEEP, từ chối tiết lộ liệu có bất kỳ thiết bị nào đã qua sửa chữa hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người dùng hay không.
“Những hợp đồng tiêu hủy này luôn khiến người tái chế đau đầu. Họ không muốn phá hủy phần cứng”, đại diện iFixit chia sẻ.
Apple không phải thương hiệu duy nhất có hành vi tiêu hủy thiết bị còn sử dụng lại được. Nhiều đơn vị tái chế giấu tên cho biết các công ty công nghệ e ngại việc tái sử dụng sản phẩm cũ vì sợ sẽ khó bán sản phẩm mới hơn, đồng thời có thể hạ thấp thương hiệu cao cấp của công ty.
Tuy nhiên, nhiều công ty chọn cách phá hủy thiết bị dính lỗi để không bị công chúng phát hiện, loại pin gây phát nổ của Samsung là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, một số công ty cho tiêu hủy sản phẩm vì chứa dữ liệu cá nhân của chủ nhân cũ, mặc dù nhiều đơn vị tái chế đã tìm ra cách khắc phục vấn đề này.
“Các phần mềm mà chúng tôi phát triển hoạt động hiệu quả không kém gì việc đem đi tiêu hủy. Các đơn hàng yêu cầu xóa dữ liệu không thường xuyên như tôi muốn. Giá như nó luôn luôn là 100%”, Craig Boswell, đồng sáng lập và chủ tịch của công ty tái chế đồ điện tử Hobi International, phát biểu.
(Theo Zing)
Cựu nhân viên tố cáo Apple 'dìm hàng' đối thủ, ưu tiên 'con cưng' của mình
Apple Arcade đường đường chính chính xuất hiện trên App Store song các dịch vụ tương tự của Microsoft và Google thì không.