Ở độ cao 3143m trên đỉnh thiêng Fansipan, những tuyệt tác kiến trúc tâm linh uy nghiêm, thách thức địa hình, khí hậu khắc nghiệt…Nơi đó không chỉ đánh dấu kỳ tích của con người mà còn hội tụ tinh hoa của kiến trúc tâm linh thuần Việt từ nghìn đời.
Cung đường leo bộ từ khi rời khỏi cabin cáp treo ở ga đến khiến du khách “lạc bước” trước sự mênh mang của đất trời và sự kỳ vĩ của những công trình tâm linh nơi đỉnh thiêng.
Từ độ cao 2900m lên đến đỉnh cao 3143m, đi qua những Bảo An Thiền Tự, Thanh Vân Đắc Lộ, Vọng lĩnh Cao Đài, Đài gác Đại hồng Chung… tới Đại tượng Phật A Di Đà, men theo đường La Hán để lên tới Kim Sơn Bảo Thắng Tự, hành trình ấy giống như một chuyến hành hương lên cõi Phật diệu kỳ.
Chiêm ngưỡng những công trình tâm linh ở Fansipan, sẽ thấy bóng dáng kiến trúc chùa - tháp truyền thống từ thời Trần toát lên trong từng hạng mục, từ tam quan, khu trung tâm điện thờ Phật, tới gác chuông, bảo tháp…
Chỉ có điều, cái sự mênh mông của kiến trúc đình chùa truyền thống ở đây lại được thu hẹp lại, để tựa lưng, men theo thế núi cheo leo. Như Kim Sơn Bảo Thắng Tự là cụm công trình lớn nhất tại đây cũng chỉ gồm 5 gian, cao chưa đến 10m, sân thềm rộng chưa đến 30m.
Lý giải điều này, giáo sư Hoàng Đạo Kính, tác giả của cụm công trình nói: “Chúng tôi chọn quy mô vừa phải, không tạo ra sân thềm rộng lớn, không tạo ra những lối đi thẳng băng mà chia ra thành các hạng mục nhỏ để lồng ghép làm sao hài hòa với cảnh quan thiên nhiên có một không hai của Fansipan”.
Kế thừa những tinh hoa kiến trúc chùa gỗ của Phật giáo Việt Nam truyền thống, đặc biệt được lấy cảm hứng từ những công trình Phật giáo thời Trần, khoảng thế kỷ 15, 16, kiến trúc những công trình tâm linh nơi đây gợi nhắc những ngôi chùa đã tồn tại cả nhiều trăm năm lịch sử như Chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, Chùa Bà Tấm, hay chùa Thầy…
Sẽ dễ dàng bắt gặp những chi tiết kiến trúc mang dấu ấn mỹ thuật thời Trần trong cụm công trình, từ những bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình rồng như thế này….
… hoặc những cặp tượng rồng điêu khắc kỳ công từ đá nơi bậc thềm. Thân hình mập mạp, những nét uốn lượn khỏe khoắn của rồng thời Trần là biểu trưng cho sự mạnh mẽ, uy quyền, thịnh vượng.
Chi tiết trang trí góc mái của các công trình được lấy tiền mẫu từ các di chỉ thành Thăng Long và phục chế lại, ngói cũng là ngói cổ phục chế… Ngắm kỹ những công trình ấy, trên đỉnh thiêng bốn mùa gió sương đủ sức quật ngã sự kiên cường của con người, mới thấy, để tạo nên kiệt tác nơi đây, ý chí con người thật vĩ đại.
Nét thô mộc của những sơn tự đã tồn tại hàng trăm năm nơi núi cao được truyền tải trọn vẹn ở Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Những vì kèo, cột gỗ giữ nguyên màu tự nhiên, ngói cổ phục chế, những chạm khắc, sơn vẽ trên gỗ được tiết giản tối đa. Kỹ thuật sơn thếp có chăng chỉ được sử dụng trên các bức tượng và đồ thờ bên trong mỗi công trình tâm linh.
Kỳ công nhất trong quần thể tâm linh Fansipan có lẽ là Đại tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam (21,5m). Được ghép từ những tấm đồng dày 0,5cm nhập khẩu từ Hàn Quốc trên một khung thép có thể tích 1000m3, công trình tiêu biểu cho ý chí và sự mạnh mẽ của con người cũng như tinh hoa của kiến trúc Việt. Một lần nữa, mỹ thuật thời Trần được tái hiện rõ nét trong những bức phù điêu chạm khắc hình hoa sen đặc trưng dưới chân Đại tượng Phật.
Điểm nhấn trong quần thể là Đài gác Đại hồng chung với bố cục thẳng đứng, cao 35m, khác hẳn với các công trình khác bố cục theo chiều ngang. Lầu chuông tám mái của Đại hồng chung khiến người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh tương tự ở những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Tây Phương, Chùa Bút Tháp, Chùa Keo…
Một tòa bảo tháp cao 20m trên trục chính của Kim Sơn Bảo Thắng Tự kế thừa nhiều đường nét, hình dáng từ ngôi tháp chùa Phổ Minh (Nam Định), được ốp đá sa thạch khai thác từ miền Trung rất cầu kỳ, tinh tế…
Kiến trúc thuần Việt giữ cho nếp sơn tự bền mãi với thời gian trên đỉnh thiêng nước nhà. Ngắm những kỳ công của con người nơi kỳ quan của tạo hóa, du khách thấm câu nói của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đây là những kỳ quan trong thế kỷ 21 và cũng là những di sản mà chúng ta để lại cho hậu thế mai sau, để tiếp tục mạch nguồn văn hóa của cha ông từ quá khứ, hiện tại, cho tới tương lai”.
Doãn Phong