Một lần tận thấy ông Tiếp làm việc, nhiều người đã tởn đến già. Tuy nhiên, với chuyên gia pháp y này thì chuyện vày vò, mổ xẻ tử thi là việc quá đỗi bình thường.

{keywords}
Ông Tiếp xuống tận mồ để mổ tử thi. Ảnh nhân vật cung cấp

Gần 30 năm làm nghề, đại tá già Ngô Huy Tiếp từng giải phẫu chừng hơn 3.000 thi thể, góp phần làm sáng tỏ không biết bao nhiêu vụ trọng án và giải oan cho nhiều người vô tội ở Hải Phòng. 

Vụ trọng án rúng động

Ông Tiếp chậm rãi chia sẻ: "Nhiều vụ án tưởng chừng đi vào ngõ cụt, nhưng ông pháp y giỏi có thể tìm ra được cả mớ chứng cứ từ một cái thi thể đấy.

Ngược lại, pháp y tồi có khi lại làm sai lệch chứng cứ, bỏ lọt tội phạm hoặc bắt nhầm người vô tội không chừng. Bởi vậy nên làm nghề này là phải cẩn thận và chu đáo lắm, chứ không thì đi tù như chơi cậu ạ!".

Ông Tiếp không kể nhiều, nhưng tôi biết chính bản thân ông cũng từng là "siêu vũ khí" giúp lực lượng công an Hải Phòng khám phá ra nhiều vụ trọng án tưởng như đi vào ngõ cụt.

Còn nhớ, vụ trọng án cha giết con phanh thây làm 7 khúc từng ầm ĩ thành phố Cảng một thời (đầu năm 1995) chính ông đã là người chỉ ra manh mối quan trọng nhất để phá vụ án rúng động dư luận này.

{keywords}

Ông Tiếp tự tay đi vớt, kéo thi thể người chết vào bờ để mổ

Một vụ trọng án ghê rợn đã hiện ra ngay trước mắt các chiến sỹ công an, nhưng làm sao để xác định nhân thân cho cái xác này vẫn là một vấn đề nan giải. Thời điểm ấy, việc công an lần lượt phát hiện ra 7 bao dứa chứa những mảnh thi thể người bị chặt nhỏ đã làm rúng động cả Hải Phòng.

Cái xác đã phân hủy nhiều, không thể nhìn ra diện mạo, còn tại địa phương cũng không hề có ai báo mất tích nên việc tìm ra nhân thân của thi thể này gần như lâm vào ngõ cụt.

Nhưng sau khi ông Tiếp "ra tay", nút thắt khó gỡ này đã nhanh chóng được ông giải quyết.

Bắt tử thi lên tiếng

Tỉ mỉ nhặt từng mẩu da tay của xác chết, kiên nhẫn ghép lại, ngâm phoóc môn cho cứng, cuối cùng ông Tiếp đã thu được mẫu vân tay gần như hoàn chỉnh của thi thể bí ẩn kia.

Công việc còn lại của cơ quan công an trở nên đơn giản hơn rất nhiều khi từ dấu vân tay ấy, các trinh sát phát hiện ra nạn nhân chính là Lưu Quốc Cường, một con nghiện lâu năm hiện cư trú tại địa phương.

Điều tra cặn kẽ hơn, cơ quan công an phát hiện ra thủ phạm chính là cha của Cường - ông Lưu Bá Phượng.

Trong cơn giận dữ vì đứa con dám vác dao chém mình để cướp nốt chút tài sản cuối cùng trong nhà mang đi hút chích, ông bố đau khổ đã hạ sát chính con đẻ của mình và chặt ra thành từng khúc để phi tang.

Là đối tượng nghiện ngập bỏ nhà ra đi từ lâu, quả thật cũng không có mấy người quan tâm tới sự sống chết của Cường, bởi mỗi ngày có tới bao nhiêu gã nghiện bỏ mình nơi xó xỉnh khắp đất Cảng thời ấy.

Nếu không có tay nghề "siêu đẳng" của ông bác sĩ pháp y giúp phục chế lại vân tay của tử thi, rất có thể vụ trọng án ấy vẫn đang còn là bí mật không lời giải đáp...

{keywords}

Ông Tiếp dựng lại chân dung nạn nhân từ những chứng cứ thu được qua khám nghiệm tử thi

Nhưng hỏi đến, ông chỉ cười hiền lành: "Lâu quá rồi cậu ạ. Tôi cũng không nhớ hết được đâu. Mà không phải chiến công gì hết, chỉ là nhiệm vụ mà thôi. Tôi chỉ có thể gọi là hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, cậu ạ!"Vụ tìm ra manh mối giúp phá trọng án chặt xác làm 7 khúc chỉ là một trong rất nhiều những chiến công thầm lặng của ông đại tá - bác sĩ Ngô Huy Tiếp.

Thần kinh thép

Nếu tính toán một cách chi ly, có lẽ nghề bác sĩ pháp y có thể được liệt vào một trong những nghề đáng sợ và nguy hiểm vào bậc nhất.

Không chỉ thường xuyên phải đối chọi với nỗi sợ hãi, làm việc trong những khung cảnh ghê rợn, nghề pháp y còn phải đối chọi với vô số những nỗi hiểm nguy thường trực tới từ chính những xác chết kia.

Ông Tiếp kể, có không ít lần ông phải đeo lồng tới 3 chiếc bao tay trước khi bắt tay vào giải phẫu tử thi, bởi đối tượng nghiện vừa chết vì sốc thuốc kia khắp người đã bị lở loét và đầy mụn mủ.

Thời điểm những năm 2000, lượng người nghiện chết tại Hải Phòng tăng đột biến và mỗi khi khám nghiệm những ca tương tự, ông đều phải hết sức cẩn thận từng ly, từng tí vì biết đâu đấy, những thi thể kia đang mang trong mình đầy những mầm bệnh chết người.

Nỗi sợ bệnh tật chỉ là một phần trong vô số những vất vả, gian nguy nghề bác sĩ pháp y.

Tận mắt chứng kiến những tấm ảnh ghi lại những khoảnh khắc "đời thường" của bác sĩ Tiếp, tôi mới hiểu được phần nào những nỗi vất vả không thể nói thành lời phía sau nghề "mổ xác".

Những lần án mạng xảy ra đúng trưa ngày mùng 1 Tết, ông cũng phải tất tả đi làm ngay khi được gọi. Những trưa hè nóng như đổ lửa, ông cũng cặm cụi mổ xẻ tử thi ngay trên đường nhựa.

Những xác chết trôi nổi lềnh phềnh, thối rữa ngoài rìa sông không ai dám đụng vào, cũng lại bác sĩ pháp y tự tay bước ra để kéo về. Những lần khai quật các xác chết đang phân hủy, giòi bọ nhiều như vãi gạo lên trên, phải gạt chúng ra lấy chỗ lách con dao mổ...

Tất cả những thứ trải nghiệm đó không chỉ đòi hỏi một thần kinh bằng thép, mà còn phải cần có một tấm lòng yêu nghề tha thiết, không mảy may tính toán hay vụ lợi.

Trò chuyện với tôi, ông Cường bảo, như nhiều nghề độc hại khác, ông cũng được vài đồng bồi dưỡng. Nhưng, tiền ấy không đủ cho một bữa cơm.

Ngửi xác chết… thành quen

Xem tất cả những tấm ảnh của ông Tiếp, tôi ngạc nhiên thấy rằng hình như chẳng bao giờ, ông bác sĩ già chịu... đeo trên mặt chiếc khẩu trang.

Nghe tôi hỏi, ông Tiếp cười khà khà: "Cũng có nhiều người thắc mắc y như cậu ấy. Lắm người còn chỉ trích tôi cẩu thả, bởi môi trường độc hại như thế mà sao lại chủ quan không chịu đeo khẩu trang?

Nhưng khổ lắm, phải ở trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu được tại sao cậu ạ".

Những cái xác đang phân hủy, xác bị thối rữa, cái mùi của nó kinh khủng lắm. Anh nào ngửi phải cũng lập tức cơ thể cũng phản ứng, trào nước mắt nước mũi ra để tự bảo vệ. Nếu đeo khẩu trang thì cậu bảo phải xử lý những thứ dịch vị ấy thế nào? Thế là tôi buộc lòng phải bỏ chiếc khẩu trang đi, để khi nào miệng tiết ra nhiều nước bọt quá thì mình quay đi... nhổ cho tiện.

Còn tất nhiên bỏ khẩu trang đi thì phải chấp nhận ngửi những thứ mùi khủng khiếp kia, nhưng mà... ngửi mãi nó cũng quen thôi!" 

{keywords}

Từ việc mổ tử thi, ông Tiếp đã cung cấp cho cơ quan điều tra những thông tin quan trọng để phá án

Nhất là khi những điều ông làm suốt cả cuộc đời chẳng thể nào gói gọn trong 2 chữ "quen tay". Suốt buổi nói chuyện, ông Tiếp cứ nhắc đi nhắc lại câu "làm nhiều nó thành quen". Có lẽ, cách ông lý giải về mọi thứ trong cuộc đời mình chỉ đơn giản là như vậy. Nhưng tôi biết, câu chuyện cuộc đời không không chỉ đơn giản như những gì ông kể.

(Theo Trí Thức Trẻ)