- Mỗi mùa trăng tháng Tám, người dân Hà thành lại nhớ nao lòng về những cái Tết trung thu trong quá khứ tưởng như nay đã không còn. Giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống, vẫn có những gia đình ở Hà Nội gìn giữ được vẹn nguyên cái phong vị trung thu truyền thống.

Ký ức những mùa trăng


Bà Nguyễn Thị Chung (61tuổi - ngõ 160 Lạc Long Quân – Hà Nội) sống cùng chồng với gia đình hai người con ruột và hai cháu ngoại trong một ngôi nhà nhỏ sâu trong con ngõ trên đường Lạc Long Quân.

Cuộc sống bận rộn, hối hả cuốn theo mỗi thành viên gia đình trong nhịp đời, thế nhưng trong gia đình của bà vẫn còn giữ nhiều nếp sống thanh lịch của người Hà Nội. Đặc biệt là những phong tục gắn với các ngày Lễ, Tết truyền thống, trong đó có Rằm Trung thu.

Sinh ra và lớn lên tại làng An Thái – Tây Hồ, những kỉ niệm về Trung thu Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức bà. Hỏi chuyện bà về những cái Tết Trung thu xưa khi bà còn bé, bà Chung bồi hồi nhớ lại: “Trung thu ngày xưa vui lắm…”
 
Bà Chung đang chuẩn bị bột quấy bánh đúc – một món ăn truyền thống của người dân đất Bưởi.

Kí ức đưa bà trở về với những năm bà mới mười ba, mười bốn tuổi, với không khí trung thu làng Bưởi rộn ràng. “Ngày rằm tháng Tám ở Làng Bưởi có tục cúng rằm rất hay. Cúng chay hay cúng mặn đều có những đặc trưng riêng” – bà Chung vui vẻ kể lại.

Theo lời bà, nếu là cúng chay, thì mâm cúng ngày Trung thu nhất định phải có nải chuối trứng cuốc, đĩa cốm làng Vòng, với đĩa cốm xào rắc thêm dừa, bát chè cốm thơm dịu. Cốm nhất định phải là thứ cốm “đầu nia”, mỏng cánh, dẻo thơm.

Mâm ngũ quả thì mùa nào thức nấy, với bưởi, na, hồng ngâm, hồng tiết… được bày biện kì công, đẹp mắt. Rồi bánh nướng, bánh dẻo… Không phải là những hộp bánh sang trọng được làm đại trà, bánh nướng bánh dẻo quê bà ngày xưa được bán cả một dãy dài cạnh chợ Bưởi.

Người ta bày bàn, làm bánh tại chỗ với đủ các vị cho người mua chọn lựa. Bà hồi tưởng: “Thường mẹ tôi đã phải dậy từ rất sớm để đi chợ sắm Rằm,. Thậm chí bà còn cẩn thận chuẩn bị từ vài hôm trước. Bà chăm chút chọn lựa từng thứ rất cẩn thận, với tất cả sự khéo léo của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình”.
 
Sau khi ông nội thắp hương, mâm cỗ mới được hạ xuống cho cả đàn cháu đang nắc nỏm chờ đợi. Cả nhà quây quần bên mâm cỗ, lần lượt ăn từ cốm, đến cốm xào, rồi mới đến chè cốm…

Hoa quả mỗi thứ lại được chia đều cho các cháu trong sự nâng niu, thích thú. “Cúng chay giản tiện hơn, nhưng cả nhà vẫn cùng nhau mỗi người một chân một tay, cùng bày biện, thu xếp… Không khí gia đình từ khi chuẩn bị cho ngày rằm rất ấm cúng” – bà Chung chia sẻ.

Nếu là cúng mặn, thì mâm cỗ ngày Rằm tháng Tám của đất Bưởi quê bà, ngoài xôi, gà, các món xào, món luộc không thể thiếu trong mâm cơm cúng thì còn có những “thức” rất đặc biệt. Trong đó, đặc biệt nhất là món bánh đúc om chua: Bánh đúc ăn kèm với nồi ngan om chua.

“Chỉ người đất Bưởi mới biết món này, và bây giờ, cũng không còn nhiều nhà duy trì nữa. Bánh đúc được quấy sẵn từ ngày 14, còn ngan om thì sang ngày 15 mới được chế biến. Ngan chặt ra đem ướp gừng, mắm tôm, mẻ, lạc, dừa thái mỏng rồi om kĩ.

“Không gì tuyệt vời hơn là trong mâm cơm ngày rằm được ăn bát bánh đúc thái nhỏ quân cờ chan nước ngan om chua, ngon lành không bao giờ quên nổi” – bà Chung tâm sự. Kí ức mùa trung thu với bà Chung da diết trong từng kỉ niệm.

Đó là mâm cơm gia đình đầy ắp tiếng cười vui. Đó là hình ảnh ông nội và bố thắp hương tổ tiên, những đêm rằm cả nhà quây quần ngoài sân, ngắm trăng, phá cỗ.

Đó là những năm mấy chị em dung dăng dung dẻ, được ông nội dẫn lên phố Hàng Mã mua đèn ông sao, đèn cá chép, đèn ông sư, mua hoa giấy về thờ. Đó là câu chuyện chú Cuội, chị Hằng bà được nghe đi nghe lại mà không chán…

Gìn giữ “vị” trung thu cho cháu con


Càng hạnh phúc với kí ức về những mùa trung thu mà tuổi thơ mình may mắn được đón nhận, bà Chung càng không khỏi tiếc nuối khi nghĩ đến cái Tết Trung thu của thời hiện đại. Trung thu bây giờ đã ít nhiều mất đi cái “chất” trung thu thực sự.

“Trẻ con bây giờ đủ đầy quá, nên chẳng còn biết quý, biết thèm trái hồng, trái bưởi hay món đồ chơi ngày trung thu. Nhà nhà bận rộn chẳng còn mấy thời gian mà chăm lo một cái Rằm tháng Tám đúng nghĩa cho các con, các cháu” – bà nói.
 
  Bà luôn vui vẻ với việc gìn giữ những nét truyền thống của ngày Tết Trung thu.

Riêng bà, dù bận rộn đến đâu bà vẫn luôn cố gắng giữ gìn truyền thống xưa, tục lệ xưa. Là người bà, người mẹ trong gia đình, dẫu các con bà có bận rộn, vội vã đến mấy, bà vẫn gợi nhắc và âm thầm thu vén để tổ chức ngày Tết trung thu cho thật đầy đủ.

“Năm nào tôi cũng chuẩn bị kĩ lắm. Nào tìm mua cốm, cốm xào, mua hoa quả, mỗi thứ một ít, trước là cúng tổ tiên, sau là cho các cháu phá cỗ. Điều kiện kinh tế khá giả hơn nên tôi không còn phải cân nhắc cúng chay hay cúng mặn như trước.

Thay vào đó, tôi cố gắng thu xếp mâm cơm ngày Rằm với nhiều món ăn đặc trưng. Duy trì những điều đó để các con cháu được ăn , được chơi mà ghi nhớ” – bà Chung chia sẻ.

Quả thực, nhờ đó mà các con, các cháu của bà mới được nghe kể và hiểu hơn ý nghĩa của ngày Tết trung thu. Không đơn thuần là dịp vui chơi, quan tâm tới con trẻ, đây còn là cơ hội cho cả nhà được quây quần trong tình thân, gắn bó, thương yêu nhau hơn, cùng nhớ về nguồn cội.

Bởi luôn tâm niệm như thế, nên năm nay bà đã sớm ngâm gạo, xay bột để quấy bánh đúc, chuẩn bị mua ngan để làm nồi om chua từ sớm. “Nhiều khi các con cũng bảo bà bày vẽ, lịch kịch cho vất vả, nhưng vẫn xúm vào phụ giúp mẹ nếu rảnh rỗi.

Tôi còn nhớ thì còn làm, và phải làm cho chu đáo, cẩn thận. Vất vả một chút, nhưng vui”- bà Chung tâm sự.

Không những thế, mỗi năm Trung thu đến, bà Chung lại cùng con cháu thu xếp một vài buổi đi chơi phố cổ, đi mua đồ chơi, lồng đèn cho các cháu. Bà có hai đứa cháu nhỏ, một trai, một gái, đứa nào cũng rất háo hức mong chờ Trung thu y như bà hồi nhỏ.

Có lẽ các cháu cũng chính là động lực lớn nhất để bà rày công gìn giữ cái Tết trung thu truyền thống trong gia đình.

Minh Tâm