- Nếu đang ở nhà chồng mà ngày tết bỏ về ngoại ăn tết thì kỳ lắm, chứ không muốn nói là không thể chấp nhận được. Nếu hai gia đình gần nhau thì đơn giản, còn ở xa nhau thì việc chọn lựa về nhà chồng là hợp lý nhất.

 

Đọc bài viết của chị Lê Thị Hà: “Nhà chồng lấy quyền gì can thiệp chuyện ăn Tết của phụ nữ?" tôi thấy mình “sốc” thật sự. Không phải vì chị nói không đúng mà thấy cách suy nghĩ của chị đặt sai vấn đề. Đến khi đọc tiếp bài của Mạnh Chuyên "Con dâu ăn Tết nhà nội là truyền thống Việt Nam" thì tôi nhận thấy rằng nhận thức có phần đúng nhưng vẫn thể hiện cái “tôi cá nhân” của mình. Đứng trên phạm trù quan điểm thì tôi không bình luận, vì mỗi người có một quan điểm khác nhau, nhưng đứng trên phạm trù đạo đức thì tôi xin mạn phép nêu ra mấy suy nghĩ này:

Thông thường những cặp vợ chồng trẻ, Tết đến thường phân vân lựa chọn ăn tết bên nội hay bên ngoại là những cặp vợ chồng làm ăn xa quê, không sống với bố mẹ đẻ, nên dịp tết đến thường xảy ra xung khắc trong việc lựa chọn ăn tết bên nào. Có nhiều phương án mà các bạn đưa ra: Nào là do quyền quyết định của vợ chồng chứ không cớ gì bên nội hay ngoại, nào là năm nay ăn tết bên nội thì sang năm phải ăn tết bên ngoại, hoặc là chia ra cùng ăn ở hai nơi, có người cho rằng làm dâu phải ăn tết bên nội mới đúng truyền thống Việt Nam.vvv.

{keywords}
Ngày tết là ngày để con cháu hiếu thảo báo hiếu ông bà, cha mẹ, là ngày để gặp mặt họ hàng, gia tộc, anh em bạn bè... Ảnh: Đỗ Lâm Viên/Tuổi trẻ

Tôi thì nghĩ khác, ai sinh ra cũng mong muốn có một hạnh phúc riêng mình, đó là có một gia đình hạnh phúc (lấy vợ, lấy chồng), khi lấy nhau rồi thì phải xác định cha mẹ là chung, không được phân biệt, đối xử. (chứ không phải như bạn Lê Thị Hà nói là quyền lựa chọn của mình mới gọi là công bằng).

Nhà thơ Xuân Quỳnh chẳng nói: “Phải đâu mẹ của riêng anh / Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi….và Chắt chiu từ những ngày xưa / Mẹ sinh ra anh để bây giờ cho em”. Cho nên sự tôn trọng tình cảm vợ chồng là sự tôn trọng cha mẹ của nhau, không nên phân biệt nhà nội hay nhà ngoại. Muốn người vợ mình yêu quý bố mẹ mình thì trước tiên người chồng phải thật sự tôn trọng cha mẹ vợ. Đàn ông bao giờ cũng phải làm trước, đi trước chứ đừng đòi hỏi ở người vợ mình điều đó, trong khi chính mình là là người thiếu trách nhiệm. Đó là phạm trù đạo đức. Khi đã làm được điều đó rồi thì chuyện về quê nội, ngoại ăn tết có cần thiết phải căng thẳng quá hay không. Khi cái tôi cá nhân lên đến đỉnh điểm rồi thì sự tôn trọng nhau, tôn trọng cha mẹ của nhau sẽ không còn là gì nữa.

Ngày tết là ngày quan trọng nhất của mỗi gia đình Việt Nam, là ngày để con cháu hiếu thảo báo hiếu ông bà, cha mẹ, là ngày để gặp mặt họ hàng, gia tộc, anh em bạn bè sau một năm làm việc vả. Nhưng tiếc thay nhiều cặp vợ chồng trẻ lại chọn cho mình việc đi du lịch, ngao du thiên hạ mà quên đi nghĩa vụ làm con, quên đi ơn nghĩa sinh thành thì thật là đáng tiếc.

Ngày xưa, ông bà ta thường nói “Xuất giá tòng phu, phủ tử tòng tử” xét về hiện tại vẫn còn giá trị của nó, tuy nhiên khi đặt vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể không phải lúc nào cũng nhất nhất như vậy. Người con gái khi đi lấy chồng thường được các gia đình làm cái lễ rất trang trọng gọi là “Lễ vu quy – đưa con gái về nhà chồng”. Và trước khi đi lấy chồng, người mẹ bao giờ cũng dành hàng đêm để dặn dò con gái về “lễ, nghĩa, công dung, ngôn, hạnh”. Không hạnh phúc của cha mẹ nào bằng là con gái mình được nhà trai đối xử tử tế và tôn trọng. Vậy hà cớ gì các chị, các em lại tự cho rằng cái quyền lựa chọn ăn tết ở đâu là của mình?

Đừng lấy cái quyền của mình ra để so sánh sự công bằng, đương nhiên đã công bằng thì phải có quyền, nhưng công bằng không phải tự mình quyết định được cái quyền đó. Đã là phạm trù đạo đức thì đừng đòi hỏi phải công bằng bởi vì như thế nó ngược lắm. Còn có người cho rằng “đã làm dâu thì phải ăn tết nhà chồng, đó là truyền thống của dân tộc, họ biện ra cái lý rằng con mình đẻ phải theo họ chồng, chết làm ma nha chồng….” cũng chưa hẳn là cái lý đúng. Bởi cứ theo chiều suy nghĩ đó hơi cổ hủ và phong kiến. Nhưng cũng không hẳn là sai.

Việc ăn tết ở đâu (bên nội hay ngoại còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình khác nhau. Nếu đang ở nhà chồng mà ngày tết bỏ về ngoại ăn tết thì kỳ lắm, chứ không muốn nói là không thể chấp nhận được. Nếu hai gia đình gần nhau thì quá đơn giản. Nhưng hai gia đình ở xa nhau (hai tỉnh khác nhau) thì việc chọn lựa về nhà chồng là điều hợp lý nhất. Nó phù hợp với thuần phong, mỹ tục và hợp với đạo lý cha ông. Nói như vậy không có nghĩa là không bao giờ về nhà ngoại ăn tết, mà nên lựa chọn vào thời điểm thích hợp hơn. Giả sử tết năm nay bố mẹ vợ mình mừng thọ 70 tuổi mà vợ chồng mình cứ khăng khăng đòi về quê nội ăn tết thì quả là bất hiếu. Trong khi cái ngày trọng đại của bố mẹ vợ, mà mình hành động như vậy thì cũng đừng có trách rằng vợ mình không biết cư xử.

Việc ăn tết ở đâu cũng còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nữa, gia đình tôi sống ở Vũng Tàu, nhà nội tôi ở Ninh Bình, nhà ngoại tôi ở Sóc Sơn – Hà Nội, hàng năm tôi có điều kiện thường về quê ăn tết. Tôi bao giờ cũng ưu tiên ăn tết bên nội và vợ tôi không bao giờ phản đối, nếu còn thời gian thường là ngày mùng 3 tết tôi có ghé nhà ngoại ăn tết muộn cũng chẳng sao, một phần là bởi vì xa quê lâu lâu mới về, hai là tiện đường máy bay bay vào thôi. Nhưng cũng có năm do thời gian gấp nên không thể ghé nhà ngoại được, nhưng chẳng ai trách mình gì cả. Có nhiều lần ra Hà Nội công tác tôi chỉ có thể ghé nhà ngoại mà chẳng thể ghé nhà bố mẹ mình, ông bà nội cũng không lấy đó làm trách móc.

Trong một cuộc sống hiện đại, đừng đánh mất đi cái giá trị văn hóa truyền thống đó, nhưng cũng đừng vì suy nghĩ nặng cái tôi cá nhân, sự ích kỷ nhỏ nhen để rồi phải “ thỏa hiệp” thì mất hết đi ý nghĩa của ngày Tết, làm như vậy chẳng thà không về ăn tết có khi còn hơn.

Nguyễn Thế Khang (Vũng Tàu)