Đam mê thuở nhỏ

Năm 1949, cậu bé 6 tuổi Fischer và em gái Joan bắt đầu học cách chơi cờ theo hướng dẫn từ bộ cờ mua ở cửa hàng gần nhà. Khi Joan không còn hứng thú, Fischer đã "đóng 2 vai", tự chơi với chính bản thân mình. Sau đó, cậu tìm thấy một cuốn sách cũ bàn về cách đánh cờ và nghiên cứu rất chăm chỉ.

Fischer nhanh chóng đắm chìm trong những quân cờ đến nỗi cha mẹ sợ rằng "cậu bé dành quá nhiều thời gian một mình". Mẹ đã gửi một tấm bưu thiếp đến tờ báo Brooklyn Eagle, tìm cách đặt một quảng cáo hỏi xem những đứa trẻ khác có muốn chơi cờ với Fischer không. 

Vào năm 8 tuổi, Fischer đã mạnh dạn thử sức với cựu kiện tướng cờ vua Scotland Master Max Pavey, nhưng chỉ cầm cự được 15 phút. Tuy cậu thất bại nhưng con đường đến với cờ vua chuyên nghiệp của Fischer khởi phát từ đây.

Một trong những khán giả hôm đó là Chủ tịch Câu lạc bộ Cờ vua Brooklyn Carmine Nigro, một bậc thầy cờ vua người Mỹ đồng thời là một huấn luyện viên. Ông rất ấn tượng với lối chơi của Fischer nên đã giới thiệu Fischer tới câu lạc bộ và bắt đầu dạy cậu.

Năm 1956, Fischer vô địch Giải cờ vua trẻ Mỹ, đạt điểm 8.5/10 và trở thành nhà vô địch trẻ nhất từ trước đến nay. Kể từ đó, Fischer đi chinh chiến ở nhiều giải cờ vua quốc tế và đạt được những danh hiệu lớn nhờ tài năng thiên phú và sự chăm chỉ luyện tập.

Đặc biệt, năm 1964, ở tuổi 21, Fischer một mình đấu với cùng lúc 50 đối thủ, thắng 47 trận, hòa 2 và thua 1. Năng lực và danh tiếng của cậu càng được củng cố.

"Trận đấu của thế kỷ"

Năm 1971, sau khi vượt qua Tigran Petrosian, người 2 lần vô địch thế giới, Fischer lọt vào chung kết để đấu với đương kim vô địch người Liên Xô Boris Spassky.

Người ta gọi giải vô địch cờ vua thế giới năm 1972 là "Trận đấu của thế kỷ" bởi đây là cuộc đối đầu giữa đại diện đến từ Mỹ và Liên Xô- hai phe đối đầu căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, Liên Xô đã thống trị làng cờ vua thế giới kể từ năm 1945.

Ý thức được vai trò của mình trong trận cờ sinh tử được cả thế giới chú ý, Fischer đã dùng tất cả mọi "vũ khí" và chiến thuật để đương đầu với “đàn anh” kỳ cựu Spassky.

Trận cờ kéo dài hơn 1 tháng, bắt đầu từ ván thứ nhất (11/7/1972) đến ván thứ 21 (31/8/1972). Bị hoãn sau 40 nước đi, Spassky nhận thua vào ngày hôm sau. Fischer thắng trận với điểm số 12,5 - 8,5 và trở thành nhà vô địch thế giới thứ 11 của giải.

Bi kịch cuộc đời

Giai đoạn về sau, sức khỏe tinh thần của Fischer sa sút. Ông trở nên lập dị, hoang tưởng và có những phát ngôn công kích.

Ông tham gia vào các cuộc tranh cãi chính trị, bao gồm cả những nhận xét bài Do Thái (dù cha mẹ gốc Do Thái).

Năm 1992, ông bị bắt và bỏ tù vài năm vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp quốc khi chơi một trận cờ vua ở Nam Tư.

Ông từ bỏ quốc tịch Mỹ và bị chính quyền Nhật Bản bắt giữ vào năm 2004 vì đi du lịch với hộ chiếu Mỹ vô hiệu lực. Sau đó, ông được tị nạn và sống ở Iceland đến cuối đời.

Bất chấp tài năng đặc biệt của mình, Fischer phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe tâm thần, khó khăn tài chính và danh tiếng giảm sút. Những điều này cuối cùng đã góp phần dẫn đến kết cục bi thảm của ông.

Năm 2008, Fischer qua đời tại bệnh viện Reykjavik ở tuổi 64.

Bảo Huy