Năm 2013, GDP ước đạt 5,4%, lạm phát khoảng 6%. Dù không đạt như mục tiêu tăng trưởng 5,5% nhưng đây vẫn là thành quả khẳng định, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Lạm phát giảm mạnh ở mức thấp nhất trong 10 năm qua được x là một thành tựu nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô. Đi kèm đó là hàng loạt các chỉ số kinh tế được cho là tích cực và khả quan. Lộ trình tái cơ cấu kinh tế đã được khởi động.
Mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012 đề ra đã được thực hiện. Nhưng trong con mắt của các chuyên gia thì các đánh giá và dự báo vẫn giữ một quan điểm khắt khe hơn.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của Ths Phó Thị Kim Chi, Ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch đầu tư cảnh báo, đằng sau sự lạc quan “kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cải thiện” thì vẫn là nỗi lo “phục hồi yếu, mang tính thời điểm”, “chưa bền vững, nguy cơ rủi ro”. Đặc biệt, lộ trình tái cơ cấu vẫn bị cho là: “chậm chạp, nguy cơ tụt hậu hiện hữu”.
Cải cách kinh tế vẫn chậm chạp |
Bên cạnh thành tựu kiềm chế lạm phát thấp thì hiển hiện nỗi lo về các biểu hiệu của sản xuất đình đốn, đời sống người dân khó khăn. Nhóm nghiên cứu cảnh báo: Lạm phát thấp là do tổng cầu yếu. Thu nhập hạn chế làm người dân thắt lưng, buộc bụng, luồng vốn thu hẹp làm doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, chi tiêu công hạn chế.. nên đã làm giảm sức ép tăng giá.
Nhóm nghiên cứu cũng bày tỏ quan điểm: Lãi suất giảm là tín hiệu vô cùng đáng mừng của nền kinh tế, là điều không dễ đạt được trong thời gian trước đó. Tuy nhiên, thực tế cung và cầu vẫn không thể gặp nhau. DN không thể tiếp cận được khoản vay do không đáp ứng được tiêu chuẩn của NH, trong khi đó, phía ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay. Khó khăn thiếu vốn vẫn còn và nhiều DN tiếp tục đối mặt với nguy cơ phá sản.
Điểm sáng nhập siêu thấp là điều đáng chú ý. Song, bóc tách con số này thấy, nhập khẩu giảm chủ yếu là ở khu vực nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào. Còn thành tích xuất khẩu ấn tượng lại chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Điều này cũng đồng nghĩa, sản xuất trong nước vẫn chưa thực sự hồi phục.
Cùng đó, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, còn nhiều yếu tố căn cơ khác sẽ khiến cho ổn định vĩ mô của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là hiệu quả đầu tư vẫn thấp, tỷ lệ nợ xấu vẫn cao.
Tiến trình tái cơ cấu kinh tế đã được khởi động nhưng đến nay, vẫn chậm trễ. Lo ngại kinh tế Việt Nam tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nhắc đến.
Với thực tế và nỗi lo đó, các kịch bản kinh tế năm 2014 của nhóm nghiên cứu này đưa ra đều có vẻ bi quan. Với kịch bản cơ bản, nhóm nghiên cứu dự báo GDP năm 2014 sẽ chỉ đạt 5,67%, lạm phát ở mức 7%. Kịch bản lạc quan hơn, GDP 6,03% và lạm phát là 7,2%. Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhẹ và khó tăng trưởng cao.
Điều kiện cho các kịch bản này là nếu như nền kinh tế giải quyết được các khó khăn trên, chính sách đi vào cuộc sống, điểm nghẽn được giải quyết tích cực.
Mọi kết quả điều hành kinh tế bao giờ cũng phải nhìn 2 mặt: được và chưa được, tích cực và mặt hạn chế. Đó là lý do mà trong mỗi đánh giá về kinh tế Việt Nam thời gian qua, luôn luôn canh cánh những chữ “nhưng” ở vế sau. Các dự báo tốt đẹp luôn có vế “nếu với” ở đằng trước.
Điều nói là, những năm gần đây, cụm từ “rủi ro tiềm ẩn, nguy cơ bất ổn” thường xuyên xuất hiện. Bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn là trong sáng, có tối. Trong đó, gam màu tối luôn nhắc nhở mọi đánh giá và dự báo đừng vội lạc quan.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển ngay từ đầu năm 2013 đã chia sẻ trên báo chí rằng: năm 2013 cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng, theo đó tăng trưởng khó đạt 5,5%. Nếu không có giải pháp phù hợp thì tăng trưởng sẽ thấp và kinh tế nước ta sẽ khó thoát đáy vào cuối năm 2013.
Với thực tế hiện nay, khuyến nghị này vẫn đúng cho năm 2014 và giai đoạn tiếp theo.
Phạm Huyền