Độc quyền hình ảnh, cấm chụp bằng điện thoại, luôn xóa logo “không liên quan” bị lọt vào ống kính… chỉ là những thống kê chưa đầy đủ về những nguyên tắc khi truyền thông cho các ngôi sao Kpop.


Làn sóng Kpop đang lan tỏa mạnh mẽ khắp thế giới, mạnh mẽ đến mức mà nhiều người chỉ cần thoáng nghe một điệu nhạc, nhìn một hình ảnh hay một phong cách thời trang đã có thể nhận ra nó mang hơi hướng Hàn Quốc. Độc quyền có lẽ chính là nguyên tắc mấu chốt để tạo nên một ngày công nghiệp giải trí Hàn Quốc như hiện nay.

Cũng chính vì thế, bảo vệ tính độc quyền luôn là yếu tố khắt khe với truyền thông trong các sự kiện hoành tráng của thần tượng Hàn Quốc, có nhiều nguyên tắc khiến cánh truyền thông và người hâm mộ phải “nhăn mặt” vì khó hiểu.

Độc quyền hình ảnh

Truyền thông và người nổi tiếng luôn có mối quan hệ mật thiết. Nhất là khi có các sự kiện lớn, sự kiện quan trọng. Chắc có lẽ chỉ với các ngôi sao Kpop mới có quy định “hạn chế phóng viên chụp ảnh, cấm chụp bằng điện thoại hay nói không với chụp ảnh tổng duyệt”.

Mới đây, hôm 11/9, vụ việc các phóng viên Đài Loan đồng loạt bỏ về giữa chừng trong buổi họp báo chuẩn bị cho concert của nhóm nhạc thần tượng JYJ khiến dư luận bất ngờ. Nguyên nhân được cho là phía BTC đã không cho phép phóng viên Đài Loan tác nghiệp khi đang họp báo mà chỉ được chụp vào khi các ngôi sao đã đứng lên tạo dáng để chụp ảnh. Nhưng lạ là những phóng viên Hàn Quốc vẫn được phép ghi hình.

{keywords}

Hình ảnh trong buổi họp báo của nhóm 2NE1 tại Việt Nam cũng được kiểm soát chặt chẻ - Ảnh: Long Thanh

Bức xúc vì sự đối xử thiếu tôn trọng của BTC, nhiều phóng viên đã đồng loạt đứng dậy, rủ nhau bước ra khỏi cuộc họp báo. Sự việc bất ngờ làm các thành viên JYJ chỉ còn biết ngơ ngác chứng kiến. Chương trình đã kết thúc sau đó vài phút.

Quy định về hạn chế tác nghiệp này cũng là đã được áp dụng đối với phóng viên trong concert của JYJ tại Việt Nam hôm 28/8 vừa qua. BTC đã không cho chụp ảnh bằng điện thoại, không chụp flash quá sáng... trong quá trình họp báo. Phóng viên chỉ có khoảng một phút trước và sau họp báo để ghi hình. Trong khi các ngôi sao đều khá kiệm lời, lạnh lùng, thỉnh thoảng mới nở nụ cười. Trong đêm diễn vào tối hôm sau, phóng viên Việt Nam cũng chỉ được tác nghiệp trong khoảng 20 phút đầu.

Trong sự kiện họp báo Super Show 2011 tại Bình Dương của Super Junior, chỉ có 5 cơ quan báo chí Việt Nam hợp tác với BTC mới được phía Hàn cho phép vào gặp riêng nghệ sĩ.

Còn khi 2NE1 đến Việt Nam biểu diễn, trong phần cuối, bốn cô gái đã mặc áo dài và đội nón lá rất duyên dáng. Tuy nhiên gần như không có một hình ảnh nào bị lọt ra ngoài bởi phía BTC đã cấm hoàn toàn việc quay phim, chụp ảnh. Bài phỏng vấn riêng với 2NE1 của một số cơ quan báo chí Việt Nam cũng chỉ được cho phép đăng sau khi công ty quản lý YG đã chọn ra những hình ảnh đẹp nhất của nhóm. Riêng chuyện tổng duyệt show thì phía Hàn Quốc luôn nói không với báo chí.

Lý giải cho chuyện cấm chụp ảnh họp báo, hậu trường hay khi tổng duyệt hẳn là yếu tố độc quyền và kiểm soát thông tin. Khi tổ chức một chương trình tầm cỡ, phía quản lý của các ngôi sao Kpop luôn phải nắm “rõ như lòng bàn tay” những gì được đưa lên mặt báo, những gì sẽ được chia sẻ và những điều này có lợi hại ra sao đối với ngôi sao của họ.

Việc hạn chế chụp ảnh hoặc cấm chụp sẽ giúp họ kiểm soát được chuyện này. Đồng thời nếu có xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào thì phía tổ chức có thể dễ dàng xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều concert có những màn trình diễn mới, độc quyền dành riêng cho khán giả mua vé tham dự nên BTC sẽ hạn chế việc phát tán những nội dung này ra bên ngoài.

Độc quyền phỏng vấn

Ở những buổi họp báo của các ngôi sao Kpop, những câu hỏi thường phải được gửi trước và các phóng viên được chỉ định đặt câu hỏi chứ không phải có thể hỏi bất cứ điều gì. Thường những câu hỏi được chọn lựa cũng rất chung chung chứ không mang tính khai thác thông tin.

Nhiều cuộc họp báo, phiên dịch viên thậm chí còn được giao đặc quyền chỉnh sửa câu hỏi và câu trả lời sao cho phù hợp với tiêu chí của BTC. Đôi khi một số câu hỏi “bột phát, ngoài lề” của phóng viên cũng bị lờ đi. Điển hình như show Giấc mơ hồi năm 2009, thông dịch viên đã dịch sai hoàn toàn nội dung câu hỏi của phóng viên dẫn đến việc các nghệ sĩ trả lời chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi, buộc phóng viên phải giành lấy micro, phản ứng và đề nghị dịch đúng lại câu hỏi.

Trong khi đó các câu trả lời của idol thì lại rất ngắn gọn, chung chung. Điều này sẽ giúp BTC nắm được điều gì sẽ xuất hiện trên mặt báo và cũng là để hạn chế chuyện “lỡ miệng” của ngôi sao.

Độc quyền PR

Không khó để nhận ra tính PR độc quyền trong các video liên quan Kpop. Những thần tượng luôn ý thức rất rõ tầm ảnh hưởng của mình nên mọi thứ xung quanh họ đều phải được kiểm duyệt gắt gao: Từ quần áo, giày dép cho đến những logo vô tình lọt vào ống kính khi họ đang ghi hình...

Nếu thường xuyên theo dõi các video đến từ Hàn Quốc, nhiều người sẽ quen với hình logo trên áo, mũ của thần tượng bị làm mờ đi. Một vài biển hiệu quảng cáo ở phía sau hay lon nước ngọt họ cầm trên tay cũng khéo léo được che chắn.

Nguyên tắc này sẽ giúp phía thần tượng không vướng vào chuyện “PR cho đối thủ”, bởi rất nhiều ngôi sao Kpop được ký hợp đồng gương mặt đại diện, quảng cáo cho các nhãn hàng. Việc vô tính PR cho đối thủ có thể khiến họ gặp nhiều rắc rối.

Chưa kể, những người hâm mộ của họ luôn quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến thần tượng. Khi thần tượng mặc một chiếc áo mới, dường như chỉ 10 phút sau, fan đã có thể tìm ra chính xác nhãn hiệu, giá cả thậm chí là nơi sản xuất. Đây có thể cũng là lý do khiến các sao Kpop luôn phải thận trọng hơn rất nhiều khi xuất hiện ở bất cứ đâu.

Kết

Ở Hàn Quốc, nhiều người phân biệt khá rõ hai thái cực: Ca sĩ và thần tượng. Một thần tượng Kpop khi xuất hiện trước công chúng đều có một hình tượng nhất định, từ ngoại hình đến âm nhạc. Hình tượng này sẽ sẽ là bước đầu để công chúng nhớ đến họ, giữa một “rừng” các idol đang mọc lên như nấm. Việc giữ gìn hình tượng luôn là điểm quan trọng với các idol.

Thế nên, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, văn hóa Kpop đã lan nhanh đến mức chóng mặt trên khắp thế giới, thậm chí còn tạo ra một xu hướng in hằn vào tâm trí nhiều bạn trẻ, len lỏi sâu sắc vào thị hiếu từ thời trang cho đến âm nhạc.

Những công ty giải trí, họ xây dựng những hình tượng nghệ sĩ vững chãi với hình ảnh, phong cách và những giá trị khác biệt khiến người hâm mộ yêu thích. Và để bảo vệ những giá trị này, cả công ty quản lý và thần tượng buộc lòng phải thực hiện những nguyên tắc độc quyền mà nhiều khi có cảm giác rất lạnh lùng.

Những đòi hỏi về sự hoàn hảo đến mức khắt khe trong ngành công nghiệp giải trí Hàn đôi khi cũng làm khó chính các nghệ sĩ của họ, những người vốn có xuất phát điểm từ đam mê âm nhạc và tình yêu với người hâm mộ. Đây cũng có thể xem là mặt trái hay nỗi lòng khó nói của các idol mà không phải ai cũng có thể hiểu.

Theo Phunuonline