Từ nhỏ Hồ Thúy Vy - học sinh lớp 9/2 Trường THCS An Bình C, xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) - đã không ăn cơm, mỗi khi ngửi mùi cơm là bỏ đi. Dù không ăn cơm nhưng cơ thể em vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn khỏe mạnh và học rất giỏi.
Không ăn cơm từ nhỏ
Chúng tôi đến nhà Vy trong lúc em đi học chưa về. Ngồi trò chuyện cùng cha mẹ
em, chúng tôi được biết từ lúc tập ăn, Vy đã không ăn được cơm, mỗi lần ăn cơm
em đều muốn ói. Bà Nguyễn Thị Mộng Thúy - mẹ Vy - kể: “Hồi mới tập ăn, em nó
không chịu ăn cháo mà chỉ uống sữa. Mọi người cho rằng tại tôi cho cháu bú quá
no nên không ăn cơm nổi. Tôi thử không cho bú, Vy vẫn không chịu ăn, ép cháu là
bé ngậm chặt miệng không chịu ăn”.
Em Hồ Thuý Vy trên đường đến lớp. |
Do không ăn được cơm từ nhỏ, lớn lên mỗi khi nghe mùi cơm Vy bỏ đi nơi khác. Thấy con không ăn được cơm nên bà Thúy đã cho em ăn mì gói và uống sữa lót dạ. Điều lạ hơn nữa, không chỉ không ăn được cơm, Vy còn không ăn được cả thịt và cá kho hay luộc, em chỉ ăn được thịt cá nướng hoặc chiên. Đang làm những con cá còn dang dở, bà Thúy tiếp lời: “Tôi vừa mua mấy con cá để dành chiên cho con Vy ăn dần. Vợ chồng tôi lo lắm cô ơi, mặc dù đi khám, bác sĩ cho biết sức khỏe cháu tốt, chúng tôi lo là ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Rồi có chồng, có con, mình không ăn cơm lấy sức khỏe đâu nuôi con”.
Theo lời bà Thúy, hằng ngày Vy chỉ ăn mì gói. Rau thì chỉ ăn rau muống, còn trái cây thì không ăn được trái chuối. Dù vậy, cơ thể Vy vẫn phát triển bình thường, không ốm yếu. “Vợ chồng tui cũng khuyên cháu nhiều lắm, mà cháu nói nghe mùi cơm cháu không chịu nổi. Từ nhỏ tới giờ, chưa bao giờ gia đình ngồi trên mâm cơm đầy đủ ” - chị Thúy buồn bã nói.
Tôi đang tò mò, một cô bé từ nhỏ không có hạt cơm nào trong người sẽ trông như thế nào, đúng lúc Vy vừa đi học về. Thấy nhà có khách, Vy vội vào phòng thay đồ rồi ra tiếp chuyện. Vy nói có vẻ ngại: “Hồi còn nhỏ em không biết vì sao mình không ăn cơm, cháo được, đến khi lớn em nghe mùi của nồi cơm là khó chịu lắm, bất cứ món nào làm từ bột gạo em đều ăn không được. Nhưng em ăn mì gói hoài không ngán”.
Vy kể, từ nhỏ đến lớn em vẫn phát triển bình thường, thậm chí còn ăn rất nhiều trái cây và bánh kẹo. Vì vậy, 15 tuổi nhưng thân người em đẫy đà, thậm chí còn cao lớn hơn các bạn khác. “Không chỉ cơm mà tất cả thức ăn làm từ tinh bột như hủ tiếu, bún... em đều không ăn được. Đôi khi em tập ăn cơm thử nhưng em không thể nào lùa cơm vào miệng được vì cái mùi của nó”. Vy cho biết, hằng ngày thức ăn chính của em là mì gói và trái cây.
Không ăn cơm vẫn học giỏi
15 tuổi, Vy được 43kg với chiều cao 1,58m. Chứng bệnh “sợ cơm” của em khiến gia đình hoang mang, địa phương bàn tán. “Gia đình tôi có 2 đứa con, nó là gái út, dù tốn kém mấy tui cũng phải chữa trị cho con. Nhưng ngặt nỗi chưa có bác sĩ nào tìm ra căn bệnh kỳ lạ này” - ông Thi tâm sự.
Ông Hồ Văn Xem - ông nội Vy - tự hào: “Dù vậy mà con Vy học rất giỏi, hát rất hay và luôn giành giải nhất 5 năm liền (cấp tiểu học) trong cuộc thi kể chuyện đạo đức Hồ Chí Minh do huyện Long Hồ tổ chức. Năm lớp 3, Vy từng tham gia hát trên Đài Truyền hình Vĩnh Long”.
Dù ăn uống không đủ chất nhưng 9 năm liền Vy luôn là học sinh giỏi của trường. Vy học giỏi đều các môn, nhưng nổi trội nhất là môn văn, âm nhạc, mỹ thuật. Em vừa tham gia cuộc thi vẽ về tài nguyên môi trường do ngành giáo dục tổ chức, chưa có kết quả.
Cô Võ Thị Tòng - Hiệu trưởng Trường THCS An Bình C - nói: “Lúc đầu tôi nghe mấy em học cùng lớp Vy nói từ nhỏ đến nay em không ăn hạt cơm nào, tôi ngạc nhiên và không tin vào sự thật vì trông Vy rất khỏe mạnh và học giỏi. Tôi gọi em lên hỏi thử, em chỉ cười và trả lời “dạ”. Tôi không ngờ một cơ thể khỏe mạnh và học giỏi như em lại không ăn cơm mà vẫn hoạt động như các bạn bình thường khác”.
Cô Tòng cho biết thêm, hiện Vy đã vượt qua vòng thi học sinh giỏi môn văn cấp huyện, em đang chuẩn bị cho vòng thi cấp tỉnh. Khi được hỏi về ước mơ, Vy cho biết sau này em muốn trở thành một bác sĩ. “Em còn ước mơ sau này trở thành người của công chúng nữa, em rất thích được hát và diễn kịch, dù biết rằng ước mơ này rất khó thực hiện” - Vy thổ lộ.
(Theo Lao động)