Quyết sách của vị Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ đối với vấn đề thuế, nợ nần hoặc thương mại sẽ chuyển đổi cả nền kinh tế toàn cầu.

Năm 1992, Bill Clinton thắng cử Tổng thống chủ yếu là nhờ sức mạnh từ câu khẩu hiệu trong thông điệp chiến dịch tranh cử đơn giản: “Đó là vấn đề kinh tế, ngốc thật!”. Hai thập kỷ sau, trong một kỳ bầu cử khác, câu khẩu hiệu sẽ giành phần thắng có thể là: “Vẫn là về kinh tế, ngốc thật!”.

Các thăm dò dư luận cho thấy các vấn đề kinh tế là mối quan tâm trước nhất đối với các cử tri Mỹ. Lịch sử gần đây cho thấy lựa chọn của cử tri trong ngày 6/11 tới đây sẽ không chỉ bộc lộ các dấu hiệu về tình trạng ‘mạnh khỏe’ của nền kinh tế của Mỹ, mà còn cả nền kinh tế toàn cầu.

Trong thời gian chạy nước rút của cuộc bầu cử 2012, nền kinh tế Mỹ vẫn đang hồi phục từ cuộc Đại Suy thoái. Tổng sản phẩm Quốc nội GDP đã tăng nhẹ ở mức 1,7% trong quý hai của năm 2012; tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8,3% trong tháng Bảy.

Theo điều tra của viện Gallup vào tháng Sáu vừa qua, hầu hết người dân đều chỉ trích nền kinh tế. Thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng Bảy cho thấy 33% tỉ lệ cử tri nói rằng lo ngại về việc làm sẽ là yếu tố hàng đầu khi họ quyết định bỏ phiếu, còn 19% người được hỏi thì đề cập đến thâm hụt ngân sách.

Nhưng các cử tri muốn biết tổng thống kế tiếp nên làm gì đối với các lo ngại của họ. Công chúng phản ứng mạnh mẽ đối với các khoản cắt giảm đối với các chương trình do chính phủ gây quỹ - chẳng hạn như An sinh Xã hội, kế hoạch trợ cấp xã hội quốc gia hoặc Chăm sóc Y tế, chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người già. Và 51% người Mỹ nói rằng việc duy trì lợi nhuận còn quan trọng hơn cả việc cắt giảm thâm hụt tài chính. Công chúng ủng hộ việc kết hợp cắt giảm ngân sách và tăng thuế, đặc biệt là lên những người giàu.

Do vậy, Tổng thống Mỹ trong năm 2013 tới đây đối mặt với câu hỏi hóc búa. Cử tri muốn nền kinh tế phục hồi, nhưng lại không thống nhất về việc hy sinh để đạt được một giải pháp. Bầu cử Tổng thống có vẻ như sẽ cho thấy các cử tri đánh giá như thế nào về các cương lĩnh kinh tế của hai ứng cử viên Tổng thống.

Trong yêu cầu ngân sách năm 2013, ông Obama đề xuất tăng mức chi tiêu của chính phủ lên mức 19% vào năm 2017. Ông có thể cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng xuống từ 4,6% GDP xuống còn 2,9% vào năm 2017. Nếu như đắc cử, ông cũng lên kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang xuống, từ mức 8,5% vào năm 2012 còn 3% vào năm 2017.

Ông Obama cũng kêu gọi tiếp tục mức thuế hiện tại đối với 98% người dân Mỹ hiện đang có thu nhập dưới 250.000 USD và đề xuất tăng mức thuế từ 35% lên 39% đối với những ai kiếm được nhiều tiền hơn mức trên.

Về vấn đề thương mại, ông Obama cũng hứa hẹn hoàn tất thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông đã tăng cường việc thực thi thương mại.

Còn đề xuất về thuế và chi tiêu của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mitt Romney lại không cụ thể bằng. Ông hứa hẹn cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang xuống còn 500 tỉ USD mỗi năm vào năm 2016 và duy trì mức chi tiêu đó không quá 20% GDP so với con số 24% hiện nay. Đề xuất cắt giảm thuế của ông có thể khiến cho ngân khố quốc gia giảm khoảng 3,4 nghìn tỉ USD trong thập kỷ tới, ông nói việc này sẽ là do tăng trưởng nhanh và nền tảng thuế rộng hơn.

Đề xuất ngân sách của ông Romney bao gồm việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 4% GDP, tức là tăng chi tiêu quân sự thêm 2,1 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm nữa. Ông hứa cắt giảm viện trợ nước ngoài vốn lên tới 30,7 tỉ USD trong năm 2011. Ông cũng nói rằng sẽ không đứng ra bảo lãnh cho các ngân hàng của Liên minh châu Âu nếu như họ gặp rắc rối.

Về vấn đề thương mại, ông Romney cũng hứa hẹn hoàn tất TPP. Nhưng điều có lẽ là đáng kể nhất chính là tuyên bố của ông đòi kiện Trung Quốc vì thao túng tiền tệ, và điều này có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại, lôi kéo thêm rất nhiều quốc gia trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tác động từ bên ngoài đối với các lựa chọn kinh tế trong nước đang khiến cử tri Mỹ đau đầu hơn bao giờ hết.

Ứng viên Romney tán thành chính sách thắt chặt tài chính trong nước, trong khi chỉ trích thói chi tiêu hoang tàn ở nước khác. Cựu Thống đốc bang Massachusetts thường ‘vùi dập’ các chính phủ ở châu Âu, đặc biệt là việc đã không thể kiềm chế mức chi tiêu công.

Cách tiếp cận của chính quyền Obama đối với chi tiêu công lại xuất phát từ niềm tin rằng hiệu quả về mặt kinh tế của chi tiêu công là một phương tiện để thổi sinh khí cho nền kinh tế. Ngân sách của ông cũng đưa ra một lộ trình giảm dần chi tiêu công.

Ông Romney đã đề xuất cắt giảm mức thuế suất cận biên đánh vào thu nhập cho những người đóng thuế giàu nhất nước Mỹ cùng với cắt giảm tỉ lệ thuế cho doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, ông Obama cũng đề xuất giảm tỉ lệ thuế doanh nghiệp, nhưng chủ trương tăng thuế suất cận biên đánh vào thu nhập của những người giàu lên 39% tương đương với hồi cuối những năm 1990, và cho rằng tỉ lệ này sẽ không ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của Mỹ. Ở tỉ lệ này thì giới nhà giàu của Mỹ chỉ phải trả khoản thuế còn thấp hơn so với ở 15 quốc gia OECD.

Các chính sách chi tiêu và thuế này cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng trong thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ.

Nợ công của chính quyền Mỹ là một mối quan tâm đặc biệt của thế giới, bởi vì phần lớn của khối nợ này sẽ có thể hút cạn nguồn vốn từ các nền kinh tế khác để đổ tiền vào phần mất cân bằng của Mỹ; nó có thể khiến tăng trưởng của Mỹ và cả thế giới đình trệ lại, và dấy lên nguy cơ về một cơn hỗn loạn tài chính khác.

Đề xuất ngân sách của ông Obama năm 2013 cho rằng thâm hụt sẽ giảm 3% tới năm 2017. Còn ứng viên Romney không đưa ra một mục tiêu ngân sách cụ thể nào trong thời gian trước mắt, nhưng nói sẽ cân bằng lại ngân sách tới năm 2020.

Phía ông Obama dự đoán rằng tỉ lệ nợ của Mỹ trên GDP vào khoảng 77,1% vào năm 2017. Còn chiến dịch của ông Romney không đưa ra các thông số cụ thể nào đầy đủ.

Bên cạnh vấn đề ngân sách và chính sách nợ, với tư cách là một nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới và xuất khẩu đứng thứ hai thế giới, chính sách thương mại của Mỹ cũng phản ánh nền kinh tế toàn cầu. Cả ông Romney và Obama đều hứa hẹn tăng cường thương mại, trong khi vẫn cứng rắn với các quốc gia bị cáo buộc là gian lận thương mại.

Tuy nhiên, các dữ liệu thăm dò dư luận lại thể hiện sự thiếu tin tưởng của công chúng Mỹ vào hoạt động thương mại. Điều này cũng có nghĩa là Tổng thống kế tiếp của Mỹ, bất kể là dự định tăng cường thương mại với châu Âu hay châu Á, đều có thể chỉ nhận được sự hờ hững cho các sáng kiến như vậy.

Kết quả của bầu cử Tổng thống Mỹ dường như sẽ phụ thuộc vào vấn đề kinh tế. Bất kể là ai thắng thì người đó sẽ hứa hẹn một nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Nếu thành công, các quốc gia khác sẽ lại đối mặt với một đối thủ sung mãn. Nhưng nếu thất bại, hệ quả sẽ là tăng trưởng kinh tế chậm chạp, gánh nặng nợ nần càng chồng chất thêm, và kinh tế toàn cầu sẽ còn què quặt thêm nhiều năm nữa.

  • Lê Thu (theo Yale Global)