Các làng nghề tạo ra nhiều công ăn việc làm 

Hiện toàn tỉnh Hà Giang có gần 40 làng nghề đã được công nhận, gần 2 nghìn hộ dân tham gia sản xuất trong các làng nghề như thêu dệt vải lanh, thổ cẩm truyền thống, nghề làm giấy bản, nghề chạm bạc, làm khèn mông. Tất cả những sản phẩm đều được làm thủ công và có sự tinh tế rất cao.

Những năm gần đây, việc phát triển các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc phát triển kinh tế nói chung và phục vụ phát triển du lịch nói riêng đã đóng góp to lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm và nâng cao thu nhập giúp ổn định đời sống cho lao động tại địa phương.

Việc phát triển làng nghề đã giúp cho đồng bào dân tộc ở Hà Giang gìn giữ và phát triển văn hóa thông qua các sản phẩm thủ công truyền thống. Đồng thời để thế hệ các nghệ nhân cao tuổi truyền nghề lại cho thể hệ trẻ. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đã trở thành mô hình “du lịch làng nghề”. Qua đó giúp du khách vừa được tận mắt chứng kiến và trải nhiệm từng quy trình sản xuất, cũng như lựa chọn mua sản phẩm.

Hiện nay tỉnh Hà Giang đã và đang vận dụng linh hoạt, thông qua các cơ chế, chính sách của Trung ương như Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình khuyến công, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội được lồng ghép nhằm giúp các làng nghề tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách khi đến với Hà Giang.

Hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khóa 17, tỉnh đang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trên tinh thần đó, tỉnh Hà Giang đã không ngừng xây dựng các mô hình Hợp tác xã (HTX) điển hình, tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo số liệu thống kê, tỉnh vùng cao Hà Giang có hơn 480 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp, dược liệu. 

Thời gian qua, các HTX dịch vụ nông nghiệp duy trì ổn định, bảo đảm cung cấp dịch vụ cơ bản cho các thành viên và hộ gia đình ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với việc đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ xã viên. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải ngày càng được mở rộng về quy mô, đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, nhất là vận chuyển hành khách; các HTX chế biến hàng nông sản đã góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân tại địa phương. Các Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có hiệu quả về kinh tế và xã hội, phù hợp với đặc điểm và hoạt động cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Các THT được thành lập mới cơ bản đã tổ chức và đi vào hoạt động theo đúng quy định, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình.

Hoạt động của các HTX tác động khá mạnh vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Nhiều HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đạt sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh. Đơn cử như: mô hình HTX chế biến rượu ngô men lá truyền thống tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ với sản phẩm rượu đạt tiêu chuẩn do HABECO chuyển giao; mô hình HTX chế biến chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì với Thương hiệu Phìn Hò trà đạt giải thưởng Sao vàng đất việt và lọt vào TOP 100 sản phẩm cạnh tranh trong nước, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (Mèo Vạc) có thế mạnh chăn nuôi ong lấy mật với quy mô lên đến 3.000 đàn ong, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.....

Không chỉ có vậy, xu hướng chủ yếu của các HTX kiểu mới là liên kết giữa các HTX cùng ngành nghề, cùng địa bàn và liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác theo hướng xây dựng quan hệ sản xuất kinh doanh ổn định. Hình thức và nội dung liên kết, hợp tác rất đa dạng như: Ứng trước vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, tạo vùng nguyên liệu tập trung cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất; liên kết ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; liên kết đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề; liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho các hộ xã viên, thành viên... 

Liên kết sản xuất nông nghiệp

Nhìn chung, các HTX bước đầu đã được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực hoạt động, trách nhiệm giữa xã viên và HTX; nhiều HTX đã khắc phục được tình trạng trì trệ, yếu kém, nỗ lực vươn lên, phát triển với quy mô lớn hơn, chất lượng hoạt động ổn định và có tính bền vững.

Các THT kiểu mới đã có đóng góp quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất cho nông dân, xây dựng nông thôn mới. Nhiều hợp tác xã đã xây dựng mối liên doanh, liên kết với người dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, chủ động trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết giữa hợp tác xã và người dân đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vào GDP của tỉnh đạt khoảng 1,8%. Các HTX thu hút hơn 12.000 lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Theo đánh giá của lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút ít nhất 65% số hộ cá thể ở địa bàn nông thôn tham gia hoặc sử dụng các dịch vụ của tổ hợp tác, HTX; tỷ trọng đóng góp vào GDP của địa phương đạt từ 5% trở lên. Để đạt mục tiêu, các HTX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa KTTT, HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển KT – XH, giảm nghèo bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.