- Chú tôi uống rượu say lái xe đâm vào tủ kính bán hàng ở vỉa hè. Chủ hàng yêu cầu phải bồi thường. Nhưng chú tôi nói do họ bày tủ ra vỉa hè nên mới bị vậy nên nhất định không chịu bồi thường. Xin hỏi luật sư trong trường hợp này chú tôi có trách nhiệm gì? Nếu đưa ra công an sẽ bị phạt thế nào? Người bán hàng kia có lỗi gì không?
TIN BÀI KHÁC
Lái xe khi đang say rượu, chú tôi đâm phải tủ kính trên vỉa hè (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Về việc bày tủ kính bán hàng ở vỉa hè
Khoản 3 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định: Nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
và Điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường bộ quy định:
"Điều 35. Các hoạt động khác trên đường bộ
2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;"
Do đó, việc bán hàng trên vỉa hè là hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt được quy định tại khoản 1 Điều 12 như sau:
"Điều 12: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm e Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm a Khoản 6 Điều này;
Như vậy, hành vi bán hàng trên vỉa hè có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân.
Thứ hai: Về chú bạn say rượu lái xe gây thiệt hại.
Tại Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra như sau:
“1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.
Trường hợp này chú bạn phải bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi của mình gây ra, ngoài ra chú bạn còn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi điều khiển xe khi nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở quá mức cho phép theo khoản 5 Điều 6 Nghị định 171/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm đ Khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng;
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)