Ngân sách Quốc gia hụt thu gần 60.000 tỷ đồng; DN bị chết và phá sản nhiều đang là thách thức lớn cho nền kinh tế. Dù được đánh giá đang phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đang thấp hơn cả Lào, Myanmar.

Tăng trưởng chậm lại

Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/10, Chính phủ khẳng định, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014...

Chính phủ cũng nhận định “tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với năm trước, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại…

Thừa nhận những chuyển biến tích cực, nhưng nhiều chuyên gia vẫn giữ cái nhìn khắt khe. TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn: “Chúng ta vẫn tăng trưởng chậm lại trong khi các nước lại tăng trưởng nhanh hơn. Indonesia, Lào, Myamar đều đang tăng trưởng cao hơn”.

{keywords}

Ông nói: ‘Chúng ta còn tụt hậu không chỉ về mức độ tăng trưởng mà còn hết sức chậm cải cách. Diễn đàn kinh tế thế giới ta xếp thứ 70 về năng lực cạnh tranh, nhưng riêng về thể chế chính sách, ta chỉ xếp thứ 79. Chúng ta có thể chế kém hơn rất nhiều so với các nước xung quanh”.

Cùng quan điểm với ông Doanh, suốt thơi gian qua đã có nhiều chuyên gia có cái nhìn lo ngại về về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2013.

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu tổ chức cuối tháng, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận định: “Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đến nay thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”.

Trước đó, tại một về phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói: “Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực”.

Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm lo ngại khi cho biết, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%).

Trong khi đó, chúng vẫn vướng phải câu chuyện hụt thu ngân sách với mức hụt thu rất lớn, mất gần 60.000 tỷ. Các DN phá sản, giải thể tiếp tục tăng lên và đến nay đã là con số hơn 60.000 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua thì đến nay, đã phải ngừng hoạt động.

Cần cam kết cải cách mạch mẽ

Theo GS Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Với việc các chương trình tái cơ cấu được triển khai chậm chạp thì không có gì ngạc nhiên khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đang liên tục suy giảm trong bối cảnh các chính sách kích thích tổng cầu bị hạn chế bởi rủi ro lạm phát”.

Ông cho rằng, chính sách bình ổn tổng cầu vừa qua chỉ như những liều thuốc xoa dịu tạm thời các triệu chứng mà không trị được tận gốc căn bệnh của nền kinh tế. Do vậy, đã đến thời điểm Việt Nam cần tập trung mạnh mẽ hơn vào chính sách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo duy trì lạm phát thấp. Đó là các chính sách giảm các loại thuế phí, dỡ bỏ các rào cản thương mại, dỡ bỏ các chính sách điều tiết ngành và đổi mới DNNN, ưu đãi thuế cho các cá nhân và DN đầu tư khoa học…

{keywords}

TS Lê Đăng Doanh bày tỏ, Chúng ta đã nhìn rõ vấn đề tăng trưởng chậm nhưng để vượt qua khó khăn này cần có nhiều phân tích xác đáng hơn.

Ví dụ, chỉ tiêu được đưa ra khen nhiều là xuất khẩu tăng cao. Vậy, cần phải phân tích đằng sau thành tích xuất khẩu đó là do đâu? Năm ngoái, xuất khẩu tăng 18,6% thì phần của doanh nghiệp FDI đã tăng 17,6%, xuất khẩu của DN trong nước chỉ tăng có 0,6%. Đáng nói hơn là phần nhiều trong số đó là sự xuất siêu của Samsung. Và năm nay cũng như vậy.

“Hay đề nghị nâng bội chi ngân sách là bất đắc dĩ vì đây là “con dao 2 lưỡi”. Nếu nâng trần bội chi lên mà không có biện pháp đi kèm như cải cách thì nâng trần sẽ lại tiếp tục hiện tượng kiểu như…, xây nhà vệ sinh mấy trăm triệu rồi chả đi đến đâu”, ông Doanh nói.

Vị chuyên gia kinh tế này bày tỏ: Tôi hi vọng, kỳ họp Quốc hội cần đi thẳng vào các vướng mắc, khó khăn hiện nay mà chuyên gia nêu nhiều rồi thì mới giải quyết được vấn đề của nền kinh tế. Còn nếu Chính phủ nêu nhận định, sắp tới chưa thể tăng trưởng hồi phục nhanh… Thực tế khó khăn thì rõ rồi nhưng phải tìm cách giải quyết được vấn đề.

Phạm Huyền