Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế duy nhất ở phía Bắc có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố nên có kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ khá phát triển, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu giao thương xuất nhập khẩu, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đây cũng là khu kinh tế cửa khẩu có nhiều lợi thế đặc biệt với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hóa giữa các nước ASEAN qua cảng biển Việt Nam tới các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Từ diện tích ban đầu được phê duyệt gần 6.514 ha, đến nay sau điều chỉnh, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích gần 15.929,8 ha với các phân khu chức năng: khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai (khu vực hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, thương mại, du lịch và dịch vụ) với 3 cặp cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Hồ Kiều II qua sông Nậm Thi, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc) được nối liền bởi cầu Kim Thành; một số khu vực phụ cận thuộc thành phố Lào Cai, các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương.
Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định: “Đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng tây nam Trung Quốc”.
Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường vùng tây nam, Trung Quốc, trong đó hạt nhân là Khu hợp tác kinh tế qua biên giới đa ngành, lĩnh vực, có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ logistics.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Kinh tế cửa khẩu ở Lào Cai có tầm quan trọng đặc biệt, bởi lẽ nó góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy quá trình chuyển dịch nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa, tạo ra sự phát triển ở các vùng để hình thành khu vực thị trường rộng lớn, có khả năng thu hút và thâm nhập với các khu vực thị trường khác.
Dự báo năm 2024, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn, công tác thu hút đầu tư sẽ được tỉnh đẩy mạnh và có nhiều cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đến với Lào Cai. Mục tiêu phấn đấu năm 2024 là kim ngạch xuất nhập qua cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD đã được Lào Cai đặt ra ngay từ đầu năm.
Để đạt mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước với hạt nhân là khu kinh tế cửa khẩu, tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp: Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động tại cửa khẩu, từ đó nâng cao hiệu suất thông quan, minh bạch thủ tục hành chính, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tìm hướng đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giữa Lào Cai với Vân Nam nói riêng; xây dựng mô hình cửa khẩu Lào Cai-Hà Khẩu thành cặp cửa khẩu kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt-Trung; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành trong khu kinh tế cửa khẩu, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng,...
Tập trung đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, hạ tầng cửa khẩu có ý nghĩa quyết định gồm đầu tư, xây dựng cầu đường bộ Bản Vược-Bá Sái; thúc đẩy mở cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược-Bá Sái; tập trung thu hút đầu tư hạ tầng, dự án logistics trong khu Kim Thành-Bản Vược làm hạt nhân cho khu kinh tế cửa khẩu,…
Ngoài các giải pháp về thủ tục hành chính và đầu tư hạ tầng, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức nhiều hội nghị thúc đẩy hoạt động giao thương, hợp tác thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thị trường Vân Nam (Trung Quốc), qua đó tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao năng lực vận tải, thông thương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh,…