- 20 năm trước, Australia đã rất kỳ vọng Việt Nam trở thành "con rồng châu Á" mới khi dành riêng những ưu tiên, cơ hội về thương mại, kinh tế.

Trong suốt giai đoạn những năm khó khăn của thời kỳ bao vây, cấm vận kéo dài, từ những năm cuối thập niên 1970 cho đến đầu những năm 1990, Việt Nam vẫn có những cánh cửa mở cơ hội hợp tác với bên ngoài.

Tháng 5/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm chính thức Australia. Đó cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sau 20 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Kiệt đã trở về mang theo những cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư. Nhưng không phải từ chuyến thăm này, Australia trước đó là một trong những nước sớm bãi bỏ lệnh cấm buôn bán với Việt Nam (1991), ký kết nhiều hiệp định khi Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận.

Cơ hội

Những công ty của Australia đã tiên phong, mở đường cho làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Doanh nghiệp Australia đi tiên phong, mở đường cho làn sóng đầu tư ớm mạnh mẽ vào Việt Nam

Như Telstra những năm 1980 đã đầu tư hàng trăm triệu đô la, giúp thiết lập mạng viễn thông đầu tiên của Việt  Nam. Hay BHP là một trong những công ty dầu khí phương Tây đầu tiên thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, ANZ mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu khi luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam có hiệu lực...

Đã có những cú hích mở ra nhiều tham vọng về biên độ quan hệ giữa hai nước, trong đó, Australia đã từng kỳ vọng Việt Nam trở thành "con rồng châu Á" mới sau Trung Quốc.

Trong thập niên 1990, đã có nhiều hội thảo, hội nghị xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh được tổ chức theo nhiều kênh ở cả hai nước. Có những doanh nghiệp Australia năng động tự tổ chức kênh tiếp cận tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí có những doanh nghiệp Việt kiều cũng đã bắt sóng để làm mối cho nhà đầu tư Australia đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư.

Một trong những lĩnh vực từng được Australia rất ưu ái dành cho Việt Nam là dệt may. Trong khi dành những ưu ái lớn cho thị trường Trung Quốc 30 năm về trước với kỳ vọng nước này trở thành con rồng châu Á hàng đầu, thì với Việt Nam, Australia cũng muốn dành những cơ hội riêng với kỳ vọng về một con rồng châu Á mới nổi lên sau Trung Quốc.



"Họ không muốn dành hết ưu đãi cho Trung Quốc. Trong khi dệt may là lĩnh vực người Australia tin Việt Nam có thể làm tốt hơn vì tay nghề khéo léo" - một nhân viên từng làm trong Bộ Ngoại giao nước này những năm 1990 kể với VietNamNet.

Có những kết nối thành công về kinh tế, thương mại song phương. Nhưng đã có không ít cơ hội lớn bị bỏ lỡ. Như dệt may sau đó doanh nghiệp Australia chuyển hướng đầu tư sang thị trường Trung Quốc. Trong suốt thập niên qua, Bắc Kinh làm mưa gió, thống lĩnh vị trí công xưởng gia công số 1 không chỉ cho thị trường của Australia

Một công ty khoáng sản lớn của nước này cũng kể họ đã từng đặt kỳ vọng, đầu tư chi phí cơ hội nhưng sau cùng lại phải dừng chân ở cửa thị trường Việt Nam vì không thích ứng được tập quán kinh doanh thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường.

Lý giải cho những cơ hội bỏ lỡ, cựu nhân viên ngoại giao trên cho rằng, về cơ bản Việt Nam khi đó mới đang trong giai đoạn đầu mở cửa nền kinh tế thị trường. Đó là giai đoạn khi những yếu tố kỹ thuật cơ bản của một nền kinh tế muôn thu hút FDI vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Luật pháp về kinh doanh chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính cồng kềnh, cơ chế xin-cho chi phối, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tham nhũng, hối lộ...là những điểm nghẽn khiến nhưng cơ hội đến rồi lại đi.

Có những cuộc rút lui khỏi thị trường Việt Nam, không tiếp tục mở rộng hoạt động của những doanh nghiệp Australia như Telstra.

Gió đổi chiều

Song sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm đổi mới đã và đang làm "gió đổi chiều".

Jimmy Jackson, Tổng giám đốc phát triển và thương mại hóa sản phẩm của công ty Woolmark thuộc sở hữu của Tổ chức Đổi mới len tại Australia - tổ chức dệt may len hàng đầu thế giới từng đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư từ năm 1994.

Ông Jimmy: Thập kỷ tới sẽ là của Việt Nam

Đã có những mối quan hệ Jimmy thiết lập từ giai đoạn đó như Vinatex (Tập đoàn dệt may Việt Nam). Ông cũng từng đến làm việc tại trụ sở Bộ Công nghiệp Việt Nam để tìm kiếm hậu thuẫn, ủng hộ.

Nhưng quyết định đầu tư năm đó lại dành cho thị trường Trung Quốc. “Lúc đó, chúng tôi mải mê với Trung Quốc” - ông kể.

18 năm từ chuyến thăm đó của Jimmy, Woolmark mới chính thức bước vào thị trường Việt Nam.

2012 là năm Woolmark triển khai dồn dập các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Nói về thị trường này, vị tổng giám đốc khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Bây giờ là thời của Việt Nam”.

"Chúng tôi đến muộn hơn những công ty khác. Nhưng chúng tôi không nghĩ không còn cơ hội nào. Thập kỷ tới sẽ là của Việt Nam. Chắc chắn sẽ có rất nhiều sự quan tâm dành cho thị trường này" - Jim nói.

Theo lời doanh nghiệp này, cách đây 40-50 năm, Nhật Bản thống lĩnh về sản xuất dệt may. Những năm 80, cuộc đổi ngôi dành cho Đài Loan và Hàn Quốc. Sau đó những năm 90 là của Trung Quốc. Và giờ là Việt Nam.

Jimmy đưa ra 5 cơ sở cho nhận định về yếu tố "thắng" của thị trường Việt Nam. Đó là: rủi ro về chủ quyền thấp, cơ sở hạ tầng và công nghiệp sản xuất dệt may đã được thiết lập tốt, nguồn lao động có kỹ năng dồi dào, sản phẩm dệt may và xuất khẩu phát triển phong phù, nhiều cơ hội thương mại quốc tế lớn như là nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ sau Trung Quốc, đặc biệt Việt Nam đã ký các hiệp định kinh tế với Nhật Bản, tham gia FTA của ASEAN với Hàn Quốc.

Trong khi đó, Mike Smith, CEO của Ngân hàng ANZ ngồi trong trụ sở đầu não của ANZ ở Docklands, Victoria, Australia, không thể bỏ mắt khỏi những thông tin từ thị trường Việt Nam. Nền kinh tế ảm đạm kéo dài 3 năm qua ở Việt Nam cùng những biến động của thị trường tiền tệ, đặc biệt sức khỏe của tiền đồng làm ông quan tâm đặc biệt.

"Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khó khăn. Một trong những thách thức là chỉ số lạm phát còn khá cao. Dù đã được kiểm soát nhưng chỉ số hiện tại so sánh với các nước trong khu vực rõ ràng vẫn là chỉ số cao"- ông Mike nói.  

Theo CEO ANZ, việc củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện các hệ thống, chống tham nhũng mạnh mẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư nước ngoài

Điều doanh nghiệp này trông đợi là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Việt Nam sớm qua đi, tiền đồng ổn định và nền kinh tế sẽ tiến nhanh hơn trong 5 năm tới. Đó là nền tảng cho những chiến lược sắp tới mà ANZ đã định sẵn.

Woolmark và ANZ khác nhau kiểu “người mới - người cũ”. Nhưng trong bản kế hoạch chiến lược phát triển ở thị trường Việt Nam của cả hai, có rất nhiều gạch đầu dòng.

Ông Mike kỳ vọng: “Việt Nam có những tiềm năng để phát triển thành công. Nhưng ngay lúc này, hãy nhanh chóng củng cố cơ sở hạ tầng, cải thiện các hệ thống, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa”.

Kể từ khi thiết lập bang giao, đến nay, Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau, trong đó kim ngạch thương mại tăng trưởng mạnh mẽ trên 20% mỗi năm và đạt trên 5 tỷ đô la vào năm 2012, tăng 150 lần so với hơn 20 năm trước.

Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 15 của Australia, Australia là đối tác thương mại thứ 13 của Việt Nam. Hiện nay, với tổng số vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Australia là nhà đầu tư lớn thứ 21 của Việt Nam.

Sau bản hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia cùng ASEAN ký với Australia năm 2009, việc cả hai đang cùng hướng tới Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hứa hẹn sẽ mở ra những bứt phá về trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư.

Xuân Linh

Kỳ tới: Người Việt đầu tiên làm thị trưởng Úc