- Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói ông thường hình dung Hàn Quốc
như hình ảnh của VN 40 năm tới. Còn cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc tin rằng
giấc mơ đó không xa vời với VN nếu bắt tay vào cải cách ngay từ bây giờ, trong
đó có cải cách giáo dục đại học.
Trong một cuộc nói chuyện bên lề, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski nói rằng ông hình dung về Hàn Quốc như là hình ảnh của VN 40 năm sau. Bởi 40 năm trước, Hàn Quốc cũng ở cùng vạch xuất phát với VN: một quốc gia nghèo đói, bị tàn phá bởi chiến tranh.
Nay Hàn Quốc đã đứng vào hàng ngũ các nước phát triển. Vị quan chức Mỹ đặt câu hỏi rằng VN cùng chia sẻ phông văn hóa Khổng giáo, tinh thần năng động và ham học hỏi, lẽ nào không thể trỗi dậy trong tương lai như Hàn Quốc đã làm được?
Băn khoăn của nhà ngoại giao Mỹ gợi nhớ đến một chia sẻ khác của Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng cách đây chưa lâu, rằng ông thấy xót xa khi cách đây 40 năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương mà nay, hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, còn người VN ở Hàn Quốc thì làm ô sin.
Giáo dục cải biến số phận
Sự vươn dậy ngoạn mục của Hàn Quốc đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Giới phân tích chính sách tìm cách giải mã kỳ tích này với hi vọng tìm ra một công thức chung có thể áp dụng cho các nước đang loay hoay tìm đường cất cánh, trong đó có VN.
Có nhiều nhân tố phía sau quá trình cải biến kinh tế - xã hội vĩ đại của Hàn Quốc, nhưng có một yếu tố mà nhiều chuyên gia, như Giáo sư Ju-ho Lee, nguyên Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc tin rằng VN có thể học hỏi được ngay từ bây giờ, đó là phát triển hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học. Bởi theo GS Lee, kỳ tích của Hàn Quốc có một phần đóng góp rất quan trọng từ thành công của nước này trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục có khả năng trang bị cho người dân những kỹ năng và kiến thức cần thiết để cạnh tranh và đổi mới.
Quan điểm này nhận được sự chia sẻ rộng rãi của nhiều nhà kinh tế nổi tiếng. Trong cuốn “Development as Freedom”, kinh tế gia đoạt giải Nobel Amartya Sen cũng chỉ ra rằng, bí kíp thành công của một số nước Đông Á, nhất là Hàn Quốc bắt nguồn từ việc Hàn Quốc đã phổ cập giáo dục căn bản trong một thời gian rất ngắn so với các nước trong khu vực, từ đó dẫn tới sự khai phóng nguồn nhân lực chất lượng đóng góp cho tiến trình phát triển kinh tế.
Ngược lại, tăng trưởng kinh tế cũng giúp Nhà nước có thêm tiền đầu tư cho giáo dục, khoa học và công nghệ. Các chuyên gia gọi đó là “vòng tròn phát triển” (virtuous circle). Hệ quả là trong khi các nước đang phát triển khác bị cuốn vào vòng xoáy đói nghèo (vicious cycle) thì vòng tròn phát triển lại đưa Hàn Quốc thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và vươn lên trở thành một cường quốc công nghệ chỉ trong vòng 40 năm.
Tốc độ phát triển giáo dục ở Hàn Quốc cũng vào hàng nhanh nhất thế giới. Năm 1945, sau khi giành được độc lập, Hàn Quốc chỉ có 7.819 sinh viên. Nhưng đến năm 1998, tỉ lệ ghi danh đại học đã là 98%, cao nhất trong các nước thuộc khối OECD. Các đại học của Hàn Quốc bắt đầu có uy tín trên trường quốc tế. Đại học Quốc gia Seoul được xem là một trong những đại học hàng đầu của châu Á (đứng hạng 13) và trên thế giới (hạng 124, theo bảng xếp hạng của THES).
Phát triển đại học dẫn đến phát triển khoa học và công nghệ. Hàn Quốc đã có bước nhảy vọt về số lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế. Năm 1990, tổng số bài báo khoa học từ Hàn Quốc trên các tập san khoa học quốc tế chỉ 1.382 bài (xấp xỉ con số của VN hiện nay). Vậy mà đến năm 2008, con số này đã là 26.690 bài, tức tăng 20 lần trong vòng chưa đầy 20 năm. Viện nghiên cứu tiên tiến của Hàn Quốc (KAIST) là một trung tâm nghiên cứu tên tuổi trên thế giới.
Điều gì đã giúp Hàn Quốc tạo lập được vòng tròn phát triển đáng ngưỡng mộ như
vậy?
Trước hết, đó là khát vọng cháy bỏng của người dân Hàn Quốc đối với giáo dục bậc
cao.
Người Hàn Quốc tin vào triết lý: “Giáo dục thay đổi số phận” – rằng giáo dục cải biến số phận của cá nhân, của gia đình, số phận của doanh nghiệp và thay đổi vận mệnh dân tộc. Từ 1.200 năm trước, nước này đã có văn hóa trọng thị giáo dục như tuyển chọn quan lại thông qua thi tuyển cạnh tranh công khai. Nhu cầu học hành và tích lũy tri thức bị kìm hãm dưới thời đô hộ của phát xít Nhật được giải phóng và bùng nổ sau khi nước này độc lập năm 1945. Sau năm 1945, rất nhiều trường đại học được thành lập và người dân dù phải bán cả đất đai và gia súc cũng phải lo cho con em mình được đến trường.
Hàn Quốc chính là ví dụ điển hình minh chứng cho triết lý số phận thay đổi nhờ giáo dục. “Một đất nước từng nghèo hơn cả Kenya – quê hương của ông tôi, là Hàn Quốc thời nay đang gia nhập các nước phát triển. Lý do chính là nhờ nhiệt huyết giáo dục cháy bỏng của đất nước này”, Tổng thống Mỹ Barrack Obama từng bày tỏ.
Vai trò dẫn dắt của nhà nước – không ngừng cải cách
Nhưng vòng tròn phát triển giáo dục - kinh tế - giáo dục này sẽ không thể nào có được nếu thiếu vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và tầm nhìn sáng suốt của chính phủ nước này. Bất kể là chính phủ của nhà độc tài Park Chung-hee hay chính quyền của các tổng thống dân cử sau này, giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu như một ưu tiên chính sách.
GS Ju-ho Lee chia sẻ kinh nghiệm cải cách giáo dục đại học với các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục VN tại một hội thảo do WB tổ chức. |
Khi đã công nghiệp hóa thành công, Hàn Quốc đứng trước thách thức mới: bong bong giáo dục, buộc giới lãnh đạo nước này phải tiếp tục cải cách giáo dục một lần nữa. Gs Ju-ho Lee kể ông tiếp nhận vị trí Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học công nghệ trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục liên tục tăng nhanh nhưng nước này vẫn mờ nhạt trên bản đồ giáo dục quốc tế, số lượng sinh viên ở các trường chất lượng thấp tăng vọt. Sinh viên ra trường lương thấp hoặc khó kiếm việc làm, nhưng tâm lý sính bằng cấp vẫn khiến người dân đổ xô đi học đại học.
“Thiếu vắng những cải cách căn bản để thích ứng với nhu cầu thời đại, hệ thống giáo dục tiếp tục duy trì mô hình cũ và trên thực tế, chất lượng giáo dục không thể được cải thiện chỉ bằng chính sách mở rộng đầu tư cho giáo dục của nhà nước. Đã đến lúc phải tái cấu trúc các trường đại học để khai phóng sự sáng tạo và đổi mới của chính họ”, GS Lee nhấn mạnh định hướng cải cách của mình.
Hai đột phá khẩu mà vị Bộ trưởng trẻ có bằng TS kinh tế từ Đại học Cornell (Mỹ) lựa chọn để cải cách giáo dục đại học là trao quyền tự chủ cho các trường và tăng trách nhiệm giải trình. Bộ Giáo dục từ bỏ quyền chỉ định trực tiếp hiệu trưởng các trường, để cho các trường tự do tuyển lựa hiệu trưởng thông qua cạnh tranh thi tuyển công khai. Đồng thời, hàng năm Bộ công khai một danh sách các trường đại học chất lượng yếu kém, cắt tài trợ, thậm chí cho đóng cửa những trường không cải thiện được thứ hạng hoặc chất lượng quá thấp. “Bàn tay sắt” này đã tạo áp lực ghê gớm buộc các trường phải tìm cách đổi mới và cải thiện chất lượng đào tạo.
Giấc mơ Hàn Quốc của người Việt
Không ít người Việt cho rằng giấc mơ Hàn Quốc có lẽ quá xa vời đối với VN. Nhưng Gs Lee và vị quan chức Mỹ kia không nghĩ vậy. Họ tin rằng, tiềm năng của người Việt nếu được khai mở sẽ tạo ra kỳ tích.
“VN và Hàn Quốc cùng chia sẻ rất nhiều điểm chung, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Cả người Hàn Quốc và VN đều rất coi trọng giáo dục, không tiếc tiền để con em mình được tiếp cận với giáo dục bậc cao. Đấy chính là xuất phát điểm vững chắc để VN xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học chất lượng”, Gs Lee nhận xét sau khi trò chuyện với các nhà làm chính sách và quản lí giáo dục của VN.
Nhưng ông cũng thừa nhận, để chuyển nguồn năng lượng cảm xúc khổng lồ từ khát vọng giáo dục của người dân thành một hệ thống giáo dục tiên tiến là thách thức rất lớn đối với chính phủ. Theo Gs Lee, bài học quan trọng nhất có lẽ là vai trò lãnh đạo. Sự kiên định về mục tiêu, cùng với sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai, đặc biệt là tính cởi mở, sẵn sàng học hỏi những kinh nghiệm hay sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cải cách thành công.
Trong bối cảnh VN đang thiếu rất nhiều nguồn lực, ông Lee gợi ý VN có thể học tập mô hình hỗn hợp công tư của Hàn Quốc, theo đó chính phủ tập trung đầu tư vào giáo dục cơ sở và dạy nghề rồi mở rộng sang nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực mà nhà nước không có điều kiện. Các đại học tư ở Hàn Quốc đã tăng chóng mặt từ 66% năm 1970 lên tới 85% năm 2012 tính theo số lượng sinh viên. Tuy nhiên, quá trình mở rộng đại học tư này phải đi kèm với sự kiểm soát ngặt nghèo về chất lượng.
“Cải cách là một quá trình lâu dài và không ngừng nghỉ. Cho đến nay, cải cách giáo dục ở Hàn Quốc vẫn đang tiếp diễn. VN có thể thành công nếu có một chương trình cải cách có hệ thống, dựa trên những nghiên cứu kĩ lưỡng và tiêu chí đánh giá định lượng, công khai”, cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc kết luận.
Việt Lâm
Mời đón xem bàn tròn với GS Ju-ho Lee, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công
nghệ Hàn Quốc vào ngày mai: Hàn Quốc và bài học cải cách cho VN.