PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, TS Huỳnh Thế Du và Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành đề xuất những kiến nghị cụ thể để cải cách lập pháp và tư pháp.

>> Phần 1: Nhóm lợi ích và sức ỳ của bộ máy

>> Phần 2: "Cơ may này không đợi dân tộc mình lâu!"

VietNamNet giới thiệu kỳ cuối bàn tròn về cải cách thể chế với nhóm tác giả của báo cáo tư vấn chính sách, được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐH Harvard, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Việt Nam.

Chuyên nghiệp hóa Quốc hội

Nhà báo Việt Lâm: Như những gì các khách mời vừa phân tích thì có vẻ như một cuộc cải cách sâu rộng chưa khả thi ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Nếu theo mô thức chúng ta hay đi thì thường cải cách sẽ bắt đầu bằng những giải pháp kỹ thuật, những bước đi nhỏ. Theo các chuyên gia, những bước cải cách nhỏ, có thể làm ngay hiện nay là gì?

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Tôi không muốn gọi cải cách lớn hay nhỏ, bởi mọi cải cách đều lớn. Nếu một cải cách không tạo ra tác động nào thì sẽ là vô hiệu. Một cải cách chúng ta tưởng là nhỏ, nhưng nếu tạo rat hay đổi đáng kể, theo hướng tích cực thì không thể gọi là nhỏ.

Như chúng tôi đã đề cập trong bài phân tích chính sách vừa rồi, sức ép cải cách là có, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đều cảm nhận được sức ép cải cách đó, thậm chí giải pháp để cải cách cũng đều đã được các nhà lãnh đạo đưa ra rất đầy đủ rồi. Vấn đề là đang tồn tại những rào cản thể chế khiến cho những giải pháp ấy dù đã được tuyên bố, thậm chí đưa thành văn bản nhưng vẫn không chưa thực thi được trên thực tế.

Theo chúng tôi nhìn nhận, để triển khai được các giải pháp kỹ thuật về kinh tế - xã hội, giờ là lúc thực hiện những cải cách thể chế về mặt lập pháp và tư pháp, để kiến tạo một cơ chế giám sát hiệu quả hơn, giúp cho các nhà làm chính sách, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Anh Phạm Duy Nghĩa sẽ trình bày cụ thể về các giải pháp này.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Đúng là cải cách thể chế đã được bàn thảo mấy năm nay rồi nhưng đến giờ không thể tiếp tục nói chung chung được nữa. Thực ra chưa cần nói đâu xa, chỉ cần làm sao thực thi được Hiến pháp 2013 đã rất tiến bộ rồi. Chẳng hạn, Hiến pháp 2013 đã vạch ra định hướng là các nhánh quyền lực hành pháp, lập pháp và tư pháp phải có sự phân công, phân nhiệm và kiểm soát lẫn nhau. Nói cách khác, Quốc hội và các cơ quan dân cử phải tổ chức hợp lý để làm đúng việc của mình.

Đối với cơ quan dân cử, chúng tôi có vài đề xuất cụ thể. Đề xuất thứ nhất là chuyên nghiệp hoá hoạt động của Quốc hội. Muốn vậy, đại biểu Quốc hội phải hoạt động toàn thời gian, coi đại biểu là một nghề chứ không nên kiêm nhiệm quá nhiều vai như hiện nay. Số đại biểu quốc hội cũng không nên quá đông, lên đến 500 người như hiện nay mà chỉ cần 200-300 người là đủ. Cả nước chia thành 2-300 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị chọn lấy một người. Người này phải có văn phòng ở đơn vị bầu cử, có nhân viên phục vụ và có văn phòng ở TƯ. Bằng cách đó, chúng ta học hỏi dần các thể chế dân cử nước ngoài. Dân biểu được bầu có chân rết ở đơn vị cử tri, có văn phòng và bộ máy giúp việc để giúp họ có thông tin, có kiến thức để tham gia thảo luận hiệu quả hơn.

Thứ hai, đại biểu phải làm việc ở cấp uỷ ban. Hiện tại, các cuộc thảo luận rộng tại hội trường, với hơn 500 đại biểu, mỗi người được nói 7-8 phút nên bị loãng. Ví dụ, cuộc thảo luận về quy hoạch phải diễn ra ở uỷ ban chuyên về quy hoạch, thảo luận về đầu tư công phải diễn ra ở các uỷ ban chuyên về tài chính…Có như vậy, Quốc hội mới chuyên nghiệp hoá được.

Thứ ba, áp dụng quy trình nghị viện, tức là mỗi ông đại biểu phải đại diện cho cử tri của mình. Để bảo vệ lợi ích cử tri của mình thì ông phải thương thảo với các ông khác. Ví dụ như Đại biểu Dương Trung Quốc nói muốn có một nghị quyết về Biển Đông. Đấy là ý kiến của ông nhưng nếu mỗi đại biểu đều đề xuất một nghị quyết thì làm sao xuể. Các ông phải thương lượng với nhau theo quy trình nghị viện, tức là bao nhiêu ý kiến thì được phép đưa ra một yêu cầu và Quốc Hội phải có những yêu cầu chặt chẽ để quy trình đó được đưa vào chương trình nghị sự.

Ngoài ra, có những ý kiến cho rằng đã là nghề thì đại biểu cũng phải được trả lương đầy đủ để sống được và có kinh phí làm việc. Tôi nghĩ nếu nước mình đánh giá đúng vai trò thực sự của Quốc hội, có một khoản tài chính rõ rang thì từ đó sẽ định ra được bao nhiêu đại biểu hoạt động chuyên nghiệp và trả lương tử tế cho họ.

Đề xuất thứ hai là tăng tính minh bạch trong hoạt động của Quốc hội. Những cuộc tranh luận, phiên điều trần trong ủy ban có thể công khai cho báo chí tham gia, có thể ghi âm ghi hình và lưu trữ trong các trang web của ủy ban để ai cũng có thể tra cứu. Ví dụ cuộc thảo luận về sân bay Long Thành, tôi có thể truy cập và biết ai đã ủng hộ, lập luận như thế nào, người nào không bỏ phiếu. Tức là những thứ đó phải được lưu trữ và tạo điều kiện cho dân biết thì dân mới bàn được, từ đó mới có hiệu ứng ngược lại thúc ép đại biểu có trách nhiệm đối với hành vi của mình. Ví dụ như vừa rồi tranh cãi xung quanh điều 60 của Luật Bảo hiểm Xã hội, khi họp cử tri nhiều người phàn nàn: đại biểu bây giờ đại diện cho ai, chứ không đại diện cho chúng em. Chúng em 80% muốn hưởng lương hưu một lần nhưng các bác bắt em phải đến 60 tuổi mới được lĩnh. Như vậy đại biểu có quyền nhưng cũng phải có nghĩa vụ.

Trên đây là những biện pháp có thể làm được trong khuôn khổ Hiến pháp 2013. Nếu tầm nhìn xa hơn nữa là làm sao người dân có quyền tham gia tích cực hơn nữa việc bày tỏ ý chí chính trị, tiến cử, hay thúc ép lựa chọn những ứng viên, để rồi sau này ứng viên tốt mới bầu được đại biểu tốt. Để làm được điều đó đòi hỏi những giá trị khác trong ý thức hệ và tổ chức quyền lực mà những chuyện này không thể một sớm một chiều.

{keywords}
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa

Lá phiếu cử tri chính là sự trừng phạt hữu hiệu nhất!

Việt Lâm: Nhân nói về chuyện trách nhiệm giải trình của đại biểu Quốc hội, ngành hành pháp đã có những sáng kiến rất cụ thể để đo lường hiệu quả làm việc của công chức. Liệu đối với đại biểu quốc hội, có thể có những bộ tiêu chí gì để họ thực sự đại diện cho tiếng nói cử tri?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Về sâu xa, sự trừng phạt giống như anh Nguyễn Xuân Thành nói chính là lá phiếu của cử tri. Tôi bầu ra đại biểu mà suốt ngày không phát biểu gì hoặc là phát biểu lộn xộn quá hoặc những hành vi trái khoáy như nói xấu đại biểu khác, thì kỳ sau anh sẽ không được bầu nữa.

Cũng như vậy, người ta có thể có những quy trình để bắt anh chịu trách nhiệm trước đơn vị bầu cử. Xác lập trách nhiệm này chủ yếu thông qua trách nhiệm về chính trị chứ không phải trách nhiệm về pháp lý. Nếu anh không làm tốt cho người bầu ra anh thì bằng lá phiếu tôi thay anh bằng người khác. Nói cách khác, người dân phải có tiếng nói tốt hơn trong việc đưa ra ứng viên. Nếu chỉ đi bầu những ứng viên có sẵn rồi thì quyền lựa chọn của người ta trên thực tế bị hạn chế.

Việt Lâm: Vấn đề là nếu như đại biểu quốc hội chưa phải là một nghề, thì những đại biểu quốc hội có làm không tốt cũng không sợ bị áp lực bởi sau nhiệm kỳ này chắc gì họ còn tiếp tục làm đại biểu nữa.

TS Huỳnh Thế Du: Tôi nghĩ rằng mấu chốt vấn đề là làm sao xây dựng được cơ chế cạnh tranh, giám sát. Điều lệ Đảng đã cho phép, Hiến pháp cũng đã đề cập đến chuyện cạnh tranh lành mạnh các vị trí trong bộ máy. Cạnh tranh không phải một lần mà cạnh tranh phải tạo ra cơ chế là anh luôn luôn có nguy cơ bị thay thế, bị mất việc nếu làm không tốt. Cạnh tranh và minh bạch sẽ góp phần giải quyết được câu chuyện trách nhiệm rõ rang.

Cốt lõi suy cho cùng vẫn là động cơ lợi ích. Tôi hành động vì cái ghế của tôi. Ai quyết định cái ghế của tôi thì tôi hành động như thế. Nếu không giải quyết được điểm chốt này thì mọi chuyện vẫn sẽ bế tắc.

Cải cách tư pháp: tòa án phán xử độc lập

Việt Lâm: Các khách mời đã nêu rất cụ thể những giải pháp có thể làm ngay để cải cách lập pháp. Nhiều chuyên gia nhận xét thời gian qua, ngành hành pháp bắt đầu có những bước cải cách mạnh mẽ, áp đặt trách nhiệm cụ thể. Ngành lập pháp cũng đã rục rịch chuyển động. Chỉ riêng tư pháp, như nhận định của chính những người trong ngành là vẫn còn nhiều yếu kém. Tâm điểm của các diễn đàn Quốc hội thời gian qua là vấn đề án oan sai. Là một chuyên gia luật, ông Phạm Duy Nghĩa nghĩ sao về câu chuyện cải cách tư pháp thời điểm này?

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Để làm ăn, buôn bán người ta cần phải có một luật chơi rõ ràng. Nợ thì phải trả. Phá sản thì phải có chủ nợ đến chia tài sản. Sống phải được đảm bảo an ninh từ thân thể đến tính mạng. Pháp ở đây không phải là văn bản, quy định hay thông tư mà có nghĩa là công bằng trong xã hội, là những giá trị công lý mà người dân gửi gắm vào một cơ quan nào đó giữ gìn. Tư ở đây có nghĩa là chăm sóc, bảo vệ. Như vậy, sứ mệnh của tư pháp là gìn giữ công lý để những người dân thấp cổ bé họng, như đứa học trò non nớt không bị sợ hãi trước quyền uy công cộng hay sự đánh đập của xã hội đen, to hơn nữa như người ta kinh doanh thì phải có luật pháp bảo vệ tài sản người ta, khi ký hợp đồng mà không trả nợ thì lực lượng nhà nước hỗ trợ người ta đòi được nợ đó. Đối với người vỡ nợ như bà Bảy Hiền của Bình An Fish chẳng hạn thì phải có một cơ chế để tránh chủ nợ đến xâu xé, có thể tái cấu trúc một cách ổn thỏa. Đấy chính là luật pháp.

Chính vì môi trường pháp lý còn nhiều rủi ro như vậy nên thành ra doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được. Ngoại trừ những doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với chính quyền, số còn lại ở quy mô rất bé, thậm chí đã lớn vừa vừa còn bé trở lại bởi rủi ro về mặt pháp lý.

Cải cách về mặt tư pháp không chỉ là thực hiện những điều tốt đẹp trong chương 2 của Hiến pháp về nhân quyền và quyền công dân mà nó còn vì mục tiêu thực dụng hơn là làm cho môi trường kinh doanh Việt Nam đáng tin cậy hơn, người ta vào đây làm ăn an toàn hơn, tự tin nới rộng quy mô kinh doanh. Thời gian qua, rất nhiều đại gia của Việt Nam đã bán lại vốn cho nhà đầu tư nước ngoài không hoàn toàn vì họ bị thôn tính. Khi đạt đến ngưỡng tài sản nào đó, họ cảm thấy không an toàn. Vì vậy bán lại không phải là lựa chọn tồi nếu thể chế pháp lý khiến người ta e ngại nếu làm ăn lớn hơn nữa có thể biến mình thành miếng mồi.

Ý thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây là không cần sáng tạo gì thêm nữa về cải cách tư pháp. Những tuyên bố, đường hướng về cải cách tư pháp của Đảng và nhà nước trong thời gian qua, nếu tập hợp lại đã đủ thành một chương trình cải cách quá đầy đủ rồi, từ nghị quyết 49 của TƯ Đảng về cải cách tư pháp, rồi đến kết luận số 08. Vấn đề bây giờ là từng bước thực hiện các tuyên bố này. Ví dụ, chức năng của toà án là bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ nhân quyền và phán xử độc lập. Người dân có quyền tiệm cận công lý bằng cách nếu tôi bị bắt thì phải có luật sư bào chữa. Luật sư phải được tham gia ngay từ đầu chứ không phải có hồ sơ, có cáo buộc rồi mới mời họ vào. Người dân phải được quyền kháng cáo lên những tòa mà họ tin rằng không bị lệ thuộc vào chính quyền địa phương. Thẩm phán cũng phải có lương bổng, được đào tạo, có nhiệm kỳ đủ để cho họ trở thành những người dũng cảm bảo vệ công lý, đỡ bị sợ sệt bởi những thế lực từ chính quyền hay từ giới có tiền bạc.

Nếu làm được những điều mà nhà nước đã cam kết thì thực sự là bước cải cách lớn. Hiện nay, dường như chúng ta chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của tòa án, của tư pháp trong việc bảo đảm niềm tin cho người kinh doanh và người dân. Vì nhận thức chính trị không rõ như vậy nên mới để các thế lực phân tán dần ra, những cam kết cải cách mờ nhạt dần đi. Ban đầu, chúng ta khẳng định sẽ phát triển Viện Kiểm sát thành Công tố, giống như ở các nước phát triển, trở thành một bộ phận trong tư pháp. Khi ra toà, công tố chỉ là một bên, chứ không thể ngồi ngang hang với toà, vừa tố anh bị cáo, lại vừa kiểm soát ông thẩm phán cạnh mình. Một cơ chế như vậy không còn phù hợp nữa khi mà người dân ngày càng đòi hỏi thẩm phán đưa ra phán quyết phản ánh những mong đợi về công bằng xã hội.

Nếu không thực hiện những gì đã cam kết thì ngọn lửa cải cách sẽ yếu dần đi.

{keywords}
Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành

Hệ thống chính trị mở

Việt Lâm: Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng ngọn lửa cải cách đó, làm thế nào để những mầm cải cách không thui chột đi?

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Xã hội Việt Nam đang phát triển theo hướng một xã hội mở và những người làm nghiên cứu như chúng tôi là một bộ phận của xã hội mở ấy. Những tuyên bố vừa qua của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng khẳng định không thể đảo ngược được tiến trình mở cửa đó.

Tôi tin rằng những ngọn lửa cải cách sẽ tiếp tục nếu chúng ta vẫn duy trì một xã hội mở, vẫn có những phản biện xã hội, những sức ép, những kiến nghị đề xuất để tiếp tục cải cách.

Nhưng một nền kinh tế mở và xã hội mở có lẽ là chưa đủ để biến những kiến nghị, đề xuất về cải cách được triển khai trở thành hiện thực. Hệ thống chính trị cũng cần cởi mở hơn ở mức độ nào đó để tiếp nhận được những gì xảy ra trong nền kinh tế, trong xã hội, để có phản ứng kịp thời, có điều chỉnh đúng lúc. Bởi nếu không, chúng ta sẽ không thể có đủ quyết tâm chính trị để thực hiện cải cách.

Như anh Nghĩa đã phân tích, mọi đường hướng, giải pháp cải cách đã có sẵn rồi, đã được những người nắm giữ trọng trách trong bộ máy nêu ra đầy đủ rồi. Vấn đề bây giờ là phải biến nó thành hành động thôi. Một nền chính trị mở hơn như anh Du nói sẽ cho phép các bộ phận khác nhau trong hệ thống chính trị của chúng ta là những lực lượng tiến bộ nhất, muốn cải cách nhất để đưa đất nước phát triển có thể liên kết với nhau đủ mạnh để khắc chế lực cản từ những nhóm bị thua thiệt bởi cải cách.

- Xin cảm ơn các vị khách mời!

  • VietNamNet