- Đọc 2 bài “Loạn xét nghiệm, bệnh viện hành dân” và "Bệnh nhân chết vì kết quả xét nghiệm đá nhau" trên VietNamNet là một bác sĩ làm việc lâu năm trong bệnh viện tôi cũng rất trăn trở. Tôi xin bàn về vấn đề xét nghiệm trong bệnh viện và đặt ra câu hỏi bệnh nhân tử vong vì bác sĩ đã sử dụng những kết quả xét nghiệm không chính xác có là tội ác hay không?
Tin bài liên quan:
Ngày nay cùng tiến bộ của khoa học y học, việc khám bệnh của bác sĩ theo phương pháp khám lâm sàng kinh điển là không đủ. Các bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm trông đợi vào những kết quả xét nghiệm được trả về.
Bệnh nhân khổ nhiều vì xét nghiệm! |
Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán, dựa vào kết quả xét nghiệm để khẳng định là có bệnh hay không có bệnh và quyết định biện pháp can thiệp bằng thuốc men; loại thuốc, liều dùng, đường dùng hay các biện pháp khác ... có xét nghiệm dùng để theo dõi diễn biến bệnh, nghĩa là đưa ra quyết định điều chỉnh liều lượng thuốc đang được sử dụng cho bệnh nhân.
Có những loại thuốc cần đưa vào người bệnh được tính toán kỹ lưỡng thận trọng tới Microgam/kg (cân nặng của bệnh nhân)/phút, như vậy tương ứng với điều trị thì xét nghiệm cần thiết phải làm đi, làm lại hàng giờ hoặc hàng ngày.
Những thầy thuốc có kinh nghiệm thì thường đánh giá sự tương xứng giữa tình trạng diễn biến trên lâm sàng với những kết quả của các xét nghiệm hoặc yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm cơ sở y tế đã có độ tin cậy trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Như vậy để có một xét nghiệm y học chuẩn phải có trang thiết bị máy móc có chất lượng và người làm xét nghiệm có chuyên môn.
Thế nhưng, tại bệnh viện tôi đang làm việc (Bệnh viện Đa khoa thành phố Bắc Giang) người ta đang cố tình làm lệch chuẩn đó. Những người đang làm xét nghiệm hóa sinh cho bệnh nhân hàng ngày là người chưa được đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm, một người là cử nhân sinh học, một người là y tá học tại một trường trung cấp y.
Hàng ngày ngồi khám bệnh, nghe người bệnh, yêu cầu cho làm xét nghiệm nhận kết quả từ phòng xét nghiệm trả về luôn có cảm giác rờn rợn trong người. Bản thân tôi nhiều lần có ý kiến với Giám đốc bệnh viện về kết quả xét nghiệm của bệnh viện nhưng không có sự thay đổi.
Bởi thế, với những người bệnh có thể quyết đáp bằng kiến thức cũng như kinh nghiệm lâm sàng, thì đưa ra chẩn đoán còn không thì phải chọn giải pháp khuyên người bệnh nên làm lại ở nơi khác để đối chứng.
Quay lại vấn đề; Để bệnh nhân tử vong vì bác sĩ đã sử dụng những kết quả xét nghiệm không chính xác có là tội ác hay không? Qua những lập luận trên, tôi xin khẳng định là có. Vậy thì kẻ thủ ác là ai?
Cần mở rộng khái niệm y đức trong quản lý điều hành hoạt động của bệnh viện, sẽ minh định được tội ác và kẻ thủ ác trong trường hợp này.
- Bác sĩ N.V