Hiện nhu cầu tiêu thụ hạt mắc ca rất lớn, trong khi nguồn cung nội địa còn hạn chế. Dự báo đưa ra rằng, sản lượng cung và cầu mắc ca trên thế giới có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ đã đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam là phát triển cây mắc ca theo định hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Hai vùng tây bắc và Tây Nguyên được xác định trở thành trọng điểm để phát triển cây mắc ca.

Đây là cơ sở để Lai Châu và nhiều vùng địa phương khác phát triển vùng trồng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường này trong giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo.

Cây mắc ca được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Lai Châu. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Ngoài lợi ích kinh tế mang lại, cây mắc ca còn giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc và trở thành cây đa mục đích.

Tại đây, cây mắc ca được triển khai trồng thử nghiệm từ năm 2011. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cây mắc ca được trồng chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè, thành phố Lai Châu, Nậm Nhùn, Phong Thổ và Sìn Hồ. Hiện cây đã cho thu hoạch, năng suất trên diện tích trồng xen canh đạt 0,5 tấn/ha, còn trồng thuần năng suất, sản lượng cao hơn.

W-anhcaymaca.png
Lai Châu xác định cây mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nhằm tạo an sinh xã hội

Diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, tới nay đạt hơn 5,4 nghìn ha, trong đó diện tích các hộ gia đình, cá nhân thực hiện trên 2,76 nghìn ha; diện tích các tổ chức kinh tế thực hiện hơn 2,66 nghìn ha. Trong tổng diện tích có 2/3 diện tích mắc ca trồng thuần, còn lại là trồng xen canh với các loại cây trồng khác.

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, tỉnh Lai Châu xác định cây mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nhằm tạo an sinh xã hội, tạo sinh kế việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Hiện diện tích đất trống, nương kém hiệu quả của tỉnh Lai Châu còn nhiều, do đó tỉnh có chủ trương chuyển đổi sang trồng cây mắc ca để mở rộng diện tích. Theo đó, tỉnh định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có khoảng 60.000 ha cây mắc ca. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 sẽ trồng mới trên 35.000 ha; giai đoạn 2031 – 2050 sẽ trồng mới thêm 20.000 ha và phấn đấu trở thành “thủ phủ” mắc ca của cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố và Chi hội mắc ca tỉnh tiếp tục nghiên cứu sự phù hợp, rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để mở rộng diện tích trồng cây mắc ca; tích hợp vùng trồng mắc ca vào quy hoạch. Đồng thời tỉnh cũng sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường phát triển cây mắc ca. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lai Châu.


 

Thúy Ngân và nhóm PV, BTV