Những lời đồn đại về các công nghệ mới hầu như lúc nào cũng gây hứng thú, ngoại trừ khi chúng có liên quan đến một nguy cơ sức khỏe tiềm tàng nào đó.

{keywords}

Gần đây, một chuyên gia phần mềm đã cho đăng tải ảnh chụp màn hình chat trên Twitter của một người tuyên bố bị lây nhiễm virus herpes gây mụn rộp sinh dục (herpes simplex virus - HSV) ở mắt từ một bộ kính thực tế ảo (kính VR) dính bẩn. Thông tin này ngay lập tức đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng và khiến một số người hâm mộ kính VR khiếp vía.

Tuy nhiên, thông tin trên vẫn chưa được kiểm chứng. Chủ nhân của đoạn chat trên Twitter cũng không hồi đáp câu hỏi của phóng viên về vụ việc.

Khi xem xét lượng lớn người đang dùng chung kính VR tại các văn phòng, buổi tiệc hay hội nghị, ta sẽ thấy các lo ngại nhiễm bệnh từ kính VR dính bẩn là điều tất yếu. Song, theo các chuyên gia, mọi chuyện không đến nỗi quá kinh khủng như nhiều người lo sợ.

"Nguy cơ mắc HSV từ một bộ kính VR vô cùng nhỏ và trong thực tế là gần như không tồn tại. Việc lây truyền bệnh là từ người sang người và bạn chủ yếu nhiễm HSV từ tiếp xúc gần với các dịch tiết ở miệng", tiến sĩ Rebecca Taylor, một bác sĩ chuyên khoa mắt ở Nashville và cũng là phát ngôn viên của Viện Nhãn khoa Mỹ, nói.

{keywords} 

Theo tiến sĩ Taylor, nhìn chung, một người tự chẩn đoán và tuyên bố đã nhiễm HSV ở mắt từ kính VR nhiều khả năng đã lấy nhiễm virus theo con đường phổ biến lâu nay (từ tiếp xúc gần giữa người với người, qua chất tiết đường miệng) trước khi đeo thiết bị.

Tiến sĩ Benjamin Azan, bác sĩ cấp cứu ở New York, cũng nhất trí với quan điểm trên. Ông giải thích: "HSV có thể sống sót bên ngoài cơ thể từ một giây cho tới vài ngày. Nói như vậy không có nghĩa virus có khả năng gây bệnh cho một vật chủ mới. Việc truyền bệnh qua vật vô tri vô giác nhìn chung được coi là khó có khả năng xảy ra. Hơn thế nữa, có một sự thực là, kính VR không tiếp xúc với những khu vực nhiễm Herpes phổ biến như quanh môi hay cơ quan sinh dục và có thể, nhưng hiếm gặp là mắt. Bạn có thể nhiễm Herpes trên má hoặc trên trán? Chắc chắn là có thể nhưng cực hiếm".

Dù nhất trí về việc khó nhiễm HSV từ kính VR, nhưng họ không phủ nhận hoàn toàn nguy cơ này. Theo tiến sĩ Azan, virus có thể sống sót lâu hơn trong môi trường nóng, ẩm. Do đó, nếu ai đó bị một vết thương hở trên má, ngay ở vị trí vành kính họ đang đeo và sau đó bộ kính lại được chuyển trực tiếp cho một người dùng khác, nó có thể làm lây lan mầm bệnh.

Như vậy, nguy cơ lây lan bệnh tiềm ẩn ở kính VR không sạch sẽ cũng tương tự như đối với việc dùng chung bàn phím hoặc chuột máy tính. Song, do đây là thiết bị đeo trên mặt, nên một số người trong chúng ta cảm thấy cần phải có thêm biện pháp bảo vệ. Đó là lí do tại sao nhiều công ty bắt đầu tung ra vô số sản phẩm vải che mặt dành cho kính VR hoặc thuốc lau rửa khử trùng cho kính.

Tuy nhiên, tiến sĩ Taylor nhấn mạnh, hiện không có cách nào đảm bảo 100% bạn sẽ không nhiễm mầm bệnh từ món đồ công nghệ thời thượng.

Tuấn Anh (Theo Mashable)