Gần đây, xuất hiện một số ngân hàng tuyên bố miễn phí, giảm phí chuyển khoản, rút tiền mặt cho khách hàng. Trong khi TPBank miễn toàn bộ phí giao dịch chuyển khoản online và rút tiền mặt tại ATM khác hệ thống (trừ một vài ngân hàng), Vietcombank cũng đã tuyên bố giảm 500 đồng cho mỗi giao dịch rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống ngân hàng.

Thực tế, chuyển khoản và rút tiền mặt là hai giao dịch phổ biến nhất giữa khách hàng và ngân hàng. Miễn phí các giao dịch này giúp các ngân hàng có thể thu hút nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ hơn trong bối cảnh toàn hệ thống đều thu phí.

Tuy nhiên, không nhiều ngân hàng sẵn sàng đưa ra chiến lược miễn, giảm phí với các giao dịch này do đây vẫn là một trong những nguồn thu quan trọng nhất.

Nguồn thu nghìn tỷ

Đối với ngân hàng Việt, ngoài hoạt động tín dụng mang về nguồn thu chính chiếm bình quân trên 70% tổng thu nhập hoạt động thì dịch vụ là nguồn thu lớn thứ 2.

Trong đó, trừ một số ngân hàng có kinh doanh bảo hiểm, thanh toán và tiền mặt vẫn là dịch vụ đóng góp chính vào doanh thu mảng dịch vụ nói chung.

{keywords}
Hầu hết ngân hàng hiện nay vẫn thu phí 3.300 đồng/giao dịch rút tiền tại ATM khác hệ thống. Ảnh minh họa: Lê Hiếu.

Ước tính, trên thị trường hiện có trên 70 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Trong đó, thị phần thẻ chủ yếu nằm trong tay các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank... Đây cũng là những ngân hàng có số thu từ hoạt động dịch vụ lớn, lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm.

Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank là 4 ngân hàng đứng đầu về doanh thu từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt, đều đạt trên 2.500 tỷ đồng năm gần nhất (2018).

Theo đó, năm vừa qua, Vietcombank ghi nhận 4.837 tỷ doanh thu từ dịch vụ này, tăng 31% so với năm trước và gần 70% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ ngân hàng. Sau khi trừ chi phí, dịch vụ thanh toán và tiền mặt mang về cho ngân hàng hơn 1.860 tỷ đồng lãi thuần. Trong 9 tháng từ đầu năm 2019, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này cũng đã tăng 30%.

Vietcombank chưa phải ngân hàng có lợi nhuận từ dịch vụ thanh toán lớn nhất. Vị trí quán quân này thuộc về Agribank với 2.975 tỷ đồng lãi thuần cùng năm, chiếm gần 80% lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chung của ngân hàng.

Tương tự, BIDV và Vietinbank đều ghi nhận hàng nghìn tỷ lãi thuần từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt những năm gần đây.

Tại nhiều ngân hàng tư nhân, dịch vụ thanh toán và tiền mặt cũng mang về hàng trăm tỷ đồng lãi thuần mỗi năm.

Dù đã áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản cho khách hàng từ lâu, Techcombank vẫn là ngân hàng có doanh thu từ dịch vụ lớn nhất trong khối tư nhân.

{keywords}
 

Năm 2018, ngân hàng này thu về 3.536 tỷ đồng lãi thuần từ dịch vụ, 33% trong đó đến từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt. Thanh toán và tiền mặt cũng là dịch vụ có doanh thu cao nhất ở mảng dịch vụ nói chung, chiếm gần 40% tổng thu nhập từ dịch vụ tại Techcombank năm vừa qua.

9 tháng từ đầu năm, nhà băng này cũng ghi nhận 3.270 tỷ đồng thu nhập và 2.138 tỷ đồng lãi thuần từ dịch vụ. Trong đó, thanh toán và tiền mặt đóng góp lần lượt gần 50% và 37%.

Mảng kinh doanh siêu lợi nhuận

Trong khi mảng kinh doanh lớn nhất của các ngân hàng là tín dụng có biên lợi nhuận bình quân vào khoảng 30-40% thì tỷ suất này ở mảng dịch vụ thanh toán và tiền mặt lại cao hơn rất nhiều, có nơi đạt tới 90%.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến không nhiều ngân hàng sẵn sàng hy sinh nguồn lợi này để đổi lấy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của khách hàng như chiến lược tại một số nhà băng đang đưa ra.

Tại Agribank, biên lợi nhuận trong mảng dịch vụ thanh toán và tiền mặt vào khoảng 69%, cao hơn nhiều so với tỷ suất ở hoạt động tín dụng là 43%. Tỷ suất này tại BIDV cũng lên tới 74%, hay Techcombank là 67%.

{keywords}
 

Là ngân hàng nắm trong tay tài khoản và hệ thống thanh toán, chi trả của ngành quân đội, ước tính MBBank hiện có hệ số CASA đến cuối quý III ở mức 27,8%, cao thứ 2 trên thị trường.

Ngân hàng này cũng sở hữu biên lợi nhuận dịch vụ thanh toán và tiền mặt cao nhất hệ thống, lên tới 90% trong năm gần nhất. Năm 2017 trước đó, tỷ suất này tại MBBank cũng đạt 89%. Tính bình quân, cứ 10 đồng doanh thu từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt, MBBank lại lãi 9 đồng trước chi phí.

Năm 2018, nhà băng này đạt 5.719 tỷ đồng thu nhập từ dịch vụ. Trong đó, thanh toán và tiền mặt là nguồn thu lớn thứ 3 sau bảo hiểm và môi giới chứng khoán, đóng góp khoảng 13%. Tuy nhiên, đây lại là dịch vụ có biên lợi nhuận cao nhất, vượt trên kinh doanh bảo hiểm (53%) và môi giới chứng khoán (86%).

9 tháng đầu năm nay, dịch vụ thanh toán và tiền mặt cũng mang về cho MBBank 620 tỷ doanh thu (14% tổng thu nhập dịch vụ), và tiếp tục là mảng có biên lợi nhuận tốt nhất với tỷ suất gần 91%.

Tại nhiều ngân hàng khác biên lợi nhuận của hoạt động này cũng đều đạt xấp xỉ 60-80% mỗi năm.

(Theo Zing)