- "Những người nổi tiếng trong showbiz Việt cần hiểu rõ mặt trái của quá trình làm đẹp và đừng quá lạm dụng dao kéo. Vì làm đẹp và hủy hoại sắc đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ luôn ở tỷ lệ 50/50", bác sĩ Nguyễn Phúc Hậu nói.
Để hiểu rõ thêm về những biến chứng có thể xảy ra trong phẫu thuật thẩm mỹ quá tay, cách phòng chống, nhận dạng và phân biệt các biến chứng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi chuyên môn với Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phúc Hậu, bác sĩ phẫu thuật tạo hình tại TP.HCM, anh hiện là giảng viên trường Đại Học Y Dược TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Hậu |
Bởi người đẹp sợ... chê xấu
Vụ việc phẫu thuật thẩm mỹ gây tử vong tại phòng khám Cát Tường, Hà Nội khiến dư luận phẫn nộ, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Bác sĩ nghĩ thế nào về sự việc nghiêm trọng này?
- Tôi thấy cần làm rõ trách nhiệm cá nhân cả bác sĩ điều trị ở vụ việc này. Có thể bác sĩ đã làm quá tay và tiết kiệm chi phí nên gây ra hậu quả nghiêm trọng. Về mặt chuyên môn, đây là một ca phẫu thuật không đảm bảo. Quy mô phòng khám chỉ được phép thực hiện các tiểu phẫu gây tê như: nâng mũi, cắt mắt, chân mày. Đối với những phẫu thuật phải gây mê như hút mỡ bụng, đặt túi ngực, bệnh nhân nên tiến hành làm ở bệnh viện để hạn chế tai biến.
Các yếu tố nào cấu thành rủi ro trong một ca phẫu thuật thẩm mỹ?
- Thứ nhất là chỉ định không đúng của bác sĩ khi thăm khám về mũi, ngực, bụng... khách hàng. Kế tiếp là do cơ địa bệnh nhân không phù hợp, không tầm soát chính xác các bệnh lý về tim mạch. Và cuối cùng là những rủi do do biến chứng bất thường trong quá trình phẫu thuật.
Nghệ sĩ Việt đang dấy lên trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ bằng mọi giá để cạnh tranh công việc, giữ vẻ đẹp tươi trẻ. Bác sĩ đánh giá thế nào về xu hướng này?
- Đó là một nhu cầu tất yếu, chúng tôi cũng tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ đến để làm đẹp, cũng như tham gia xử lý những sự cố giúp họ. Tuy nhiên vì quá lo lắng do sợ dư luận chì chiết vì đánh mất vẻ đẹp tự nhiên nên nhiều khi họ lao vào chỉnh sửa nhiều lần, thay nhiều bác sĩ, bất chấp chỉ định. Hậu quả là làm hỏng sống mũi, gây sưng đỏ vùng mắt, túi ngực bị co rút, căng cứng da mặt... Áp lực phải đẹp đã đẩy nhiều nghệ sĩ lao vào đại tu, tạo ra xu hướng khập khiễng trong nhìn nhận, đánh giá tính thẩm mỹ. Nhiều nghệ sĩ chỉ vì nghe dư luận, bạn bè chê xấu nên liên tục thay đổi bác sĩ, thẩm mỹ viện để chỉnh sửa nhằm che đậy sự thật. Việc này càng góp phần tạo rủi ro, biến chứng do can thiệp dao kéo quá nhiều trên cùng một bộ phận chuyên biệt.
Đặt túi ngực, mông và hút mỡ bụng là không cần thiết
Để nâng nhan sắc lên tầm cao mới, các nghệ sĩ Việt chỉ nên tập trung thay đổi cơ quan nào trên cơ thể?
- Sự thay đổi dễ gây chú ý và quan trọng nhất vẫn là khuôn mặt. Với các vị trí phổ biến như: chân mày, chiều cao sống mũi, môi, cằm. Đó là những phẫu thuật ít biến chứng, tầm soát tốt và thời gian hồi phục cũng nhanh (6-7 ngày sau phẫu thuật, máu bầm sẽ tan, bệnh nhân được cắt chỉ, là đẹp hoàn chỉnh), lại giúp gương mặt bạn thanh thoát, gợi cảm hơn. Đặc biệt tôi cho rằng việc đặt túi ngực, mông và hút mỡ bụng là không cần thiết. Vì ngoài khả năng biến chứng cao, thì chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục các khiếm khuyết này bằng trang phục, cách ăn mặc. Mà không cần phải can thiệp dao kéo.
Khách hàng cần được tư vấn kỹ trước khi phẫu thuật thẩm mỹ. |
Dư luận cho rằng chi phí cho một ca phẫu thuật thẩm mỹ được tính dựa trên tay nghề bác sĩ. Thế nhưng độ bền hậu phẫu cũng như rủi ro mà khách hàng phải gánh lại khác nhau. Bác sĩ có thể cho độc giả biết mức phí chung việc "dao kéo" khuôn mặt là bao nhiêu?
- Tuỳ vào uy tín, tên tuổi bác sĩ cũng như khách hàng mà phòng khám hoặc bệnh viện sẽ đưa ra mức giá hợp lý. Hiện nay, với những ca tiểu phẫu chỉ gây tê và làm trực tiếp tại phòng khám có mức giá dao động từ 7-10 triệu đồng cho từng lựa chọn làm đẹp mũi, mắt, chân mày... Đối với những phẫu thuật phức tạp hơn, phải gây mê như nâng ngực, đặt túi mông, hút mỡ bụng có mức phí từ 2000-5000 USD. Độ bền hậu phẫu tuỳ thuộc vào tay nghề bác sĩ và cơ địa bệnh nhân.
Làm thế nào xác định đúng-sai khi một nghệ sĩ dính nghi án can thiệp dao kéo?
- Với người bình thường, sẽ rất khó phân biệt khi tay nghề bác sĩ thuần thục, có chuyên môn tốt lại bắt đúng thần của khách hàng. Thế nhưng một vẻ đẹp bị nghi dao kéo thường do được chỉnh sửa quá chỉn chu, gây ra sự không tự nhiên từ đôi môi quá mọng, cằm chẻ sâu hoắm hay nụ cười nhợt, cứng. Còn đối với bác sĩ có chuyên môn, sự phân biệt khá dễ dàng. Khi có kiến thức về độ cong sinh lý, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để biết họ từng dao kéo chưa. Những người từng làm phẫu thuật, đa phần đánh mất độ cong sinh lý tự nhiên.
Đừng bao giờ bất chấp
Một khi nghệ sĩ quá ham muốn chỉnh sửa, làm thế nào để khách hàng có được sự tỉnh táo lựa chọn phù hợp với vóc dáng, cơ địa bản thân?
- Phải trực tiếp gặp bác sĩ có chuyên môn, lắng nghe và suy nghĩ kỹ những tư vấn mang tính chuyên môn của bác sĩ. Hiểu rõ mặt trái của quá trình làm đẹp và đừng quá lạm dụng dao kéo. Vì làm đẹp và hủy hoại sắc đẹp trong phẫu thuật thẩm mỹ luôn ở tỷ lệ 50/50.
Làm đẹp dẫn đến tử vong trở thành từ khoá được truy cập nhiều nhất trong hơn một tháng qua sau cái chết của một khách hàng tại Hà Nội. Vậy đâu là nguyên nhân gây tử vong, thưa bác sĩ?
- Đối với các tiểu phẫu cần thuốc gây tê, khách hàng sẽ tử vong do bị trụy tim mạch trong quá trình tiêm thuốc, thuyên tắc mỡ khi tiến hành thao tác hút mỡ bụng, gây mê khi không tầm soát chính xác các bệnh lý về tim mạch, máu cho khách hàng.
Để tránh những biến chứng và hạn chế nguy cơ tử vong khi đến các bệnh viện, trung tâm, phòng khám có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng cần tuân thủ những yêu cầu gì trước khi quyết định phẫu thuật?
- Khách hàng cần lựa chọn cơ sở thẩm mỹ có uy tín. Hiểu chuyên môn của bác sĩ tham gia điều trị. Trung thực trao đổi các bệnh lý tim mạch, máu của bản thân, nếu có. Và cuối cùng là hiểu rõ những biến chứng như: lộ sống mũi, miếng độn cằm bị hỏng, thí ngực lệch... Để đừng bao giờ bất chấp đi làm đẹp bằng mọi giá. Và luôn yêu cầu bác sĩ cẩn trọng tầm soát bệnh trước khi quyết định mổ.
Xin cám ơn bác sĩ về buổi trò chuyện này.
Đinh Quý Anh thực hiện