Lâm Bình là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Tuyên Quang, được Chính phủ phê duyệt là một trong số 74 huyện nghèo của cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của huyện giảm đều hàng năm. Đến cuối năm 2023, huyện còn 4.702 hộ nghèo, giảm 861 hộ so với năm 2022, tỷ lệ 40,93%. Huyện đặt mục tiêu năm 2024 giảm thêm 732 hộ nghèo, tỷ lệ giảm xuống còn 34,15%. 

Tạo điều kiện, cơ hội cho người dân nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

Với mục tiêu giảm 6,78% hộ nghèo vào cuối năm 2024, tiếp cận giảm nghèo cho người dân theo hướng đa chiều, đồng thời hạn chế hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh, huyện vùng cao Lâm Bình đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. 

Huyện xác định tập trung thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giữa tháng 6, Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành của UBND tỉnh Tuyên Quang có buổi kiểm tra, giám sát về Chương trình này tại huyện Lâm Bình. Báo cáo của huyện cho thấy công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. 

W-dan toc giam ngheo mien nui.jpg
Nhờ các chương trình, dự án giảm nghèo, đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc nước ta được tiếp cận đa chiều dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần. 

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, tỷ lệ giải ngân vốn một số dự án, tiểu dự án đạt trên 40%, dự án 5 về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt 44%.

Quan tâm chiều việc làm cho người dân nghèo, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật, trao đổi, theo dõi quá trình người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ khi đăng ký đến khi xuất cảnh và trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài đến khi về nước. Theo báo cáo, tính từ đầu năm 2023 đến tháng 6/2024, huyện có 82 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Việc triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2024, nhiều mô hình sinh kế tiếp tục phát huy hiệu quả thực tế với các hộ gia đình nghèo.

Tại xã Phúc Sơn, cuối năm 2023 xã có 952 hộ nghèo (tương đương hơn 50% số hộ trong xã). Năm 2024 xã đặt mục tiêu giảm 85 hộ (về còn 43,27%). Bà Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết để giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, xã đang tăng cường phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tập huấn về kỹ thuật, phương thức sản xuất, rà soát nhu cầu vay vốn để tạo sinh kế cho các hộ nghèo phát triển sản xuất... Điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ đồng hành của Nhà nước chỉ là "bệ đỡ", người dân từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên.

Gia đình anh Đặng Tài Huyện (dân tộc Dao ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An) năm ngoái được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Từ sự hỗ trợ của nhà nước, cộng với số tiền tích cóp được, gia đình anh đã đầu tư trồng thêm 2ha rừng keo, nâng tổng số diện tích keo của gia đình lên 4ha.

Ngoài ra, anh còn xây chuồng trại, mua 3 con trâu và 4 con bò về nuôi vỗ béo. Không dừng lại ở đó, người đàn ông này còn mạnh dạn chăn nuôi thêm lợn đen để tăng thu nhập.

Được nhà nước trợ lực, cùng với ý chí quyết tâm, chăm chỉ lao động, cuối năm 2023, gia đình anh thu hoạch trên 2ha rừng keo, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 150 triệu đồng. Khoản thu nhập ổn định không chỉ giúp gia đình anh Huyện thoát nghèo bền vững, mà còn giúp các thành viên trong gia đình tiếp cận tốt với các dịch vụ xã hội cơ bản, đa chiều.

Các chính sách hỗ trợ nhà ở tại Lâm Bình cũng phát huy hiệu quả, chủ yếu từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như gia đình ông Ma Quang Nghiệp, dân tộc Tày ở thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn. Gia đình ông Nghiệp được xã xét hỗ trợ 50 triệu đồng, cộng thêm số vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông mạnh dạn xây ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Năm 2024, có nhà mới để ở, gia đình ông quyết tâm lao động sản xuất, chăn nuôi, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình còn tồn tại một số khó khăn. Một số dự án thành phần tiến độ giải ngân đạt thấp do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong triển khai. Công tác phối hợp thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của một số công trình còn chậm. 

Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo tại Lâm Bình còn cao, phần lớn hộ nghèo chuyển sang hộ cận nghèo, hộ khá và giàu chiếm tỷ lệ ít. Công tác thông tin truyền thông về giảm nghèo đối với đồng bào dù đã cố gắng nhưng chưa phong phú về nội dung, hạn chế về phương thức truyền thông nên chưa tạo được điều kiện để hộ nghèo tiếp cận thông tin và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; còn có tư tưởng ngại đi làm ăn xa để nâng cao thu nhập mà bằng lòng với thực tại.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị trong thời gian tới, huyện Lâm Bình cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cán bộ phụ trách thực hiện dự án, tiểu dự án đảm bảo hồ sơ đầy đủ, rõ ràng; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, giải ngân đảm bảo đúng đối tượng, minh bạch, đúng nguồn vốn.

"Điều này góp phần xây dựng và củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào cấp ủy, chính quyền địa phương", ông Hùng cho biết.