Năm nay, dù dịch bệnh COVID-19 tác động ghê gớm, nhiều nông dân điêu đứng, nhưng gia đình ông Thuyết vẫn khấm khá, đàn gà quý đã “cháy hàng” từ sớm.

Gà đặc sản “cháy hàng”

Trang trại ông Đặng Văn Thuyết ở thôn Đồng Luân (xã Thượng Vực) nằm sát trục đường vào UBND xã Thượng Vực. Từ trên đường nhìn xuống, hàng nghìn con gà, con nào con nấy to khỏe, bóng mượt. Thấy chúng tôi dừng xe hỏi, ông Thuyết phấn khởi, dù dịch COVID-19 hoành hành, nhiều trang trại thấp thỏm lo bị ép giá nhưng đàn gà hơn 2.000 con của gia đình đã có người đặt hàng, chỉ nay mai thương lái đến lấy.

Kỹ nghệ chăn gà 'tiến vua' ảnh 1

Ông chủ trại gà “tiến vua” Đặng Văn Thuyết

“Hai vợ chồng túc tắc mỗi năm nuôi hai vụ gà, thu nhập ổn định mà không vất vả như trước. Cứ đến Tết, dưới nuôi gà, trên thu hoạch bưởi, lãi hai, ba trăm triệu mỗi năm”, ông Thuyết khoe.

Đang buổi trưa ngày cuối đông, trời nắng nhạt, ông xách thùng thức ăn đổ xuống máng, đàn gà (toàn gà trống) ùa ra phủ kín những gốc bưởi đang trĩu trịt quả vàng rộm. Với tay tóm được chú gà vuốt ve, vạch lông, xem ức…, ông Thuyết cho hay, thời tiết miền Bắc mùa này rét mướt, mưa ẩm nên tranh thủ cho chúng ra phơi nắng, tắm cát, kích thích vận động. Hơn nữa, gà được chăn thả tự nhiên, lông bóng mượt, đẹp mã nên thương lái cũng rất thích.

Kỹ nghệ chăn gà 'tiến vua' ảnh 2

Hơn 2.000 con gà đẹp mã

Năm năm trước, từ niềm đam mê chăn nuôi gà, nhận thấy việc nuôi gà trống làm đồ cúng lễ, quà biếu Tết được nhiều người ưa chuộng, ông Thuyết đã tìm tòi, học hỏi và quyết định chọn nuôi giống gà Mía gốc Sơn Tây (Hà Nội). Người dân thường gọi giống gà này là gà “tiến vua”, là của ngon vật lạ, vốn chỉ dành cho bậc đế vương.

“Gà Mía và gà Lạc Thủy (Hòa Bình) tương đối giống nhau về chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, gà Mía lúc nào lông cũng mượt óng ả, chân vàng nổi bật với 2 hàng chỉ đỏ 2 bên, rất bắt mắt. Tuy thân hình không lớn nhưng gà Mía được bán với giá cao hơn hẳn các giống gà khác nhờ hình thức đẹp và thịt có vị thơm, ngon, dai. Da gà ăn rất giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Thuyết nói.

Ông Thuyết chia sẻ, nuôi gà Mía biếu Tết quan trọng nhất là thời điểm mua con giống. Để đảm bảo đúng dịp Tết gà lên mâm cỗ vừa đủ cân lạng, vừa săn chắc, đẹp mã, lại dai, ngon, giữa tháng 7 âm lịch, người nuôi phải mua được con giống. Việc chọn con giống cũng phải hết sức tỉ mỉ để độ “phi” (tỷ lệ chết) ở mức thấp nhất. Người nuôi phải tinh mắt chọn những con gà không hở rốn, mắt tinh ranh. Sau khoảng 5 tháng, đúng dịp Tết, gà sẽ đạt trọng lượng từ 2,2 - 2,4 kg/con. Gà vừa đủ đĩa, mình đầy, lườn dầy, lên mâm cỗ rất bắt mắt.

Công phu chăm bẵm

Theo ông Thuyết, cái khó nữa là phải có chế độ nuôi dưỡng sao cho gà giữ được thể trạng và mào gà phải đúng chuẩn. Từ khi bắt đầu nuôi đến nay, ông thường xuyên tham gia nhiều hội thảo tư vấn chăm sóc để có thêm kinh nghiệm và nắm bắt được kỹ thuật nuôi, áp dụng thực tế.

Chỉ tay về dãy chuồng cuối khu vườn trồng bưởi, ông Thuyết cho biết, trước tiên, để nuôi gà Mía thành công, chuồng trại phải rộng rãi, thoáng mát về mùa hè. Năm năm trước, hai vợ chồng ông quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại lớn trên khu đất hơn 2.000 m2 này. Chuồng gà được lát nền bê tông, xây kín xung quanh tránh gió lùa vào mùa đông, có cửa thông gió vào mùa hè. Mùa đông chuồng phải lắp đèn để sưởi ấm. Mùa này, nền chuồng phải sử dụng đệm lót giữ ấm chân gà bằng cách rải trấu, vừa đảm bảo môi trường vừa giúp đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt, người nuôi phải thiết kế sân chơi đảm bảo (khoảng 0,5m2/con), không đọng nước, để gà vận động và tự đào bới, tìm thức ăn.

Theo ông Thuyết, gà Mía khá mẫn cảm với tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong ăn, uống, nên người nuôi cần chọn loại thức ăn chất lượng cao, đảm bảo an toàn giúp gà dễ tiêu hóa, hấp thụ. Hơn nữa, ngoài việc phối trộn làm sao để bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, từ cám đến nước uống phải sạch.

“Do tác động của dịch COVID-19, tình hình mua bán dịp cận Tết diễn ra chậm hơn, giá cả bấp bênh, nhiều trang trại nuôi gà vẫn lo không bán được hàng, thương lái ép giá. Nhưng hơn 2.000 con gà “tiến vua” của gia đình tôi đã có thương lái đặt hết”, ông Đặng Văn Thuyết (Chương Mỹ, Hà Nội)

“Nuôi gà không được để gà đói. Vì thế, khi gà còn bé, mỗi ngày tôi cho ăn 4 bữa (1 bữa vào ban đêm), sau 2 tháng thì thay đổi cách cho ăn, mỗi ngày cho gà ăn 3 bữa. Mỗi bữa ăn đều thực hiện theo nguyên tắc “sạch”. Tức là 2.000 con gà sẽ ăn hết 75 kg cám mỗi bữa. Tôi chỉ đổ chừng đó, cho gà ăn trong 1 giờ đồng hồ và dọn sạch máng. Nếu để thức ăn lưu trữ từ bữa này sang bữa khác sẽ bị mốc, đó là ổ bệnh”, ông Thuyết nói.

Ông Thuyết chia sẻ, do nuôi toàn bộ là gà trống nên cách nuôi cũng phải đặc biệt. Sau 2 tháng, ngoài thay đổi cách cho ăn thì cách cho ngủ cũng phải thay đổi. Gà trống nuôi nhốt cùng nhau sẽ dữ tợn hơn, thường xuyên chọi nhau. Vì thế, ban đêm, toàn bộ chuồng trại được tắt điện, gà không nhìn thấy nhau.

“Một việc hết sức quan trọng, để có con gà có mã, ngon, khỏe thì việc phòng bệnh phải được tuyệt đối chú trọng. Người nuôi phải biết “ăn ngủ” cùng gà để bắt bệnh, “đánh thuốc”, tiêm vắc xin và “giải phẫu”. Mỗi đàn gà đều phải lên lịch trình tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ ở từng giai đoạn bé, lớn và bổ sung vitamin…”, ông Thuyết nói.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND xã Thượng Vực, cho biết, ngoài gia đình ông Thuyết, trong xã có khoảng 20 hộ chăn nuôi gà thả vườn với số lượng hơn 1.000 như trang trại ông Cao Quang Sang, Nguyễn Văn Thuyết, Cao Văn Đầm, Nguyễn Văn Thảo. Tuy mô hình chăn nuôi không lớn nhưng đều cho thu nhập ổn định, đời sống người dân ngày một nâng cao.

(Theo Tiền Phong)

Nuôi gà trong chuồng lạnh, lão nông ở Bình Dương thu 90 tỷ đồng mỗi năm

Nuôi gà trong chuồng lạnh, lão nông ở Bình Dương thu 90 tỷ đồng mỗi năm

Thành công trong mô hình nuôi gà lạnh đạt doanh thu 90 tỉ/năm, lão nông ở Bình Dương trở thành 1 trong 63 nông dân xuất sắc nhất Việt Nam năm 2021.