Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các thảm thực vật nhiệt đới phát triển, nhất là có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm được hình thành và phát triển.

Trong số hơn 902.000ha đất nông nghiệp, có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và chiếm 33,11% diện tích đất nông nghiệp); đất lâm nghiệp có rừng gần 602.000ha (chiếm 62,2% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và chiếm 66,71% diện tích đất nông nghiệp), độ che phủ rừng trên 63%; đất nuôi trồng thuỷ sản trên 1.241ha và đất nông nghiệp khác gần 365 ha.

Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tích cực triển khai, xúc tiến các hoạt động quan trọng trong việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, các hợp tác xã tập trung xây dựng nhãn hiệu, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. 

W-anhngoclinh.png
Cây sâm Ngọc Linh- đặc sản của Kon Tum

Để đạt được mục tiêu này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đưa các loại giống cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất đã được tỉnh Kon Tum chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Trong đó, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, khuyến khích nhân dân thực hiện chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng những những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả; đất trồng sắn bạc màu, năng suất thấp, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; diện tích cao-su và cà-phê hết chu kỳ kinh doanh… sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây hằng năm, cây ăn quả, mắc-ca…

Bên cạnh đó, tỉnh xác định đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Giữ ổn định diện tích cà phê khoảng 25.000 ha, sản lượng  63.270 tấn, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn; ổn định diện tích cao su khoảng 70.000 ha, sản lượng mủ đạt 105.000 tấn; phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000 ha. Phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 64%. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp...

Hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh để phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP, với nhiều chính sách hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân mở rộng sản xuất, từng bước chuẩn hóa sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản của các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó có nhiều sản phẩm đã khẳng định được uy tín, thương hiệu như sản phẩm Cà phê rang xay Dakmark đạt chứng nhận 5 sao cấp quốc gia, các sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh như cà phê đặc biệt, cà phê sữa thượng hạng, cà phê sầu riêng…

Được biết, Kon Tum đã đăng ký bảo hộ thành công 2 chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho các sản phẩm cà phê Đăk Hà và nhiều nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm như cà phê xứ lạnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh Kon Tum, đẳng sâm Kon Tum; ngũ vị tử Kon Tum, dệt thổ cẩm Kon Tum, gạo thơm Đăk Hà và yến sào Kon Tum…

Nhóm PV