Từ các loại mực ống, mực nang ươn thối, những tấm bì lợn bẩn, ôi thiu cho đến những quả dừa thâm đen sau khi bổ sẽ được “phù phép” trắng tinh, trông rất "ngon" mắt.

... Nhưng cái lợi trước mắt đó đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của hàng triệu người tiêu dùng.

Ớn lạnh công nghệ tẩy trắng dừa

Nước dừa là thức uống khá được ưa chuộng trong những ngày nóng bức. Chính vì vậy, cứ vào đầu hè là các cửa hàng bán nước dừa mọc lên như nấm, cùng với đó, công nghệ "tắm trắng" để dừa bắt mắt hơn cũng ngày càng "phát triển". Mặc dù biết là nguy hiểm, nhưng vì mải chạy theo lợi nhuận mà các tiểu thương bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, “tân trang dừa” bằng thứ hóa chất độc hại.

{keywords}

Để có thứ nước mát lịm trong vỏ ngoài trắng nõn, các lái buôn dừa đã phải bỏ công gọt vỏ và... ngâm dừa vào hóa chất!

{keywords}

Dừa chuẩn bị được tẩy trắng tại một vựa ở bến Phú Định, quận 8 - TP.HCM

 
Cách đây vài tuần, anh Nguyễn Trọng Tấn, học viên một trường đại học ở quận 10, TP.HCM, mua ở căng tin trường một trái dừa tươi gọt vỏ trắng tinh. Uống xong, anh để quên trái dừa ở hộc bàn. Hôm sau vào lớp, Tấn thấy cơm dừa từ màu trắng sữa đã chuyển sang đỏ hồng. “Chắc chắn trái dừa này đã được ngâm hóa chất gì đó, chẳng biết có độc hại gì không?”, anh Tấn lo lắng.

Chuyện ngâm tẩm hóa chất làm cho dừa trắng và bắt mắt không phải là mới nhưng điều đáng nói là tình trạng này đang ngày càng phổ biến. Công đoạn làm ra quả dừa trắng khá đơn giản: Chỉ cần gọt lớp vỏ xanh cứng, hóa chất được đổ vào một thùng phi nhựa, hòa với nước. Dừa gọt vỏ xong được thả vào thùng phi hóa chất, sau 5 - 10 phút vớt ra đặt vào những giá nhựa để sẵn cho ráo nước, sau đó mang đi tiêu thụ. Nếu quả dừa sau khi gọt vỏ mà không ngâm vào hóa chất thì nhanh chóng chuyển sang màu vàng, còn trái dừa đã ngâm thì có màu trắng mướt, trông rất hấp dẫn.

{keywords}

Nhờ được ngâm mình trong hóa chất mà dừa được trắng đẹp và tươi lâu. (Ảnh: Thu Hòa)


Theo một chủ vựa dừa, chỉ cần ra bất kỳ cửa hàng hóa chất nào ở chợ Kim Biên (TP.HCM) cũng sẽ được giới thiệu hai loại bột màu trắng để tẩy trắng, tất cả đều không bao bì, nhãn mác với giá chỉ 125.000 đồng/kg. Mỗi thùng nước 20 lít pha với 6 muỗng bột (3 muỗng loại này, 3 muỗng loại kia) rồi ngâm dừa đã gọt vỏ vào, chờ nước thấm hết vớt lên thì dù dừa nâu xám xịt cũng trở nên trắng phau.

"Hô biến" mực ươn thối thành trắng trẻo, ngon lành

Tại nhiều chợ ở TP.HCM, đi đâu cũng thấy mực tươi bán tràn lan. Do nhìn bắt mắt nên nhiều bà nội trợ đua nhau mua mà ít ai biết rằng các sản phẩm này đã từng được sơ chế bằng đủ loại hóa chất.

{keywords}

Sơ chế mực trước khi bán cho khách tại khu vực chợ Hòa Bình, quận 5 - TP.HCM

Theo quan sát của PV, quy trình “hô biến” mực thành trắng tinh rất đơn giản. Những người bán hàng thản nhiên chế vào từng xô chậu một ít nước màu đục như nước vo gạo, khuấy đều. Kế tiếp, họ cho mực nguyên liệu (là những sọt mực bốc mùi hôi, ngả màu tím đen) vào xô trộn đều và ngâm cả giờ... Khi trời sáng, mực được vớt ra bán. Những con mực tím đen trước đó, giờ đã trắng phau.

Ông Giang - một người chuyên bỏ mối thủy hải sản ở TP.HCM - cho biết, mực chưa ngâm tẩm hóa chất sẽ có màu xám trắng hoặc xám đen và còn cả mai. Còn mực bán ở chợ phần lớn đã qua sơ chế bằng cách ngâm hóa chất nên người ta phải gỡ bỏ mai, màu mực thường trắng tươi.

Dân trong nghề gọi loại hóa chất này là "chất kiềm" có công dụng giữ cho con mực không bị hư hỏng và tích nước làm tăng trọng lượng (mỗi kg mực ngâm hóa chất này sẽ làm tăng trọng lượng thêm ít nhất 200 g). Trường hợp mực đã bị biến chất, người bán sẽ "xử lý" bằng cách ngâm chất tẩy trắng. Chất này không chỉ khử mùi hôi tanh (do mực đang trong quá trình phân hủy) mà còn tạo độ giòn, dai...

Không chỉ ở tràn lan ở TP.HCM, những con mực trông tươi ngon nhưng lại “đẫm” hóa chất tẩy trắng cũng rất phổ biến tại Hà Nội. Các cơ quan chức năng đã từng kiểm tra và phát hiện tại ki-ốt 05 và 08 dãy G2B, chợ đầu mối Long Biên, khoảng 10 công nhân đang dùng hóa chất làm trắng mực. Tại hiện trường có khoảng 500 kg mực tươi chuẩn bị đem ra thị trường tiêu thụ. Tất cả số mực này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đựng trong các bao bì in tiếng nước ngoài với hạn sử dụng ghi năm 2005 - 2006. Theo lời khai ban đầu của các công nhân, mực đông lạnh lấy từ trong kho ra sẽ được bóc sạch, sau đó cho vào thùng có chứa nước rồi đổ nửa kg muối, 1/3 cây đá và khoảng 250 ml hóa chất hydrogen peroxide vào ngâm trong vòng 1 tiếng, sau đó rửa sạch và "biến" thành mực tươi sống, chờ tiêu thụ.

{keywords}

Mực đổ đầy sàn nhà trong khi chế biến - Ảnh: Thái Sơn


Khi cơ quan chức năng yêu cầu mở các kho đông lạnh thì phát hiện có nhiều máy quay ly tâm. Theo lời khai của các công nhân, trong trường hợp quá nhiều hàng, công nhân làm không xuể, mực được cho vào thùng, sau đó đổ hydrogen peroxide và dùng máy quay ly tâm quay để tẩy trắng. Vào thời điểm kiểm tra, một số máy quay vẫn đang hoạt động. Sau khi tắt máy, các dung dịch chứa trong các thùng chứa vẫn sủi lên dạng bọt như xà phòng. Ở những thùng mực đang làm dở, đoàn kiểm tra phát hiện có thùng đã bắt đầu bốc mùi thối và xuất hiện giòi, bọ.

Tẩy trắng bì lợn thối thành đặc sản

Vào khoảng tháng 1/2013, các mặt báo đồng loạt đưa tin về “công nghệ” tẩy trắng bì lợn bằng… ôxy già. Theo đó, 1 lít ôxy già tẩy trắng được… 3 tạ bì lợn.

Khi PV về thôn Bình Lương (xã Tân Quang, H.Văn Lâm, Hưng Yên), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những miếng da lợn đã qua sơ chế được phơi la liệt bên đường làng, trên mái nhà hoặc cạnh bờ ao.

{keywords}

Bì lợn được phơi trên nền sân

{keywords}

Người dân đang chế biến bì lợn.

Theo tiết lộ của ông C., chủ một trong những cơ sở tái chế bì lợn lớn nhất ở Bình Lương, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông nhập khoảng 1,5 tạ bì sống và chế biến. Những ngày giáp tết thì nhiều hơn, gần 2 tạ/ngày. “Toàn bộ số bóng bì sẽ được đổ buôn cho các mối hàng quen tại chợ Đồng Xuân, chợ Hôm”, ông C. cho hay.

Quan sát cơ sở của hộ ông C., không khó để nhận thấy tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng. Ngay bên gian bếp vốn được dùng làm nơi sơ chế da lợn, là dòng nước thải ứ đọng đen kịt, khắp nơi bóng nhẫy mỡ lợn, nước than nhem nhuốc. Bóng bì thành phẩm chưa kịp thu gom bày la liệt khắp nền đất, gác bếp cùng đủ thứ đồ đạc, vật dụng như bao tải, quần áo, xoong nồi ruồi nhặng bu kín. Chốc chốc, hai công nhân vô tư giẫm chân lên miếng bóng bì chuẩn bị được đóng ni lông đem đi tiêu thụ. Cảnh tương tự cũng xảy ra tại nhiều cơ sở làm bóng bì khác ở Bình Lương.

{keywords}

Bì lợn được ngâm trong ôxy già và hóa chất tẩy trắng. Ảnh: Thiên Chương.


Qua tìm hiểu được biết, nhiều hộ làm bóng bì ở Bình Lương có hẳn bí quyết tẩy trắng và làm mất mùi của bì lợn ôi thiu.

Đầu tiên, bì lợn (còn lẫn mỡ) sẽ được xịt nước thẳng vào để rửa. Mỡ lợn được các nhân công vừa “dẫm, đạp” vừa xịt nước để rửa, tuy nhiên vẫn bốc mùi, kèm theo sạn đá dính đầy.

Sau phần rửa sạch mỡ lợn là công đoạn phân loại bì mỡ được triển khai. Loại bì nào đã sạch mỡ được vứt sang một bên, loại nào còn mỡ sẽ dùng dao vát sạch. Mỡ được tách từ bì lợn cho lên một chảo lửa ngay bên cạnh để chế biến mỡ nước, để nguội sẽ được đổ vào một can nhựa 20 lít rồi được giao cho khách hàng.

Còn những loại bì lợn sau khi cạo sạch lông, nạo bỏ toàn bộ mỡ sẽ được ngâm trong thùng ôxy già từ 2 - 3 tiếng đồng hồ. Sau khi được ngâm, bì lợn được vớt ra với màu trắng toát, sạch bong. Những vết thâm tím trên thân bì đã hoàn toàn biến mất. Đặc biệt, mùi hôi thối cũng không còn nữa.

Một nam thanh niên làm thuê cho cơ sở sản xuất bóng bì của ông C. tiết lộ: những thùng dung dịch ôxy già khi mới nhập về từ Lạng Sơn thì còn có nguyên nhãn chữ Trung Quốc trên vỏ thùng, nhưng sau đó bị bóc đi. Một lít ôxy già mua ở Lạng Sơn có giá 15.000 đồng và có thể tẩy trắng tới hơn 3 tạ bì lợn.

Thực phẩm được "tắm trắng" tràn lan trên thị trường

Càng ngày, những vụ buôn lậu, tuồn thực phẩm ôi thối vào các chợ càng được phanh phui nhiều khiến người tiêu dùng phải giật mình thon thót. Những thông tin về hàng trăm kg thịt, nội tạng thối, được tuồn vào các thành phố lớn, được tẩy trắng và phân phối ra các chợ, các quán nhậu, liên tục được đưa lên mặt báo khiến dư luận bàng hoàng.

{keywords}

Số thịt thối này suýt chút nữa đã lọt được vào Đà Nẵng để "tắm trắng" và tuồn vào các quán nhậu

{keywords}

Gà, vịt làm sẵn còn được người bán ngâm bằng thuốc tẩy để làm nhanh sạch và trông thịt trắng nõn.


Từ những món nội tạng như lòng, dạ dày lợn cho đến những thực phẩm sử dụng hàng ngày như gà, vịt làm sẵn, móng giò, bún, miến thậm chí cả những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như măng, hoa chuối, ngó sen, cũng bị "tắm trắng" để trông hấp dẫn hơn, bán cho người tiêu dùng sử dụng.

{keywords}

Hoa chuối thái bị thâm đen trước khi tẩy.

{keywords}

Cũng chỗ hoa chuối bị thâm đen ở ảnh trước, đang được ngâm bằng axit chanh hòa trong nước sau 10 phút.

{keywords}

Măng thường được tẩy và bảo quản bằng chất tẩy đường.


Sự thật về hóa chất "tẩy trắng", khiến thực phẩm trở nên bắt mắt

Một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm nhận định, hóa chất tẩy trắng dừa có thể là một loại axit gốc phốt pho cộng với lưu huỳnh. Hóa chất này thấm vào ruột có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, còn nếu tích tụ nhiều và lâu trong người dẫn tới các bệnh lý khó lường.

Đối với những hóa chất tẩy trắng mực, TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết có rất nhiều hóa chất để giữ nước được dùng trong các mặt hàng thủy sản như urê, carpopol, cellulos... Những chất này khi xâm nhập cơ thể người sẽ rất nguy hiểm vì nó không thể tiêu hóa mà tích tụ dần và gây phản ứng trong cơ thể. Các chất tẩy trắng cũng rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, có thể gây nên viêm loét dạ dày, niêm mạc dạ dày.

Còn với công nghệ "hô biến" bì lợn thành đặc sản nhờ ôxy già, theo PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, ôxy già chỉ có tác dụng tẩy trắng thực phẩm, chứ không diệt hết được các loại vi khuẩn cùng mầm lây bệnh như dịch tai xanh, viêm cầu... nên nếu dùng phải loại bóng bì được chế biến từ những con lợn mang bệnh thì hậu quả rất khôn lường.

Bên cạnh đó, việc sản xuất thủ công sẽ khiến các hộ gia đình lạm dụng việc dùng ôxy già để tẩy trắng bì lợn, như dùng nồng độ quá đậm đặc, thời gian ngâm tẩm quá lâu thì sẽ gây tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. “Lo lắng nhất là việc người làm bóng bì mua phải những loại ôxy già trôi nổi không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm bị ngâm tẩm với những hóa chất có trong ôxy già, dễ dẫn đến các chứng như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận trên cơ thể người".

Những hóa chất độc hại sử dụng trong chế biến thực phẩm không tác dụng trong ngày một ngày hai mà nguy hại là sự tích tụ lâu dần trong cơ thể. Các độc chất này ngấm vào cơ thể dù với hàm lượng nhỏ, nhưng chưa kịp đào thải hết lại được tích tụ thêm trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và gây nguy cơ ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

(Theo Trí thức trẻ)