Cây vải tổ 200 năm tuổi ở Hải Dương

Cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà (Hải Dương) có tuổi đời hơn 200 năm. Năm 2016, cây được xác lập Kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”.

Đối với người dân Thanh Hà (Hải Dương) cây vải tổ như một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải thiều Thanh Hà ngon trứ danh.

{keywords}
Cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, (Hải Dương) có tuổi đời hơn 200 năm

Người có công trồng cây vải tổ là cụ Hoàng Văn Cơm (SN 1848). Theo ghi chép, cụ Cơm trước đây làm nghề buôn bán hoa trái từ Hải Dương ra Hải Phòng. Năm 1870, trong một lần dự tiệc cưới của người Hoa Kiều tại Hải Phòng, cụ được nếm thử loại vải ngon nên quyết định mang ba hạt về ươm thử.

{keywords}
Cây được người dân trong làng coi như báu vật, cắt cử người chăm sóc

Do hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cả ba hạt đều nảy mầm thành cây, phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, trong số này chỉ có một cây cho quả có hương vị thơm ngon đặc biệt. Thấy vậy, cụ Hoàng Văn Cơm đã chiết cành từ cây vải quý này nhân rộng cho bà con trong xã.

{keywords}
Năm 2016, cây được xác lập Kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”. Trong ảnh là một cành của cây vải tổ 

Đến nay tuy đã có tuổi đời 200 năm nhưng cây chưa có dấu hiệu bị cằn cỗi. Hiện nay, cây được người dân xã Thanh Sơn giữ gìn, chăm sóc và là điểm đến của khách du lịch từ khắp mọi nơi.

Cây thị nghìn tuổi được coi như “báu vật” ở Hà Nội

Nằm ở gần Đình Quán La (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cây thị cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm được người dân nơi đây xem như báu vật. Cây mọc trên một gò đất lớn, có đường kính khoảng 3,5m, và cao trên 20m. Điều kỳ lạ là dù thân cây rỗng nhưng cành lá vẫn mọc xanh tốt, tán cây xòe rộng ra xung quanh.

{keywords}
Cây mọc trên một gò đất lớn, có đường kính khoảng 3,5m, và cao trên 20m.

Theo tương truyền, cây thị cổ có từ thời Lý, chỗ cây mọc trước kia chính là nơi ở của các kỹ nữ Chiêm. Ngày nay, dưới gốc cây người dân trong vùng lập một chiếc miếu nhỏ, vào ngày lễ tết nhiều người lại đến thắp hương, thờ cúng.

{keywords}
Điều kỳ lạ là dù thân cây rỗng nhưng cành lá vẫn mọc xanh tốt, tán cây xòe rộng ra xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Lực, cụ từ ở đình Quán La cho biết, vào mùa cây ra rất nhiều hoa nhưng kỳ lạ ở chỗ, cây chỉ cho ra duy nhất từ 1 – 2 quả, màu váng óng, rất thơm. Năm 1992, cây thị được công nhận là cây Di sản Việt Nam.

“Đến nay không ai biết cây có tuổi đời chính xác là bao nhiêu, có người cho biết nếu so sử sách thì có lẽ cây phải có tuổi đời hàng nghìn năm. Trước đây, vị trí chỗ cây thị mọc có 3 gò đất cao, tuy nhiên đến nay hiện chỉ còn một gò”, ông Lực nói.

{keywords}
Vào mùa cây ra rất nhiều hoa nhưng kỳ lạ ở chỗ, cây chỉ cho ra vẻn vẹn từ 1 – 2 quả, màu vàng óng, rất thơm.

Trong lịch sử hàng trăm năm tồn tại, cây thị cổ thụ gắn liền với những truyền thuyết và câu chuyện kể ly kỳ được truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều người cho biết, vì mọc ở trong vùng đất thuộc quần thể Thất Tinh nên cây thị mới có hình dáng đặc biệt, cành lá xum xuê và to lớn như vậy.

Cây dã hương quý hiếm bậc nhất ở Nam Định

Với tuổi thọ hơn 600 tuổi, cây dã hương ở thôn Dương Phạm, (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định) được nhiều người biết đến với vóc dáng to lớn, uy nghi giữa vùng đồng bằng.

{keywords}
Cây dã hương cổ thụ có tên trong Sách đỏ thế giới ở thôn Dương Phạm.

Là một trong hai cây dã hương nằm trong sách đỏ của thế giới còn tồn tại đến nay (cùng với cây dã hương ở huyện Tân Yên, Bắc Giang), cây dã hương ở thôn Dương Phạm thu hút sự chú ý không chỉ của giới khoa học mà xung quanh cây đại thụ này còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ.

Hiện tại, cây dã hương có đường kính gốc 11 mét, cao khoảng 16 mét, tán lá rộng xum xuê vươn rộng cả một vùng từ 25-30 mét, cành cây to xù xì, nhiều cây sống cộng sinh bám xung quanh.

Đặc biệt có bộ rễ nổi kỳ dị độc đáo, trong đó có 2 rễ lùa ôm vào hậu chẩm ngôi miếu trông như hai cánh tay. Độc đáo hơn nữa là trên một cành của cây có cây sanh sống cộng sinh quấn lấy cũng có tuổi thọ trên dưới 200 năm tuổi với 8 rễ phải cả một người ôm.

Cây sanh nghìn năm tuổi - tuyệt tác thiên nhiên hiếm có ở Nghệ An

Cây sanh cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam vào năm 2015, nằm bên bờ suối ở khu rừng bản Kẻ Mui (Tân Kỳ, Nghệ An). 

{keywords}
Cây sanh cổ thụ này được đánh giá là kiệt tác thiên nhiên đẹp hiếm có

Các chuyên gia cây cảnh đánh giá, cây sanh cổ thụ này có hình thù như "mâm xôi con gà", "phượng múa rồng bay", là một kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp.

Thân cây sanh có chiều cao khoảng hơn 40m với đường kính tán rộng, tỏa ra một vùng rộng khoảng 50m rất cấn đối, chắc chắn. Ngoài ra, xung quanh thân cây này có 4 rễ cây mọc từ trên cao cắm thẳng xuống đất như 4 cái chân vững chãi cắm thẳng vào lòng đất, bám trụ cho thân và tán cây khổng lồ.

{keywords}
Thân cây sanh có chiều cao khoảng hơn 40m với đường kính tán rộng, tỏa ra một vùng rộng khoảng 50m rất cấn đối, chắc chắn

Nhận thấy vẻ đẹp hoàn mỹ của cây sanh này, rất nhiều cánh săn cây cảnh, các đại gia đã sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu nó. Tuy nhiên, người dân bản Kẻ Mui và chính quyền địa phương xã Giai Xuân đã nhất mực giữ lại chăm sóc và bảo tồn.

Độc lạ cây duối nghìn năm có dáng “bàn tay phật” ở Ninh Bình

Cây duối đặc biệt nói trên nằm ở khu du lịch vườn chim Thung Nham (xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình). Theo truyền thuyết, vua Đinh Tiên Hoàng trong lúc đi tuần quanh kinh đô Hoa Lư đã sai quân lính trồng cây này ngay trên một tảng đá tại Thung Nham. Qua thời gian, cây sinh trưởng tốt và tồn tại 1.000 năm qua.

{keywords}
 

Cây có dáng rất độc lạ giống với “bàn tay phật” bởi thân chính và 3 thân phụ khác của cây mọc thẳng đứng nằm cạnh nhau như 4 ngón của bàn tay khi được chắp lại. Còn một nhánh mọc xiên và nghiêng về hướng khác (tượng trưng ngón trỏ lệch ra).

{keywords}
Qua thời gian, cây sinh trưởng tốt và tồn tại 1.000 năm qua.

Theo chị Phạm Lan Hương, nhân viên của vườn chim Thung Nham, từ khi được phát hiện đến nay dáng “bàn tay phật” của cây duối vẫn được giữ nguyên. Những người thợ tỉa cây của đơn vị quản lý chỉ tỉa tán lá cho gọn lại chứ không hề tạo thế cho cây duối này.

{keywords}
Cây có dáng rất độc lạ giống với “bàn tay phật” bởi thân chính và 3 thân phụ khác của cây mọc thẳng đứng nằm cạnh nhau như 4 ngón của bàn tay khi được chắp lại.

Để xác định tuổi đời của cây, các nhà chuyên môn về sinh vật cảnh trong nước đã về đây thẩm định và cho biết cây duối này có niên đại 1.000 năm tuổi. Trải qua 10 thế kỷ, cây duối vẫn xanh tốt và bám rễ chặt vào tảng đá.

Vườn sưa đỏ bạc tỷ trên núi "triệu đô" ở Hà Nội

Núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo (Hà Nội) được mệnh danh là núi “triệu đô” bởi trên ngọn núi này là một quần thể gồm hàng chục cây sưa đỏ quý hiếm có giá bạc tỷ.

{keywords}
Hiện nay tại công viên Bách Thảo có khoảng 40 cây sưa đỏ

Các cây sưa đỏ nằm xen lẫn với các loại cây quý hiếm đến từ nhiều châu lục trên thế giới như: Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương… Trong đó, các loại cây sưa quý đều được đánh số thứ tự, treo biển giới thiệu.

{keywords}
Các loại cây sưa quý đều được đánh số thứ tự, treo biển giới thiệu, bọc dây thép

Hiện nay tại công viên Bách Thảo có khoảng 40 cây sưa đỏ, trong đó cây có đường kính lớn nhất khoảng 75cm, nhỏ nhất khoảng trên 10cm.

{keywords}
Giá sưa đỏ trên thị trường khá cao, thời điểm đắt đỏ nhất có giá rơi vào khoảng 20 tỷ/m3.

Cây sưa đỏ - còn gọi là trắc thối, huỳnh đàn, huê mộc vàng, thuộc nhóm 1A nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đây là loại gỗ cực kỳ quý hiếm, hiện nay cây mọc hoang trên rừng rất ít, hầu như đã bị khai thác hết. Hiện chỉ còn số ít được bảo tồn và lưu giữ trong các công viên, nhà chùa…

Cây sưa đỏ có vỏ ngoài sần sùi, gỗ tỏa ra mùi thơm thoang thoảng đặc biệt có độ bền rất cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát. Chính vì thế, giá sưa đỏ trên thị trường khá cao, thời điểm đắt đỏ nhất có giá rơi vào khoảng 20 tỷ/m3.

(Theo Dân trí)