- Đây là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm sau khi đọc bài “Về Việt Nam kinh doanh đa cấp biến tướng thành lừa đảo.

Ảnh minh họa
Bạn đọc ở địa chỉ khoailang124@yahoo.com nêu ý kiến: Tôi đã tìm hiểu bán hàng đa cấp ở một số công ty và nhận thấy không phải công ty nào cũng xấu. Tuy nhiên thì sản phẩm không tốt như các nhà phân phối quảng cáo và giá tiền quá cao so với chất lượng. Chất lượng sản phẩm thì mơ hồ, nào là tốt cho cái nọ, cái kia, thải độc... nói chung rất khó kiểm tra.

Vì thế bạn đọc này quyết định: Tôi sẽ vẫn dùng thực phẩm chức năng nếu có điều kiện nhưng  không bao giờ mua thực phẩm chức năng qua bán hàng đa cấp nữa.

Bạn đọc ở địa chỉ ddd@yahoo.com cũng có ý kiến tương tự: Vấn đề là hầu hết các sản phẩm của các công ty kinh doanh đa cấp bán với giá rất cao và chất lượng so với sản phẩm thông thường cùng loại là vấn đề gây tranh cãi.

Còn bạn đọc ở địa chỉ badiep_tb@yahoo.com.vn  thì đưa ra nhận xét về bán hàng đa cấp: Những lời quảng cáo sản phẩm và giá của sản phẩm bán ra rất cao so với giá trị sử dụng thật của sản phẩm, việc này là lừa dối người tiêu dùng… Bằng cách này hay cách khác, tất cả các công ty kinh doanh mạng đều bắt các thành viên mua một số lượng sản phẩm nhất định mới được trở thành nhà phân phối chính thức, điều này trái với quy định tại Điều 7, Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý kinh doanh mạng. Trên thực tế doanh thu hàng năm gần như hoàn toàn do việc bắt các thành viên trong mạng lưới phải mua sản phẩm của Công ty theo định mức (để được là nhà phân phối) chứ không phải do bán cho người tiêu dùng. Có nghĩa là lợi nhuận của Công ty và thu nhập thành viên hoàn toàn lấy từ túi tiền của thành viên khác do sự chèo kéo tham gia của các thành viên đi trước mà ra, chứ không phải do sự lưu thông của sản phẩm ra thị trường đến với người tiêu dùng theo đúng bản chất của từ “kinh doanh”.

Theo bạn đọc ở địa chỉ thicuibap_hlu@yahoo.com thì đa số mô hình kinh doanh đa cấp ở Việt Nam hiện nay hoạt động giống mô hình kim tự tháp nhiều hơn, nên lòng tin của người dân vào hình thức kinh doanh này bằng không.

Bạn đọc này cho rằng: Nếu nhà nước không sớm có những văn bản pháp luật ban hành mới bổ sung cho Nghị định số 110/2005/NĐ-CP thì mô hình kinh doanh này ở nước ta sẽ không bao giờ có cơ hội phát triển.

Bạn đọc Phan Bảo Lâm ở địa chỉ phan_lam15@yahoo.com nêu rõ: Trong mô hình kinh doanh này cần tăng cường  vai trò của bộ máy quản trị. Việc của quản trị là tạo ra cái khung để bất kỳ ai không được vượt khung làm ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Bán hàng đa cấp cũng không thể thiếu bộ máy quản trị, tuy nhiên, khi sang đến VN thì nó đột nhiên biến mất. Không có cái khung nào để hạn chế thì bán hàng đa cấp bị biến tướng thành đầu cơ và lừa đảo. Đâu chỉ bán hàng đa cấp mới bị biến tướng. Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam cũng bị biến tướng

Bạn đọc ở địa chỉ talaweb.com@gmail.com đề nghị nhà nước siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp, kiểm tra mô hình của họ, nếu dạng hình tháp hoặc bắt thành viên ký quỹ vô lý để hưởng lợi, cũng như toàn bộ tài liệu thuyết trình của họ nếu có vấn đề là phải tước giấy phép và truy tố hình sự ngay lập tức!

Nhưng bạn đọc ở địa chỉ pf_phanthanhnhan@yahoo.com.vn lại dẫn một câu sưu tầm được, thể hiện ý kiến  của mình về kinh doanh đa cấp khác hẳn các bạn đọc ở trên:

"Nếu bạn sống ở thế kỷ 19 lúc đó bạn nói bán hàng đa cấp là lừa đảo thì có 100% người đồng tình với bạn.

Nếu bạn sống ở thế kỷ 20 lúc đó bạn nói bán hàng đa cấp là trò lừa đảo sẽ có một số người phản đối bạn.

Còn nếu bạn sống vào thế kỷ 21 lúc này mà bạn nói bán hàng đa cấp là lừa đảo thì bạn hãy xem lại kiến thức của chính mình."

Trên đây là tóm tắt ý kiến của một số bạn đọc thảo luận về chủ đề: Có nên kinh doanh đa cấp? trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF.

  • Ban Bạn đọc