Nếu chúng ta không dạy thì sẽ có người khác dạy con của bạn. Đó là tivi, đó là hàng xóm, đó là ngoài đường và đó có thể là những người đàn ông khác yêu con bạn hơn chính bạn.

Các ông bố yêu quý,

Tôi viết thư này nhân sáng nay nhận được một cú điện thoại của một ông bố có con trai 14 tuổi. Anh hỏi tôi rằng anh nên làm gì khi con anh bây giờ chẳng thích học hành, học hành rất kém tập trung lại còn ăn cắp tiền, ăn cắp nhiều lần và của nhiều người. Anh nên dùng kỷ luật kiểu nào là hiệu quả vì đã cảnh cáo cách đây 2 tuần nhưng không ăn thua. Có nên cho con gặp chuyên gia tâm lý? Hay nên dùng biện pháp mạnh gì?

Tôi nói với anh rằng “Cho dù con hư như thế nào thì điều đầu tiên cần trả lời là vì sao con hư? Chúng ta vẫn nói môi trường tạo nên nhân cách, tạo nên sự phát triển. Môi trường của con có gì khác chính là cha mẹ? Vậy trước khi sửa con, sửa mình trước. Vì có gặp chuyên gia, chuyên gia có phân tích cho con điều hay lẽ phải, có giúp con một kế hoạch điều chỉnh hành vi mà môi trường vẫn như vậy, bố mẹ vẫn như vậy thì thay đổi được bao lâu và cả đời cứ phải đi gặp chuyên gia?”

Tôi cũng gặp một anh chị mà tôi khá quý mến. Anh chị nền nã, tận tụy với công việc, gia đình nhưng con gái ở tuổi teen đã có dấu hiệu muốn cách ly với bố mẹ, thích đua đòi hàng hiệu dù học giỏi nhất trường.

Tôi đã đặt những câu hỏi về sinh hoạt gia đình từ những năm đầu đời và hiện nay bởi vì chúng ta chịu chi phối của quy luật nhân – quả. Hành động thế này thì kết quả ra thế kia là tất yếu. Và khi các con chưa được rèn luyện những kỹ năng từ nhỏ, chưa hiểu, chưa cảm nhận được những giá trị THẬT thì khả năng tập trung trong học tập kém là tất yếu, theo đuổi lối sống thiếu tích cực cũng là đương nhiên.

Chúng ta cũng tự an ủi rằng “ôi, teen mà, đứa nào chẳng hư, mình cũng vậy, rồi từ từ nó hiểu chuyện” hoặc “mình không dạy nó được thì đời dạy nó thôi”. Hoàn toàn chính xác, sau 12 tuổi, chúng ta học bằng những biến cố, và như vậy thì đau lắm và nhiều khi hiểu nhưng sự nỗ lực và kỹ năng để thay đổi có đủ không khi mà môi trường vẫn thế, vẫn đầy áp lực mà năng lượng của con thì kém cỏi và rồi sự gắn bó, tình yêu thương trong gia đình có được bảo toàn trọn vẹn khi mà sự thấu hiểu không có?

{keywords}

Những ông bố đừng tự vứt đi đặc quyền được nuôi dạy các con của chính mình!

Tôi nói với ông bố đầu tiên: “Anh tính trừng phạt con kiểu nào cũng được. Miễn là hình phạt đó anh cảm thấy nếu anh là người làm sai, ai đó áp dụng như vậy cho anh, mà anh vẫn tiếp thu được và hướng thiện sửa sai thì cứ thoải mái áp dụng. Hãy tự hỏi nếu anh làm sai là vì anh muốn anh trở thành người sai quấy hay anh chưa biết cách sống tích cực, chưa có kỹ năng sống tích cực mà đâm ra sai lầm? Anh im lặng và nói “Cũng may là tôi gọi cho bà trước khi XỬ LÝ CON. Tôi cũng phải suy nghĩ lại chính mình”. Cảm ơn bố! Trễ nhưng chưa muộn.

Các bà mẹ trẻ hay than rằng “Chồng em chẳng quan tâm giáo dục con. Mệt mỏi. Vợ chồng gây gổ với nhau suốt”, “Chồng em cho rằng việc giáo dục, chăm sóc con là của em. Em stress quá!”, “Cách chồng em đối với con làm hư con mà nói anh chẳng chịu hiểu. Bực không chịu nổi” và hay kết luận thêm một câu hỏi: “Chị làm gì khi cha mẹ không thống nhất được cách dạy con?”. Tôi trả lời: “Tôi chọn chia tay”.

Cho dù không trợ cấp, không hợp tác, cho dù con tôi có thiệt thòi những kỹ năng mà các ông bố sẽ vượt trội hơn để dạy con nhưng các con tôi sống tốt hơn, thông minh hơn, vui vẻ hơn trong một môi trường lành mạnh, vẫn yêu thương ba của các con cho dù ba có đóng góp vào quá trình dạy dỗ con hay không. Tôi biết bạn đang sốc. Tôi không ủng hộ các bạn ly dị. Tôi chỉ muốn nhắc đến một kết cục rất phổ biến, cũng là nguyên nhân của 70% cuộc chia tay và li dị trong các gia đình. Và tôi muốn nói rằng những đứa trẻ vẫn lớn lên, vẫn tốt hơn vì không có bố. Vì sao?

Dạy con là ĐẶC QUYỀN của CHA MẸ. Đặc quyền là quyền lợi đặc biệt chứ không phải là trách nhiệm đặc biệt. Và vì nếu chúng ta không dạy thì sẽ có người khác dạy con của bạn. Đó là tivi, đó là hàng xóm, đó là ngoài đường và đó có thể là những người đàn ông khác yêu con bạn hơn chính bạn.

Trẻ em cần gì? Chẳng cần gì ngoài tình yêu và kiến thức. Nơi nào có hai thứ này, con sẽ bò đến. Bạn không cho, con chẳng cần bạn. Bạn phẩy tay vài lần “Ba bận, con đi chơi đi” khi con chạy đến hỏi “Ba ơi, vì sao?” bạn sẽ thấy sau lần thứ tư con chẳng mấy khi chạy đến. Bạn rảnh rỗi hơn rồi đó, đỡ nhức đầu với những câu hỏi vô tận rồi đó vì bạn đang mất con từ từ và khi con đủ lông đủ cánh, chẳng có gì giúp con thấy yêu quý bố ngoài sợi dây máu mủ vô hình.

Và bạn hãy hình dung xem, 1 - 2 năm nhà trẻ, 3 năm mẫu giáo, và 80% lớp 1 đến lớp 3, tức là 3 năm nữa là gần như 8 năm đầu đời bao quanh con, dạy dỗ con là mẹ và các cô giáo. Tìm đâu ra một ông thầy dạy mầm non trên đất nước mình? Các bạn có trả lời được thắc mắc vì sao mà con trai ngày càng nhiều nữ tính hơn không? Những năm đầu đời ai cũng biết là quan trọng, 3 năm đầu đời thông tin đi thẳng vào tiềm thức, còn không qua ý thức để kiểm duyệt thì con thấy ở đâu sự mạnh mẽ, bao dung, bản lĩnh, làm được những điều vĩ đại khi bố cho rằng những năm đầu đời là chuyện của mẹ, chỉ có ăn và ngủ, chơi giỡn, toàn chuyện vặt vãnh, để Mẹ làm là đủ, chơi nựng con một chút giải trí là đủ. Ở ba của các con tôi, thì ngược lại một chút, anh chỉ quan tâm đến chuyện vệ sinh, ăn, tắm rửa và cho rằng trẻ em chỉ cần vậy là đủ. Vậy vẫn dành thời gian cho con, nhưng có chất lượng không?

{keywords}

Hãy cho con cơ hội được chạm vào tận bên trong sâu thẳm của bố.

Làm một khảo sát nhỏ trên 100 người với câu hỏi “Bạn biết ơn ai nhất?” tỷ lệ chưa tới 5% biết ơn bố đã nói đầy đủ thực trạng hình ảnh bố trong lòng đa số con trẻ Việt Nam ở nhiều thế hệ.

Tôi cũng muốn kể thêm một câu chuyện ở một gia đình doanh nhân tôi gặp. Cả hai cô con gái đều béo phì và cô bé 15 tuổi tôi nhìn thấy là cảm giác đau lòng đã dâng lên. Tôi biết cô bé đang có những tổn thương nặng nề về tâm lý bên trong mà biểu hiện ra ngoài là học không vô, béo phì, nụ cười kém tươi tắn. Ngồi trò chuyện với 2 vợ chồng nửa tiếng, tôi thấy sau đó ông bố hằm hằm chỉ thẳng vào mặt con bé “Đồ mất dạy. Tuổi này mà chat chit và ăn nói thô tục” rồi đi tới đi lui hậm hực không thể kiểm soát, bố quay lại, lôi con bé xuống nhà bếp và tôi nghe hàng loạt tiếng chửi thề. Nó hư giống ai? Và những biểu hiện u uất, trầm cảm ở con bé làm cha mẹ có thấu là do ai hay không? Và nếu nó tự tử hay nó bị lạm dụng thì điệp khúc “đồ ngu đần, con gái hư” sẽ được tiếp diễn hay sẽ đối diện với nỗi đau ba đã sai!

Tôi thường hay nghe các bà mẹ nói, anh ấy không phải là không thương con, rất thương con, rất thích cưng nựng và nhưng rồi lại hay quát nạt thậm chí đánh con… Đó chưa phải là yêu thương, yêu thương thật sự làm chúng ta đẹp hơn lên. Nhưng tôi thương các ông bố, chúng ta phần lớn đều là sản phẩm của những những quan điểm giáo dục cực đoan, kiểm soát, thiếu kỹ năng và yêu thương có điều kiện. Bản thân các ông bố đang làm bố đã được chuẩn bị kiến thức, chuẩn bị tâm thế cho cuộc sống gia đình? Yêu là Cưới. Cưới là Đẻ. Đẻ là Stress. Vì vậy mà hàng ngày tôi đều nghe đến những sự đổ vỡ của những gia đình trẻ.

Tôi ngưỡng mộ khi gặp những ông bố xung quanh tôi quan tâm con không phải là chiều chuộng và cưng nựng mà là làm đúng vai trò của ông bố. Dẫn đường đầy hiểu biết, bao dung và mạnh mẽ. Hãy cho con được chạm vào tận bên trong sâu thẳm của bố. Quanh tôi cũng có rất nhiều gia đình tuyệt vời. Sự hiểu biết, khiêm tốn và chung sức vì con mình, trìu mến với mọi trẻ em…. Không hiếm nhưng chưa nhiều và hãy nhân rộng hơn.

Tình yêu thương, tôn trọng không chỉ xây dựng trong vài ngày, vài tháng mà là một hành trình hoàn thiện bản thân mình. Làm cha mẹ không chỉ là việc nuôi con tăng bao nhiêu kg, cao bao nhiêu, đọc bao nhiêu chữ và con mình có vượt trội hơn con người khác không? Làm cha mẹ chỉ là quá trình nhận diện bản thân, hoàn thiện bản thân, dẫn dắt con và cùng nhiều bố mẹ khác xây dựng một cộng đồng những con người ưu tú, tâm và tài toàn vẹn.

(Theo MASK Online)