Các ngân hàng đã tiếp tục dìm lãi suất tiền gửi xuống thấp. Điều này có lợi cho nền kinh tế khi lãi suất cho vay có cơ hội giảm xuống nhưng lại khiến cho không ít người gửi tiền đau lòng khi lợi nhuận từ khoản tích lũy, gửi ngân hàng ngày càng teo tóp.

Lãi suất huy động thấp dần

Ngày 11/7, Vietcombank bất ngờ hạ lãi suất huy động kỳ hạn một tháng chỉ còn 5%/năm, thấp hơn nhiều mức trên là 7%. Mức lãi suất mới đã giảm một điểm phần trăm so với trước đó và là mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường.

Trong các NH quốc doanh, hiện Agribank cũng đang áp dụng lãi suất huy động 5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Tại BIDV, lãi suất cho kỳ hạn này ở 6%/năm và VietinBank là 6,5%/năm.

Theo NHNN, lãi suất huy động phổ biến trên thị trường hiện là: không kỳ hạn từ 1-1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng 5-6,8%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-9%/năm. Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.

{keywords}

Trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho rằng, NHNN hoàn toàn có điều kiện để dỡ bỏ trần lãi suất huy động vì tình hình thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào. Tuy nhiên trần lãi suất vẫn được duy trì để mang tính định hướng ổn định lâu dài cho các NHTM.

Làn sóng hạ lãi suất huy động của các NH lớn gần đây cho thấy, người dân vẫn đang gửi tiền ở mức lãi suất thấp, thanh khoản của các ngân hàng vẫn tốt. Tình trạng lách trần lãi suất huy động đã không còn, NHTM nào có tình hình tài chính chưa lành mạnh khác có thể huy động ở mức cao hơn một chút với các kỳ hạn trên 6 tháng.

Lãi suất huy động giảm là đúng theo tính toán của NHNN, mà qua đó lãi suất cho vay ra nền kinh tế sẽ giảm theo. Công cụ này này đã được sử dụng thuần thục với kỳ vọng khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện tượng ngân hàng giảm nhanh và sốc lãi suất huy động cũng là tín hiệu không thực sự đáng vui nếu nó phản ánh sự dư thừa tiền, không muốn huy động thêm tiền của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh đầu ra rất hạn hẹp.

Lối nào cho dòng tiền?

Thông thường, khi lãi suất ngân hàng giảm (từ mức trần 14%/năm hồi đầu 2012 xuống 7% cuối tháng 6/2013), dòng tiền sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác. Trên thực tế, cũng đã có thời điểm tiền chảy một ít vào chứng khoán, một ít vào vàng… Nhưng nhìn chung dòng tiền vẫn bế tắc đầu ra.

Trong phiên giao dịch 11/7, TTCK tiếp tục chứng kiến sự ảm đạm với thanh khoản trên sàn HNX có thể nói thấp ở mức kỷ lục với chỉ 84 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng. Mua bán vàng trong vài phiên gần đây cũng trầm lắng bất thường do người dân lo ngại vàng có thể xuống giá khi chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế còn ở mức quá cao. BĐS không hề nhúc nhích, trong khi tình hình sản xuất kinh doanh của đại đa số các doanh nghiệp được công bố vẫn ở mức cầm chứng, chờ nhu cầu tiêu thụ gia tăng.

Nhiều NĐT không chấp nhận rủi ro và do vậy gửi tiền vào ngân hàng với mức lãi suất ngắn hạn ở mức ngang bằng với lạm phát như hiện nay có thể chấp nhận được. Hơn thế, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên một năm vẫn phổ biến ở mức 8 - 9%/năm, cho thấy gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lợi tức khá cao.

{keywords}

Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy điều này. Theo đó, tính tới cuối tháng 5/2013, huy động vốn tăng mạnh ở khu vực dân cư với +11,5% so với cuối 2012.

Tiền gửi VND của người dân tăng cao trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, phản ánh nguồn tiền này chủ yếu được chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang VND. Đây là kết quả tích cực của các giải pháp chính sách mà NHNN đã điều hành trong thời gian qua, giảm tình trạng vàng hóa và USD hóa, tăng niềm tin vào đồng VND.

Tuy nhiên, đó cũng là một nỗi lo bởi tín dụng đầu ra trong năm tháng chỉ tăng chưa tới 3% cho dù lãi suất đầu ra cũng đã giảm. Tính tới cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã đạt khoảng 4,5% nhưng vẫn khá thấp.

Việc hạ lãi suất huy động nhằm giảm áp lực lên chính các ngân hàng, đồng thời nhằm tạo điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp trong việc giảm chi phí vốn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

Gần đây, rất nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi lãi suất với hạn mức lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng và mức lãi suất cho vay chỉ 7-9%/năm. Tuy vậy, khi lãi suất huy động giảm nhanh thì lãi suất cho vay đầu ra giảm với tốc độ khá chậm, được công bố ở mức 11,5-13% cho khoản vay trung và dài hạn, thậm chí phổ biến ở mức cao hơn nhiều, tùy từng ngân hàng với từng đối tượng khách hàng.

Gần đây, hàng loạt các NHTM tung ra rất nhiều gói vay tiêu dùng. Đây là một định hướng đúng nhằm kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, đa phần các gói này đều có lãi suất thấp tượng trưng ở các tháng đầu trong kỳ hạn vay, còn sau đó tăng rất mạnh. Nhiều ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng trung bình ở mức 18%/năm, có nơi lên tới 25%/năm. Việc kích cầu tiêu dùng do đó xem ra cũng sẽ không đạt kết quả như mong đợi.

Huấn Tú