- Cưới nhau chưa kịp mang thai thì 2 vợ chồng đã phải sang nước ngoài công tác cả mấy năm trời trong môi trường nhiều hóa chất, rồi sau đó, người chồng không may gặp nạn và mãi mãi nằm lại nơi đất khách quê người…
“Đó là một câu chuyện rất buồn” – TS Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kể lại.
Cặp vợ chồng ấy, vừa cưới nhau, chưa kịp mang thai thì cả 2 vợ chồng nhận được quyết định sang Tiệp Khắc công tác trong khoảng thời gian 3 năm. Trước khi lên đường đi công tác họ đều biết, trong thời gian đó dù rất muốn, cả 2 vợ chồng sẽ không thể mang thai và sinh con ở nơi xứ người. Vì vậy, để có con, họ phải chờ thêm 3 năm nữa.
Tuy nhiên, nếu chờ cho đến khi về nước mới sinh con thì cả 2 lại e ngại về khả năng sinh sản. Bởi ở nước ngoài, người chồng phải làm việc trong môi trường hóa chất nhiều.
Sau nhiều băn khoăn, 2 vợ chồng đã được bạn bè giới thiệu đến gặp các bác sĩ để được tư vấn. Cuối cùng, khi đã thông suốt, cả 2 vợ chồng quyết định đến bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết rồi làm thủ tục gửi “con giống”. Sau đó, họ mới yên tâm sang nước ngoài sinh sống và làm việc.
Các thùng lưu giữ tinh trùng. Ảnh VTC News |
Tuy nhiên, mới chỉ hơn 1 năm sau khi làm thủ tục gửi “con giống”, người vợ và cả gia đình đã trở lại bệnh viện với một câu chuyện hết sức đau lòng. Đó là, người chồng, sau khi sang nước ngoài được một thời gian ngắn thì không may gặp tai nạn và đã qua đời. Sự việc đó đã khiến người vợ và cả gia đình rơi vào trạng thái đau đớn đến tột cùng.
Mãi đến khi bình tâm trở lại, người vợ mới chợt nhớ ra việc chồng mình đã từng gửi “con giống” ở ngân hàng đông lạnh thuộc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Vì thế, vẫn với mong muốn sinh con với người chồng quá cố, người vợ quyết định đi cùng gia đình đến bệnh viện để tiến hành thụ tinh với mẫu tinh dịch của chồng.
“Rất may mắn, quá trình thụ tinh đã diễn ra hoàn toàn tốt đẹp, và sau đó, một đứa trẻ khỏe mạnh đã được ra đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình” – TS Vệ nói.
Chồng ở nước ngoài, vẫn giúp vợ mang thai
Theo TS Vương Văn Vệ, trên đây chỉ là một ví dụ điển hình, bởi sự ra đời của ngân hàng đông lạnh tinh trùng (nơi lưu giữ tinh trùng cho những người hiếm muộn và cả những người vì một lý do đặc biệt nào đó, có thể đem gửi “con giống” để sử dụng về sau) đã đem lại sự “kỳ diệu” và hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng.
“Trong đó, có khá nhiều cặp, chồng đi công tác nước ngoài, có thể là vào vùng phóng xạ, hoặc nơi làm việc tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại, trước khi đi cũng có chung một nỗi lo lắng về sự ảnh hưởng của hóa chất đến khả năng sinh sản. Do đó, họ xin gửi “con giống” vào ngân hàng đông lạnh tinh trùng, để trong trường hợp cần thiết, người vợ ở nhà có thể sử dụng để thụ thai” – TS Lê Vương Văn Vệ nói.
Vì thế mới có chuyện, tưởng như lạ mà không hề lạ đó là, người vợ ở nhà vẫn mang thai được với chồng, trong khi người chồng vẫn đang công tác ở một nơi xa xôi nào đó trên thế giới.
Tuy nhiên, vẫn theo Ts Vệ, việc gửi tinh trùng để lưu giữ trong ngân hàng đông lạnh cũng chỉ nên áp dụng trong những trường hợp hết sức cần thiết, bởi việc gửi “con giống” tuy rất hữu ích, nhưng để sinh sản, tốt nhất vẫn nên là “con giống tươi”.
Minh Minh