Ngày cuối năm, một người phụ nữ cùng con gái từ Bắc Ninh đến Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đợi chị phía bên ngoài bệnh viện là 2 nhân viên y tế. Sau lời chào hỏi, họ trao cho chị một túi zipper nhỏ.

Bên trong túi zipper, ngoài mảnh giấy chứa thông tin, còn có chiếc khuyên tai, vòng tay, nhẫn… trị giá hơn 1 cây vàng. Đó là kỷ vật cuối cùng của mẹ chị, một nữ bệnh nhân sinh năm 1941 đã qua đời vì Covid-19.

Nhận lại kỷ vật của người mẹ đã khuất từ tay nhân viên y tế, người phụ nữ nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Được biết, mẹ chị là một F0 nặng, nguy kịch được chuyển từ bệnh viện điều trị tầng 2 đến Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19. Như nhiều bệnh nhân Covid-19 khác, phút cuối đời, bên cạnh bà không có người thân.

Để vơi bớt phần nào nỗi đau của họ, các nhân viên y tế đã tiến hành bảo quản các vật dụng, tư trang cuối cùng của người bệnh và tìm cách trao lại cho gia đình.

{keywords}
 
{keywords}

Một số vật dụng của bệnh nhân Covid-19 được bảo quản tại phòng Điều dưỡng, Công tác xã hội và Truyền thông, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19.

“Bệnh nhân Covid-19 tử vong đều được hỏa thiêu. Cũng như phần tro cốt, kỷ vật của họ rất quan trọng đối với gia đình”, TS.Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều dưỡng, Công tác xã hội và Truyền thông, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19, cho biết.

Khi vừa đi vào hoạt động, bệnh viện đã thiết lập các quy định về giao nhận tài sản khi bệnh nhân vào cấp cứu. Các bệnh nhân nhập viện, chuyển viện đến đây đều không có người nhà đi cùng vì vậy công tác bảo quản tài sản cá nhân đều do các nhân viên y tế đảm nhiệm.

Khi người bệnh được xuất viện, nhân viên y tế sẽ trao trả lại tài sản. Trường hợp người bệnh không may tử vong, bệnh viện sẽ mời người nhà đến, gửi lại những kỷ vật của người đã mất.

Cũng theo TS.Trần Thanh Tùng, công việc lưu giữ khá khó khăn bởi có bệnh nhân chuyển qua nhiều bệnh viện khác nhau (ví dụ Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang… chuyển đến), bên cạnh đó, khi vào viện họ đều trong tình trạng nặng, cấp cứu. Lúc này, các bác sĩ đều phải chuyên tâm vào việc cấp cứu bệnh nhân khó có thời gian để lưu tâm các công việc khác. Tuy nhiên hiểu được sự quan trọng về mặt tinh thần, bệnh viện đều cố gắng gìn giữ kỷ vật của người những đã khuất.

“Để giữ tài sản cho bệnh nhân, chúng tôi có thành lập quy trình giao nhận. Cụ thể, khi bệnh nhân nhâp viện điều trị, khoa cấp cứu tiếp nhập tài sản của người bệnh. Sau đó, tài sản cá nhân này được chuyển về Phòng Điều dưỡng, Công tác xã hội và Truyền thông để phân loại, bảo quản. Các vật dụng (quần áo, túi, tư trang) này đều có thể mang virus vì vậy phải để ở kho một thời gian (khoảng 1 tuần), khi đó virus SARS-CoV-2 không còn khả năng tồn tại, số vật dụng trên mới an toàn, không còn nguy cơ lây nhiễm”, đại diện phòng Phòng Điều dưỡng, Công tác xã hội và Truyền thông của Bệnh viện, cho biết.

{keywords}
Các vật dụng được để tại kho hơn 1 tuần mục đích cho virus SARS-CoV-2 không còn khả năng tồn tại, trước khi được phân loại, bảo quản.

TS.Tùng vừa mở tủ chứa các vật dụng đang được lưu giữ để chuẩn bị bàn giao cho người nhà. Các vật dụng được nhân viên y tế cho vào từng túi. Mỗi túi có một mẩu giấy nhỏ ghi họ tên, ngày tháng năm sinh và số điện thoại của từng người bệnh. Phía bên trong chứa các vật dụng như điện thoại, tiền, nhẫn vàng, thẻ bảo hiểm y tế và các giấy tờ khác.

Khi bàn giao tài sản là đồng hồ, nhẫn… của người tử vong, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người nhà dùng cồn 70 độ để lau, khử khuẩn. Với quần áo, người nhà cũng được hướng dẫn không rũ ra nhằm tránh việc phát tán virus. Theo đó, người nhà phải cho quần áo ngay vào máy giặt rồi phơi dưới ánh sáng ngoài trời để đảm bảo vô trùng.

Anh Phùng Văn Hợi – cán bộ Phòng Điều dưỡng, Công tác xã hội và Truyền thông, Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19, chia sẻ thêm, để đảm bảo an toàn cho người nhận, các buổi trao kỷ vật thường diễn ra phía ngoài khuôn viên bệnh viện. Hiện bệnh viện đã tiến hành nhiều lần trao kỷ vật cho người nhà. Trong đó có trường hợp khiến anh ấn tượng nhất là lần trao trả kỷ vật của bệnh nhân người nước ngoài.

{keywords}
 
{keywords}
Bên trong khu ICU nơi các bác sĩ nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19

Bệnh nhân sinh năm 1986, quốc tịch Ireland, đang công tác và sinh sống tại Hà Nội. Người này mắc Covid-19 trở nặng, được chuyển đến Bệnh viện Điều trị Người bệnh Covid-19 và qua đời tại đây. Khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện đã liên hệ với Đại Sứ quán để trao lại các vật dụng của người bệnh. Đồng thời phía Đại Sứ quán cũng phải hoàn tất thủ tục để hỏa táng cho người mất. Kỷ vật của anh là 1 chiếc tai nghe, máy tính và 1 điện thoại đã cũ.

“Nhìn vật dụng từng gắn bó với một con người, một cuộc đời, ai cũng không khỏi xúc động. Đặc biệt với bệnh nhân này, không chỉ không có người thân ở cạnh phút cuối đời mà còn đang ở một nơi xa quê hương. Kỷ vật của anh chắn chắn sẽ rất ý nghĩa với gia đình”, anh Hợi nói.

“Có những người đến được nhưng cũng có gia đình vì điều kiện chưa thể đến bệnh viện nhận, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì, bảo quản những tài sản đó cho những người đã mất và sẽ cố gắng bàn giao lại cho phía gia đình sớm nhất”, anh Hợi chia sẻ thêm.

Ngọc Trang – Nguyễn Liên

Ảnh: Nguyễn Liên

Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc

Căng thẳng điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch tại ICU lớn nhất miền Bắc

Từng có thời gian chi viện, chống dịch tại Bình Dương, PGS.TS Hải cho biết, F0 nặng, nguy kịch giai đoạn này khác với giai đoạn dịch bùng phát trước đây. Vì vậy phương pháp điều trị cũng thay đổi để phù hợp, hiệu quả hơn.