Dịch nổ ra ở thành phố quê nhà
Từ tháng 12/2019, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi bác sĩ Huỳnh Quang Đại công tác, đã chuẩn bị sẵn sàng cho một trận đánh lớn. Một tháng sau đó, nơi này tiếp nhận 2 bệnh nhân người Trung Quốc mắc Covid-19. Đó là 2 trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.
“Từ đó đến nay, 2 năm trôi qua, có lúc sóng to, có lúc sóng nhỏ, nhưng chưa có phút nào nghỉ ngơi vì Covid-19”, bác sĩ Đại chia sẻ.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại làm việc tại tỉnh Bạc Liêu. |
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại là chuyên gia Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời là giảng viên của Đại học Y dược TP.HCM. Từ các điểm nóng miền Trung (tháng 7/2020) cho đến đỉnh điểm TP.HCM (tháng 7 và 8/2021), anh và đồng nghiệp đều hiện diện lúc gian truân nhất.
Khi Tây Nam Bộ đang bùng phát dịch, anh tiếp tục dẫn đoàn y bác sĩ, cắm chốt ở Bạc Liêu từ ngày 27/10 đến nay. Đó là thời điểm bác sĩ Đại vừa hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, "mặt trận" khốc liệt của TP.HCM.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi, là chia sẻ những kinh nghiệm đã phải trả giá bằng máu và nước mắt ở TP.HCM, mong Bạc Liêu có một chiến lược tốt nhất, giảm thiệt hại thấp nhất vì Covid-19…”, bác sĩ Đại tâm sự.
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khảo sát các bệnh viện tại Bạc Liêu. |
Tháng 8/2021, TP.HCM bước vào giai đoạn đau thương vì Covid-19. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm chính, được thành lập. Đây là Trung tâm hồi sức lớn nhất ở phía Nam.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, bác sĩ Huỳnh Quang Đại… thuộc nhóm chuyên gia đầu tiên có mặt, thiết lập hệ thống máy móc, giường hồi sức, trang thiết bị chuyên sâu. Từ một cơ sở y tế thô sơ, trống trơn, các bác sĩ gấp rút xây dựng phương án, thiết lập từng giường bệnh, điều chuyển máy móc để có thể đón bệnh nhân sớm nhất.
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại chia sẻ, áp lực không chỉ từ chuyên môn mà còn vì lượng bệnh nhân.
“Chúng tôi thiết lập theo từng khoa. Khoa này có 60 giường bệnh vừa hoàn thành thì 2 ngày sau kín bệnh nhân. Lại mở thêm khoa mới, lại đầy và phải mở tiếp. Cứ tiếp tục như vậy”, bác sĩ Đại nhớ lại.
Nhân sự được bổ sung thường xuyên. Tất cả đều làm từ sáng đến khuya: nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Giai đoạn sau, có y bác sĩ từ Hà Nội, Thanh Hóa vào chi viện và tình nguyện ở lại cho đến khi hết dịch.
Có những ngày, bác sĩ đi đặt ECMO ở bệnh viện khác đến 4h sáng mới xong việc. Có y bác sỹ kết thúc ca trực phải uống cả lít nước để bù lại lượng nước đã mất. Mệt mỏi, kiệt sức! Nhưng ngày hôm sau, tất cả lại bước vào guồng quay như cũ.
“Khi mọi chuyện xảy ra ở thành phố quê nhà, chúng tôi phải dốc sức, dốc sức thật nhiều!”, Bác sĩ Đại tâm niệm.
Trước đó, anh và đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên chi viện cho các tỉnh thành chống dịch: Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Bắc Giang…
Điều day dứt với bác sĩ hồi sức
Dù nỗ lực không mệt mỏi, nhưng trước sức tấn công của chủng virus Delta, Covid-19 lây lan chóng mặt. Ngày 28/8, số ca mắc mới của TP.HCM lên đến 17.403 ca. Cùng thời điểm, TP phải chăm sóc cho hơn 104.000 F0, gần 40.000 F0 nặng. Cao điểm, số tử vong lên đến 2.105 ca/tuần.
Các bác sĩ chạy đua với dịch khi số ca nặng, nguy kịch ngày càng nhiều. Máy móc có khi điều về không kịp. Nhịp độ quay cuồng.
“Chúng tôi không còn chỗ để nhận bệnh. Day dứt lắm!”
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM |
Đó cũng là giai đoạn, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 có ngày mất đi 10-20 bệnh nhân. Còn TP.HCM tử vong 200-300 người mỗi ngày. Rất nhiều F0 dù được can thiệp kỹ thuật chuyên sâu nhất, hiện đại nhất, với các bác sĩ giỏi nhất - nhưng cũng đầu hàng trước Covid-19.
“Bác sĩ hồi sức là những người vững vàng tâm lý. Chúng tôi cũng hiểu rằng tính mạng con người còn là vận mệnh. Đôi khi, nằm ngoài khả năng của người thầy thuốc dù anh có nỗ lực đến tận cùng.
Dù vậy, cứ nghĩ đến, tôi muốn quên đi, nhưng không sao quên được”.
Thành phố thiếu nhân lực ở khắp các cơ sở y tế. Là giảng viên Hồi sức cấp cứu, anh đã đề xuất với Đại học Y dược TP.HCM đưa các bác sĩ nội trú đến bệnh viện trong thời điểm nóng bỏng nhất. Đây là những nhân tố giỏi nhất của khóa học, vững vàng chuyên môn và sẽ được trau dồi thực tiễn.
Chuẩn bị tâm lý là bước cần thiết và quan trọng, trước khi các y bác sĩ trẻ tiến vào tâm dịch. Trong căn phòng thuộc Bệnh viện Hồi sức tháng 8/2021, bác sĩ Huỳnh Quang Đại đang từ tốn chia sẻ với đoàn chi viện.
“Các bạn sẽ sốc! Sốc vì cảnh tội nghiệp bệnh nhân phải gánh chịu: một thanh niên 30 tuổi nằm thở không ra hơi, một người bệnh không còn sức cầm lấy đồ ăn. Trên kia là một trận chiến thật sự!
Điều dưỡng mặc đồ bảo hộ 6-8 tiếng mỗi ngày, mồ hôi ướt từ đầu xuống chân, có khi rơi tong tong xuống đất. Kiệt sức đến nỗi mặt đỏ bừng lên, tưởng mình bị sốt rồi nhưng vẫn phải tiếp tục làm việc.
Các bạn sẽ sốc khi lên phòng bệnh Covid-19, nhưng sẽ chúng tôi ở bên cạnh”, bác sĩ Đại khẳng định.
Động viên tinh thần y bác sĩ trẻ trước khi nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. |
TP.HCM đã đi qua thời kỳ mất mát chưa từng có trong lịch sử. Các hàng quán dần mở lại, các cơ sở tái sản xuất, người dân trở về nếp sinh hoạt ban đầu, gạt đau thương để phục hồi.
Còn các y bác sĩ, họ tiếp tục chi viện cho Tây Nam Bộ bằng kinh nghiệm xương máu của TP.
“Chúng tôi xuống tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu. Đến tất cả các bệnh viện của tỉnh để đánh giá năng lực điều trị, dự báo mức độ lây lan, thiết lập các tầng điều trị, lên chiến lược phù hợp nhất ứng phó với dịch, tránh trường hợp trở tay ko kịp”, Bác sĩ Huỳnh Quang Đại chia sẻ về nhiệm vụ lần này.
Covid-19 đã khiến anh có những chuyến công tác xa nhà chưa từng có. Tháng 7/2020, khi đang chi viện ở Quảng Nam, cha anh phải cấp cứu vì nhồi máu cơ tim. Nhờ “gia đình Chợ Rẫy”, ông cụ qua cơn nguy kịch, bác sĩ Đại yên lòng công tác tại tâm dịch.
Tháng 7/2021, tại tâm dịch miền Tây, anh cũng chưa xác định ngày về. “Cũng may có video call để thường xuyên nhìn thấy gia đình. Tôi có 2 con, con út mới chỉ 3 tuổi thôi…”.
Linh Giao
Ký ức đại dịch Covid-19 qua lời kể của người báo tin bệnh nhân tử vong
“Chị ơi, chị bình tĩnh nhé chị…Em xin báo tin buồn…người nhà mình mất vào lúc…”. Cuộc gọi đứt đoạn bởi tiếng nấc. Bên kia đường dây, thân nhân đứt ruột. Bên này, người nhân viên y tế cũng xé lòng.