- Có lẽ không có nơi đâu lại có điểm họp chợ kỳ lạ như thế: chợ nằm ngay giữa nghĩa trang. Một phiên chợ nơi đây cũng giống như bao phiên chợ ngoại thành khác nhưng lại khác biệt hẳn, có đầy đủ những món hàng từ phục vụ lễ cho người chết cho đến dịch vụ ăn uống, sinh hoạt ngủ, nghỉ cho người sống.

Gánh hàng đi chợ... nghĩa trang
Một gánh hàng.

Sản vật địa phương
Hàng thịt và giải khát.

Khu vực chợ là một bãi đất rộng, tương đối bằng phẳng nằm bên hông khu nhà Ban quản trang của nghĩa trang Yên Kỳ (xưa là nghĩa trang Bất Bạt) thuộc thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội. Mỗi dịp cuối tuần, hay vào mùa tảo mộ người dân Hà Nội lên đây thăm mộ rất đông. Đây cũng là dịp để người dân trong vùng đem nhiều mặt hàng đến bán, ban đầu chỉ là những nông sản của gia đình của người dân xung quanh đây, dần dần chợ họp ngày một đông hơn, thu hút cả cư dân các xã khác. Thôi thì đủ thứ từ hoa quả, rau củ cho đến gà, lợn, thịt trâu, bò...

Có cả chiếu cho thuê để nghỉ ngơi giữa muôn trùng mộ.

Hàng hóa được bày trong những lều bạt quây tạm, hoặc để nguyên trong quang gánh, sọt. Cũng ồn ào, náo nhiệt, xô bồ không kém như những chợ bình thường khác, phiên chợ khiến cho cảm giác u ám của nghĩa trang có phần bị xua bớt. 

Cảnh âm u của nghĩa trang phần nào được xua bớt...

Hôm đông khách thì đông hàng, ít khách thì ít hàng. Ở đây còn có dịch vụ ăn uống ngay tại chỗ và cho thuê chiếu. Với 20.000 đồng, thân nhân của những ngôi mộ có thể dừng chân nghỉ ngơi sau một chặng đường dài.

Tấp nập bán mua

Một người dân địa phương cho biết: “Chợ họp gần 20 năm nay rồi. Đông nhất vào 3 tháng đầu năm và mấy tháng cuối năm. Người bán chủ yếu là dân cư quanh xã. Dân mình thấy người ở Hà Nội lên thăm mộ đông thì mang hàng lên bán, từ thịt bò, gà vịt đến hoa quả, nông sản. Đã quen với không khí nơi đây rồi, chả thấy sợ hãi gì. Chỉ cầu mong các cụ phù hộ, buôn bán được chút gì hay chút ấy. Kể ra, cái chợ cũng lạ đời...".

Chị Hoa, chủ một cửa hàng giải khát cho biết: "Cả nhà 4 miệng ăn, bây giờ không có những phiên chợ này chắc cuộc sống sẽ chật vật lắm".
Lê Nho Việt