(VEF.VN) - Lộ trình kéo giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN sẽ vận hành như đã dự liệu. Thậm chí, vai trò của thống đốc mới Nguyễn Văn Bình sẽ còn sáng giá hơn – sứ mạng đầu tiên được hoàn thành trên cương vị mới - nếu lộ trình này đạt được mục tiêu kéo giảm lãi suất về 17% trước cuối tháng 9/2011.

Hoài nghi!

Cuộc họp ngày 26/8/2011 của (NHNN) với 12 "sứ quân" ngân hàng thương mại lớn ở Hà Nội không hoàn toàn mang lại một kết quả như nhiều doanh nghiệp và cả các ngân hàng trông đợi. Những biện pháp được NHNN nêu ra chủ yếu mang tính định hướng mà đã được các ngân hàng "nằm lòng" từ trước đó, nhưng lại thiếu hẳn phần thuyết minh định lượng thông qua những con số cụ thể. Chẳng hạn như khối ngân hàng lớn thừa vốn bao nhiêu và khối ngân hàng nhỏ thiếu bao nhiêu vốn, để từ đó NHNN định ra kế hoạch sẽ điều hòa vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu như thế nào, trong một lộ trình ra sao.

Hoặc, để điều hòa lượng cung tiền cho thị trường, NHNN sẽ có thể cung ứng một lượng tiền là bao nhiêu. Một con số dù chỉ mang tính tổng quát, nhưng cũng khá quan trọng như một cơ sở cho sự phân tích, dự liệu của các ngân hàng. Bởi trước đây vào tháng 5/2011, ít nhất ngân hàng và doanh nghiệp cũng biết được thông tin NHNN đã tái cấp vốn cho một số ngân hàng với số tiền khoảng 70.000 tỷ đồng.

Còn trước mắt, với nội dung thông tin định hướng trên, các ngân hàng cũng chỉ "đành" chấp nhận chủ trương kéo giảm lãi suất cho vay xuống mức 17-19%. Nhưng chấp nhận là một chuyện, còn có thực hiện được hay không là chuyện khác. Một thực tế cần thừa nhận là lâu nay niềm tin của các ngân hàng và doanh nghiệp vào NHNN không quá bền vững. Niềm tin đó càng trở nên lơ là khi sau tháng 6/2011, 6 ngân hàng không bảo đảm được tỷ lệ dư nợ phi sản xuất ở mức 22% theo yêu cầu của NHNN đã không bị xử lý; cũng như sau quy định trần lãi suất huy động tối đa 14% của NHNN, vẫn có rất nhiều ngân hàng thản nhiên vi phạm nhưng vẫn "vô can".

Vậy nên cho tới nay nhiều doanh nghiệp, ngân hàng và người dân vẫn khá hoài nghi vào khả năng có thể kéo giảm lãi suất cho vay về 17-19%. Kéo giảm bằng cách nào đây? Nếu dựa vào đà giảm dần của lạm phát thì không có gì chắc chắn vì lạm phát vẫn giống như một con ngựa bất kham, có thể lập đỉnh vào tháng 8/2011, nhưng chưa biết đến cuối năm có được giữ chặt cương hay không. Hoặc áp dụng mệnh lệnh hành chính? Với quy định lãi suất huy động tối đa 14% mà còn không quản được, thì lấy gì để bảo đảm là những ngân hàng đã quen "ăn" đến 25% sẽ chịu "nhả" ra 5-6%?

Lộ trình giảm lãi suất sẽ đạt trước cuối tháng 9/2011?

Hiện thời tất cả vẫn khá mơ hồ, hoàn toàn chưa có một căn cứ cụ thể và có tính khả thi nào đủ để thuyết phục xã hội là lãi suất cho vay sẽ được giảm về đúng như mục tiêu mà thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã thông báo.

Lộ trình giảm lãi suất và phép biện chứng của nó

Ngân hàng sẽ không quá quan tâm đến việc tăng hay duy trì lãi suất cho vay ở mức cao, mà quan trọng hơn là chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn bảo đảm mức lời lãi cho ngân hàng. Chỉ một thời gian ngắn nữa, với thực trạng tồn vốn như hiện nay và đang có chiều hướng vốn tồn tăng lên, nếu ngân hàng không đẩy mạnh cho vay thì bản thân họ cũng giống như giới đại gia bất động sản - có thể chết lâm sàng ngay trên đống tài sản ngồn ngộn của mình.

Mà muốn cho vay được thì đương nhiên phải hiểu ra một "chân lý": giảm lãi suất. Không chỉ giảm về mức "từ thiện" 17% hay 18%, mà trong tương lai còn phải giảm hơn nữa, về đến vùng 12-13%, thậm chí thấp hơn. Khi đó, doanh nghiệp mới đủ can đảm ký hợp đồng vay vốn, nền kinh tế mới có thể phục hồi phần nào sau suy thoái. Khi đó, các ngân hàng sẽ tồn tại chủ yếu bởi đối tượng doanh nghiệp vay vốn của họ chứ không phải do những khách hàng "truyền thống" quen gửi tiền với lãi suất huy động cao ngất ngưởng.

Từ đó suy ra, chẳng cần đến mệnh lệnh hành chính của thống đốc NHNN, tự thân các ngân hàng sẽ phải xoay sở giảm lãi suất cho vay và tất nhiên giảm cả lãi suất huy động. Điều mà một tờ báo nào đó than phiền rằng ông Nguyễn Văn Bình hơi "ít nói" lại có cái hay của vấn đề này: tại sao cứ phải nói nhiều trong khi mọi chuyện đang diễn tiến theo đúng lộ trình của nó?

Lộ trình ấy đã và đang được chuẩn hóa một cách bài bản theo phép biện chứng. Ngay trước cuộc họp của NHNN với 12 ngân hàng lớn ở Hà Nội, phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với NHNN. Cánh phóng viên theo dõi tin đã phần nào thất vọng từ cuộc họp ấy: cũng chỉ là những thông tin định hướng chung nhất, lặp lại chính sách tiền tệ và giảm lãi suất mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra trước đó.

Nhưng ngoài thông tin chung nhất, những cuộc họp còn có một giá trị riêng của nó. Khác với thời kỳ bối rối vào tháng 5/2011 khi lạm phát còn căng thẳng, lần này Chính phủ đang đứng bên cạnh NHNN, sẵn sàng hỗ trợ NHNN để làm lắng dịu những khó khăn kinh tế. Ít nhất về mặt tâm lý, giới doanh nghiệp cũng được giải tỏa phần nào.

Ít nhất, những doanh nghiệp lâm vào cảnh giật gấu vá vai có thể nhìn vào chương trình ưu đãi lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn như một cứu cánh trước mắt. Với động lực "win - win" (lợi thế cho cả hai bên), lời giải cho bài toán lãi suất sẽ được các ngân hàng nhỏ hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh này sẽ càng trở nên nhiệt thành một khi khoảng một chục ngân hàng nhỏ đang thiếu vốn sẽ có khả năng được NHNN tái cấp vốn, tất nhiên với những điều kiện rất chặt chẽ.

Cuộc hội nghị toàn quốc giữa NHNN với các ngân hàng lớn, nhỏ sẽ diễn ra trong thời gian tới có lẽ cũng không nhắm đến việc thuyết minh quá cụ thể về gói giải pháp kinh tế liên quan tới lãi suất, trong bối cảnh các ngân hàng đã thừa hiểu họ cần phải làm gì để tự thân tồn tại và cũng là để chia sẻ một phần lợi nhuận của một thiểu số với cái đa số còn lại đang chìm ngập trong cơn bĩ cực của một nền kinh tế chưa thoát khỏi suy thoái.

Lộ trình kéo giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN vì thế vẫn sẽ vận hành như đã dự liệu. Thậm chí, vai trò của tân thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ còn sáng giá hơn - sứ mạng đầu tiên được hoàn thành trên cương vị mới - nếu lộ trình này đạt được mục tiêu kéo giảm lãi suất về 17% trước cuối tháng 9/2011.

Mà khả năng này lại rất có thể diễn ra như nó sẽ phải thế.

Trường Sơn