- Cố nuốt “cục nghẹn” dâng lên đến cổ, Mai chào "ngài" phó GĐ nhân sự một doanh nghiệp rồi rảo bước ra về. Lại một lần phỏng vấn xin việc nữa làm cô thất vọng.


Đối phó với “khủng hoảng”

Một hội chợ việc làm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cuộc phỏng vấn chưa đầy 15 phút. "Ngài" PGĐ thậm chí không nhìn vào mặt Mai, chỉ hỏi bâng quơ về quê quán, kinh nghiệm rồi chê bai nọ kia khiến cô đã có “dự cảm” về một ví trị tuyển dụng ỡm ờ. Rồi nhận câu trả lời "vị trí này đòi hỏi ngoại hình, chiều cao… nên em không phù hợp. Trần Thị Mai (SV một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội) ức nghẹn cổ vì những tiêu chí không có sẵn trong yêu cầu tuyển dụng. Vậy là mất thời gian, hi vọng hão.

“Nhưng lúc đó, mình chỉ tức, chứ không thất vọng. Nghĩ, lại thêm một kinh nghiệm đi phỏng vấn, lại có chuyện “mua vui” cho mấy đứa bạn cùng phòng” – Mai thất vọng.

Nghĩ đến cảnh thất nghiệp Mai thở dài: "Cuộc sống lúc nào cũng túng thiếu, ví lúc nào cũng mỏng. Nhiều lúc phải nói dối bố mẹ là xin được việc rồi, vì sợ “các cụ ở quê lo lắng, nhà có mỗi một đứa con được đi học ĐH, giờ ra trường lại thất nghiệp!”. Đó là chưa kể, bạn bè nhiều đứa đã đi làm, phơi phới diện đồ công sở, khoe đầy lên facebook khiến mình vừa tủi, vừa… thèm.

“Nhưng cứ gục mặt vào những cái lo, cái khổ ấy thì không còn đâu động lực, tinh thần để tìm việc và kiếm tiền nữa” – Mai nói.

Trong khi tích cực rải hồ sơ đi xin việc, Mai vẫn đi gia sư, làm cộng tác viên kinh doanh cho một công ty điện dân dụng nho nhỏ và còn là thành viên một CLB Yoga ở Hà Nội.

“Đi gia sư, làm CTV kinh doanh để vừa kiếm tiền, vừa học hỏi kinh nghiệm, làm đẹp hồ sơ. Còn tham gia CLB yoga là để tự chăm sóc sức khỏe bản thân, kết nối với mọi người. Thất nghiệp nhưng không được nản, không được nhàn rỗi” – Mai giải thích.

Nỗ lực chờ cơ hội

Từ thời cấp 3, chị Phan Minh Thu (Đống Đa, Hà Nội) đã biết đến và mê mệt nghề viết kịch bản quảng cáo. Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành báo chí, dù đã có kinh nghiệm làm báo nhưng Thu quyết định tập trung vào mục tiêu của mình.

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như cô nghĩ: “Mấy tháng trời sau ra trường vẫn chưa tìm được việc, bắt đầu hoang mang, lo sợ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Sau đó tôi suy nghĩ, và xác định rõ rệt những việc cần phải làm. Trong khi chưa có nơi nào gọi phỏng vấn, tôi bạo tay lấy số tiền tích cóp từ thời sinh viên để đi du lịch, làm một chuyến “xuyên miền Trung” coi như tự thưởng cho mình sau khi tốt nghiệp. Vừa đi chơi, vừa tìm ý tưởng và lấy tư liệu viết báo “sống tạm”.

Nhờ chuyến đi, Thu bình tâm hơn. Lúc trở về Hà Nội, cô trấn an lại tinh thần, tiếp tục tìm thông tin tuyển dụng để ứng tuyển.

Cuối cùng, cũng có công ty quảng cáo gọi cô đi phỏng vấn. Đúng là công việc mơ ước dù mức lương khởi điểm rất thấp.

Mục đích, Thu muốn tìm hiểu thực tế về công việc mình yêu thích. Tiền lương chỉ đủ trang trải tiền nhà, Thu phải tiết kiệm hết sức. Cô vẫn chăm chỉ “cày” thêm viết báo để có tiền chi tiêu. Đồng thời, đọc sách, trau dỗi kỹ năng nghề nghiệp. Những kịch bản quảng cáo ban đầu ngô nghê, dần dần cũng tiến bộ hơn.

“Lần đầu tiên được biết có hợp đồng được sử dụng, mình bất ngờ, sung sướng. Phần trăm hoa hồng lúc đó vài triệu đồng, mình mới dám tin, có thể sống được bằng nghề” – Thu tâm sự.

Bây giờ, mức lương cứng đã tăng, có thể vẫn bị đánh giá là “khiêm tốn” nhưng tiền hoa hồng từ những kịch bản do cô viết cũng đủ để Thu sống khá ổn ở Hà Nội. Cô đang theo học một khóa ngắn hạn về truyền thông, quảng cáo; học tiếng Anh thật tốt để có điều kiện tìm kiếm, tham khảo những nguồn tài liệu phong phú trên mạng liên quan đến công việc của mình.

Nuôi một giấc mơ dài với nghề viết kịch bản quảng cáo, song Thu thú nhận, rất nhiều phần cảm hứng và động lực làm việc đến với cô nhờ trải nghiệm của thời gian thất nghiệp:“Chỉ có một mục đích duy nhất, quyết tâm duy nhất. Và tự nhủ, bình tĩnh, vẫn còn có cơ hội cho mình”

Tiến sỹ Alan Phan: Muốn thành công, cần một kế hoạch cuộc đời

“Nhiều người chỉ như lục bình theo nước chảy trôi, không có kế hoạch cuộc đời, không có mục đích sống nên họ dễ chán nản, buông xuôi, thất vọng khi gặp những khó khăn.

Rất nhiều sinh viên bi quan khi nghĩ đến tương lai. Đồng ý rằng nền kinh tế đang gặp khó khăn là một nguyên nhân, nhưng nhiều người thực chất bi quan bởi họ không có đam mê, không có mục đích sống rõ rêt.

Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong một thời kỳ chuyển đổi rất lớn và sẽ còn nhiều khó khăn trong vài năm tới đây. Vì vậy, muốn tìm hướng đi cho mình thì mộ trong việc phải làm là cần tìm tòi xem bạn đam mê điều gì? Xin nhớ một điều, hãy làm những gì bạn đam mê, bởi đam mê sẽ kéo bạn đi rất xa, giúp bạn vượt qua nhiều nghịch cảnh”

  • Quỳnh Anh