Chỉ ngay trước cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Mexico, không ai có thể nói rằng mối quan hệ này tốt đẹp. Thậm chí chẳng có tia hy vọng mong manh nào cho việc 'tái thiết'. Một loạt các động thái không hề thân thiện lại diễn ra trong những ngày gần đó.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: CSMonitor |
Một nhóm các Thượng Nghị sĩ yêu cầu Lầu Năm Góc chấm dứt quan hệ với nhà xuất khẩu vũ khí của Nga là Rosoboronexport và hủy hợp đồng mua các máy bay trực thăng và đạn dược của Nga cho quân đội và cảnh sát Afghanistan được ký vào năm ngoái. Lý do là vì công ty của Nga bị tình nghi là đã trợ giúp cho chương trình tên lửa của Iran.
Quốc Hội Mỹ cũng có thể sẽ bỏ phiếu cho một luật mới về thương mại với Nga. Việc chỉnh sửa luật Jackson-Vanik sẽ được thay thế bằng Luật Magnitsky.
Các tài liệu này sẽ cho phép áp đặt các lệnh trừng phạt lên các trường hợp liên quan tới vụ Sergey Magnitsky (một luật sư của Nga thuộc Quỹ Hermitage có trụ sở tại Mỹ đã bị lạm dụng và chết trong tù) và các trường hợp tương tự.
Ngoài ra, còn có thể kể thêm các động thái khác như việc Nga mới ban hành luật về việc tụ tập đông người, bế tắc trong vấn đề lá chắn tên lửa, việc ông Putin từ chối tới Trại David và ông Obama tuyên bố không đến dự hội nghị APEC vào tháng 9 tới đây tại Vladivostok, rồi căng thẳng sau các tuyên bố 'huỵch toẹt' của Đại sứ Mỹ tại Moscow Michael McFaul… Tất thảy cho ta thấy một bức tranh ảm đạm trong quan hệ giữa hai cựu thù. Nhưng thật sự mọi chuyện có tệ đến thế?
Trước tiên, Mỹ đang trong quá trình tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới. Tất nhiên, Nga không nằm trong tâm điểm của việc này, nhưng ảnh hưởng tiêu cực thì có thể cảm nhận thấy rõ. Khi Nga trải qua giai đoạn này vào nửa năm trước thì giọng điệu cũng tương tự. Nhưng quan hệ đôi bên thì không đổi.
Thứ nữa, cần phân biệt giữa một mối quan hệ đang xấu đi nghiêm trọng và một cuộc mặc cả nhằm đẩy đối phương phải nhượng bộ. Cãi vã xung quanh vấn đề Iran và Syria giờ đang rất gay cấn vì cả hai phía đang tiến gần tới một bước ngoặt mới.
Tại Syria, kế hoạch của ông Kofi Annan sẽ thất bại, và bước quyết định tiếp theo sẽ là mọi bên liên quan sẽ phải ngồi lại với nhau để đạt được một sự chuyển giao về quyền lực với đảm bảo từ các lực lượng bên ngoài, hoặc trợ giúp quân sự cho phe đối lập Syria nhằm tăng cơ hội cho phe này giành chiến thắng trong cuộc nội chiến. Bất kể bối cảnh là gì thì việc chỉ trích Nga vẫn là một cách hay. Có người cho rằng điều duy nhất mà Nga quan tâm chỉ là tiền. Và để đưa thêm lý lẽ nhằm trợ giúp cho phe đối lập - nếu như Nga giúp cho Damascus, thì "thế giới tự do" (tức phương Tây) sẽ phải tạo ra một cán cân để đối trọng lại.
Trong trường hợp Iran, cuộc đàm phán trước đó tại Baghdad đã thất bại, còn đàm phán tại Moscow được cho là có tính chất quyết định hơn. Việc đấu tranh tâm lý để tăng quyền lợi là điều hợp lý.
Trong cả hai trường hợp này, bối cảnh của mối quan hệ Nga Mỹ không thật sự thân thiện, nhưng cũng không đến mức thù địch quá nặng nề. Ngoại giao mang tính cạnh tranh thông thường giữa các cường quốc thường nhằm đạt được các kết quả mà họ mong muốn, chứ không mang tính chất cá nhân.
Thứ ba, giới doanh nghiệp Mỹ tìm cách hạn chế thiệt hại do nhiễu loạn chính trị xuống mức tối thiểu. Mặc dù vẫn ủng hộ các sáng kiến của Quốc hội, nhưng Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng đều cố gắng hạn chế các tác động tiêu cực.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, Lầu Năm Góc không vội vàng phải trả đũa Nga và tránh dính líu đến các cáo buộc của bà Clinton. Đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, điều quan trọng hơn đối với họ là giờ giữ tương tác ổn định với Nga tại Afghanistan hơn là dây vào các tranh cãi chính trị.
Chẳng thể trông đợi một viễn cảnh màu hồng cho mối quan hệ giữa hai cường quốc từng là cựu thù. Câu hỏi đặt ra là liệu giữa họ có thiện chí hay ý định đối mặt với nhau, hay sự căng thẳng đó chỉ là hậu quả của các nhân tố khách quan và mang tính cấu trúc.
Quan hệ Nga Mỹ có vẻ gần giống như trong viễn cảnh thứ hai hơn, và đó không hẳn là một phương án tệ.
- Lê Thu (theo RT)