Câu hỏi này chỉ vài năm về trước chắc hẳn sẽ bị coi là hết sức ngô nghê bởi cả thế giới thời điểm đó đều thừa nhận rằng Trung Quốc đang trên đà vươn lên mạnh mẽ và dường như chưa có điểm dừng. Nhưng hiện nay câu hỏi này bắt đầu xuất hiện và có những cơ sở của nó. Những hạn chế nội tại và bất lợi của kinh tế thế giới đang làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Hậu quả từ kích thích kinh tế
Olympic Luân Đôn vừa qua khiến người ta nhớ lại Olympic Bắc Kinh cách đây 4 năm. Đó là thời điểm mà Trung Quốc được cho là đạt được nhiều thành công nhất về mọi mặt. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn đà tăng trưởng. Trung Quốc đã tìm cách kích thích kinh tế với các biện pháp khuyến khích tiêu dùng và nới lỏng tín dụng hòng sớm tìm lại tốc độ tăng trưởng cao.
Kết quả là nước này đã tiếp tục có được thêm một năm đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số vào năm 2010 (10.3%). Đó dường như là một tín hiệu mạnh mẽ được thế giới kỳ vọng về sức bật dậy nhanh chóng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng Trung Quốc đã phải trả một giá đắt cho chương trình kích thích lãng phí và thiếu định hướng kể trên.
Gói kích thích quy mô lớn này (khoảng 1,5 nghìn tỷ USD) đã đầu tư lớn vào các tài sản cố định như cơ sở hạ tầng, công xưởng và bất động sản. Hậu quả là rất nhiều dự án không phát huy được tính độc lập về kinh tế và tạo thêm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng với số lượng các khoản vay không hiệu quả tăng nhanh. Trong khi đó, bong bóng bất động sản không được xì hơi, sự mất cân đối kinh tế vĩ mô giữa đầu tư và tiêu dùng nội địa tăng mạnh.
Sự tổng hợp của các yếu tố về nợ công của địa phương, các khoản nợ xấu trong hệ thống tài chính-ngân hàng, cầu thị trường quốc tế giảm và lợi nhuận giảm dần của các khoản đầu tư dường như đang báo hiệu khó khăn cho câu chuyện thần kỳ về tăng trưởng của Trung Quốc trong suốt 3 thập kỷ qua.
Nhưng những khó khăn trong ngắn hạn không phải là điều đáng ngại nhất. Trong thập kỷ tới, rất nhiều nhân tố thuộc về cơ cấu vốn đã tạo nên tốc độ tăng trưởng GDP hai con số của Trung Quốc sẽ biến mất.
Những nhân tố bất lợi mới
Đầu tiên chính là vấn đề về dân số. Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu An ninh quốc gia của Mỹ RAND công bố cuối quý 1.2012, tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2011 và đang bắt đầu giảm trong năm nay. Đồng thời, tỷ lệ người già trong dân bắt đầu tăng mạnh. Năm 2010, những người trên 65 tuổi chiếm 8.6% dân số Trung Quốc, nhưng con số này vào năm 2025 sẽ tăng lên 14.3%.
Dân số già đi sẽ khiến chi phí lao động tăng, giảm tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư, làm gia tăng chi phí sức khỏe và hưu trí, kéo theo là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giảm.
Một khó khăn khác là sự xuống cấp của môi trường. Vì mục tiêu tăng trưởng, môi trường đã phải trả giá. Ô nhiễm nước và không khí ngày nay là nguyên nhân của 750.000 cái chết và gây tổn thất khoảng 8% GDP tại Trung Quốc. Một bộ phận người dân Trung Quốc đã bắt đầu đấu tranh mạnh mẽ nhằm bảo vệ môi trường sống của họ.
Chỉ riêng trong năm nay, những đợt phản đối quy mô lớn đã xuất hiện tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc nhằm yêu cầu chính quyền hủy bỏ kế hoạch xây dựng các nhà máy có thể gây hại cho sức khỏe và môi trường sống của người dân.
Ngày 28/7 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải đình chỉ dự án đường ống xả chất thải ra biển khi người dân ở Khải Đông, tỉnh Giang Tô, đã xông vào trụ sở chính quyền, đập phá đồ đạc, máy tính… để phản đối dự án xây đường ống nước thải của một nhà máy giấy thuộc Tập đoàn Oji của Nhật Bản, cách thành phố của họ khoảng 100km. Tháng trước, Bắc Kinh cũng đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy kim loại ở tỉnh Tứ Xuyên do bị người dân phản đối gay gắt với những lo ngại về tác động đối với môi trường. Trong thập kỷ tới, sự xuống cấp trầm trọng của môi trường cùng với những tác động của hiện tượng ấm lên của Trái đất sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế của IMF Kenneth Rogoff dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm đáng kể trong thập niên tới do phải điều chỉnh cho phù hợp với mậu dịch toàn cầu tăng trưởng chậm. Theo ông, tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu, chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và bất động sản của Trung Quốc là không bền vững. Vị chuyên gia này cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khủng hoảng nợ công châu Âu đang gây tổn hại tới tăng trưởng của TQ khi các thị trường xuất khẩu chính bị thu hẹp.
Nhưng lực cản nghiêm trọng nhất đối với tăng trưởng của Trung Quốc trong dài hạn chính là hệ thống DNNN vốn không dễ để tiến hành các cuộc cải tổ triệt để. Trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã triển khai những cải cách kinh tế quan trọng theo hướng thị trường và duy trì những tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh đóng vai trò chi phối nền kinh tế. Hệ thống tài chính nước này cũng ra sức hỗ trợ cho các tập đoàn này.
Trong khi đó, thu nhập hộ gia đình chiếm khoảng 45% GDP vẫn chưa hỗ trợ tốt cho tiêu dùng nội địa và tăng trưởng. Ngân hàng thế giới WB cho rằng nếu Trung Quốc không tiến hành những cải cách mạnh mẽ về cơ cấu, trong 20 năm tới, tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ chỉ đạt trung bình 7%/năm.
A Vũ (Tổng hợp)