“Con nên chép hay viết theo sự tự hiểu của mình?”, chị Phương Nga (Hà Nội) đã bị bất ngờ khi đứa con 8 tuổi của mình đặt ra câu hỏi ấy. Cậu bé phải thi môn Đạo đức và dù mới học lớp 3 nhưng con chị đã hiểu: nếu chép đúng theo sách thì sẽ đạt điểm cao hơn là khi làm bài theo cách hiểu của mình.

Đọc say sưa, chép miệt mài

“Phương pháp truyền thụ một chiều kiểu “đọc-chép” hay “chép-chép” là một phương pháp thụ động thường bóp nghẹt năng lực sáng tạo của người học.” Nhà nghiên cứu Lê Hải Yến, ĐHSP Hà Nội viết trong một báo cáo của mình về việc khuyến khích tư duy sáng tạo cho trẻ em.


Phương pháp học kiểu áp đặt ấy là một sai lầm không mới và rất dễ nhận ra. Đầu năm học mới 2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã gửi một bức thư đầy tâm huyết tới lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước với thông điệp: “chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc-chép”...

Chỉ có điều, sau rất nhiều nỗ lực và kêu gọi của lãnh đạo ngành giáo dục cũng như nhân sỹ trí thức, phương pháp giáo dục áp đặt vẫn phổ biến. Giáo viên vẫn cứ “đọc” và “đọc” say sưa, còn học sinh để đạt kết quả tốt vẫn “chép” và “chép” miệt mài.

Còn với những bậc phụ huynh như chị Phương Nga, câu trả lời cho câu hỏi “nên chép hay viết theo sự tự hiểu” của con mình là: “Đó là sự lựa chọn của con!”

“Cứng nhắc và chăm chú vào kết quả”

Chị Phương Nga đã không áp đặt mà để con mình tự lựa chọn. Nhưng đứa trẻ liệu có lựa chọn nào khác không ngoài “chép” và cha mẹ phải chăng cũng không còn sự lựa chọn nào nữa ngoài chấp nhận thực tế này của giáo dục Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã bức xúc với tình trạng hiện nay. Chị Lê Tuệ Minh, Giám đốc của Trường Quốc tế WellSpring chia sẻ với chúng tôi một bức thư của phụ huynh khiến chị trăn trở. Sau buổi tiệc trà giới thiệu về Trường WellSpring tháng 3 vừa rồi, chị Minh có nhận được bức thư của chị Trần Nhật Mai. Trong đó, chị Mai viết: “Các môn học Việt Nam (có thể do bản chất của môn học đó) thì cứng nhắc và chăm chú vào kết quả nên các thầy cô cũng khó mà sáng tạo giúp học sinh phấn khích được. Không biết Nhà trường có mở khóa đào tạo các giáo viên Việt Nam để kết hợp kiến thức kinh nghiệm đã có và phương pháp giảng dạy đổi mới không?”
 
Những khía cạnh chị Mai trình bày như “sự cứng nhắc” và “chăm chú vào kết quả” của các môn học mới chỉ là hai trong số nhiều khía cạnh áp đặt của giáo dục Việt Nam mấy thập niên qua.

Giáo dục trẻ em vì mục tiêu người lớn
 
“Cứng nhắc, dạy nguyên xi cái đang có là sự áp đặt về mặt kiến thức. Còn nhiều sự áp đặt khác như áp đặt về phương pháp giảng dạy và áp đặt về mục tiêu. Tôi lo ngại nhất tình trạng áp đặt về mục tiêu, nghĩa là tiến hành giáo dục không dựa trên nhu cầu của trẻ em mà vì mục tiêu của người lớn, vì sự tiện lợi của người lớn. .” Chị Lê Tuệ Minh bình luận.

Giáo dục vì mục tiêu người lớn thể hiện rõ nhất ở thực tế: những thứ không cần thiết cho con trẻ vẫn được nhồi nhét thật nhiều vào các chương trình, trong khi đó, những kỹ năng “sát sườn” lại chẳng được quan tâm. Giáo dục kiến thức được ưu tiên quá mức trong khi đào tạo thể chất và xúc cảm bị coi nhẹ.

Nhồi nhét kiến thức vào sách vì thành tích của người lớn đã được cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Kế Hào mô tả hài hước: “khi viết sách anh nào cũng muốn khẳng định kiến thức của mình hay, mình giỏi và ai cũng muốn đưa nhiều kiến thức vào sách.”


Nhồi nhét dẫn tới những câu chuyện bi hài của giáo dục Việt Nam như chuyện “cân cặp” năm 2004. Lãnh đạo ngành giáo dục đã có ý tưởng xây dựng “chuẩn” về trọng lượng cặp sách và thực hiện cuộc cân cặp ở một số trường tiểu học tại Hà Nội. Kết quả là có học sinh lớp 4 tới trường với chiếc cặp nặng gần 5 kg.

Nhồi nhét cũng dẫn tới học thêm học nếm tràn lan để đảm bảo chương trình. Học chính khóa ở trường và học thêm liên tục khiến cho không gian giáo dục trẻ em chỉ diễn ra quanh quẩn trong căn phòng vài chục mét vuông. Thậm chí nhiều trường có sân nhưng không cho học sinh ra vì.... sợ khó quản.
 
“Bố mẹ phải có sự lựa chọn của mình”

Lo ngại cho sức khoẻ và sự phát triển hài hòa của con em mình đã khiến nhiều bậc phụ huynh tìm kiếm những trường Quốc tế hay cho con đi du học sớm. Cơn khát trường tốt là có thật nhưng không phải mọi trường gắn mác Quốc tế đều đã là câu trả lời hoàn hảo. Điều đó khiến cho những bà mẹ chư chị Nhật Mai vẫn đang băn khoăn đi tìm sự lựa chọn cho mình.


Chị Lê Tuệ Minh, giám đốc Trường Quốc tế WellSpring kể lại những trao đổi của mình với chị Nhật Mai: “Tôi đã viết cho chị Mai rằng điều quan trọng nhất khi nhìn vào một ngôi trường thực sự "quốc tế, tiên tiến" là quan điểm giáo dục, mục tiêu giáo dục của những người xây dựng và quản lý trường, đó là mục tiêu vì sự phát triển và lợi ích của chính đứa trẻ. Mục tiêu đó sẽ chi phối toàn bộ chương trình và quá trình giáo dục của trường. Ngôi trường quốc tế thực sự phải là nơi áp dụng được các phương pháp Dạy - Học tích cực tiên tiến để trang bị cho các con năng lực tư duy, sử dụng kiến thức trong thực tế, năng lực hành động và giải quyết các vấn đề chứ không phải chỉ đơn thuần là tăng cường dạy tiếng Anh hay một số môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh."

Vậy giải pháp là đâu? “Chép nguyên xi hay viết như chúng hiểu là sự lựa chọn của các con, nhưng đó cũng là sự lựa chọn của bố mẹ. Họ phải đưa ra sự lựa chọn của mình.” Chị Tuệ Minh kết luận.

  • Duy Khánh - Hiền Nguyễn

Kỳ 2: Giáo dục áp đặt: từ sai lầm người lớn tới nỗi buồn con trẻ