Dư luận đang vô cùng lo ngại trước những thông tin về thịt heo siêu nạc do sử dụng một loại hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi được bán trên thị trường. Làm thế nào để nhận biết? Cách xử lý khi bị ngộ độc thịt có hóa chất độc hại?
Nạc tận da
Mới đây, ngày 8/3, đội Quản lý thị trường Đồng Nai đã phát hiện 36kg chất tạo nạc và nguyên liệu, trong đó có có 24 kg đã được đóng gói thành phẩm với tên gọi “Super tạo nạc” đang được chuẩn bị tung ra thị trường. Được biết loại hóa chất này có tác dụng nhanh chóng biến một con heo gầy gò thành một con heo béo tròn. Hóa chất giúp kích thích chuyển hóa protein một cách nhanh nhất, giảm mỡ lưng, tỷ lệ thịt thăn cao, nạc dày đến tận da và nặng ký.
Theo thông tin trên báo Thanh niên, “thần dược siêu tạo nạc” có chất họ β- agonist - một loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Vì lợi nhuận, nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng loại "thần dược" này trước khi heo xuất chuồng chừng nửa tháng, khi heo được 80-100 kg. Dùng loại hóa chất này mỗi ngày con heo sẽ tăng trọng 1,5-2 kg. Chỉ cần dùng sang đến ngày thứ 2 là heo nở mông, vai, thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển, thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 heo bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Để càng lâu thì nguy cơ gẫy chân của heo càng cao nên người chăn nuôi phải tìm cách bán đi càng sớm càng tốt.
Khó phân biệt
Theo các bác sĩ Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM, các loại hóa chất tạo nạc nếu dùng thường xuyên sẽ có hại cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là người bị bệnh tim mạch. Từ năm 2002, các loại chất tạo nạc đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc.
Thịt an toàn được bán tại một siêu thị. Ảnh: NLĐ |
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay thịt lợn siêu nạc chiếm đa phần nhờ các loại giống lợn được nhập từ nước ngoài về, hoặc do lai tạo giống nên người tiêu dùng khó có thể phân biệt thịt lợn siêu nạc trên thị trường với thịt có sử dụng chất kích thích về mặt cảm quan. Người nội trợ có thể xác định nhờ tính chất thịt lợn sử dụng cách tích nước để làm tăng trọng lượng nên thịt tăng trọng khi nấu sẽ ra nhiều nước và hao thịt hơn. Loại thịt siêu nạc nhờ hóa chất cũng có màu đỏ tươi hơn thịt thường. Tuy nhiên, các biểu hiện này không phải lúc nào cũng có thể nhận rõ.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ trên báo NLĐ rằng heo siêu nạc có sử dụng hóa chất cấm thì khi heo còn sống, da có độ căng khác thường, trương mỏng, có cảm giác như ứ nước bên trong. Trên da còn xuất hiện đốm đỏ, heo đi đứng nặng nề, thậm chí còn bại liệt do xương bị mục. Heo có nạc nhiều vun cao (nạc gần sát với da); mỡ ít, chỉ mỏng khoảng 0,4 cm (heo bình thường dày 1-1,5 cm). Thịt heo có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt heo bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn); khi nấu nướng bị mất chất béo và mùi vị thơm ngon.
Chị Thanh Mai, (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm mua thịt là nên chọn có bì dày, mỡ dày, trắng, phần nạc có màu hồng tự nhiên, không đỏ rực. Thịt phải có độ đàn hồi nhất định và dẻo, sờ vào không có cảm giác nhớt, ướt.
Làm gì khi ăn phải thịt có chất độc?
PGS-TS Dương Thanh Liêm, Khoa Chăn nuôi - Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết trên báo Người lao động, ăn phải thịt heo có sử dụng chất cấm để tăng trọng, tạo nạc sẽ rất nguy hiểm với các triệu chứng ngộ độc như: run cơ, tim đập nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích nhiều giờ hoặc nhiều ngày (rất nguy hiểm cho những người mắc bệnh tim mạch).
Ăn loại thịt heo này, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú; đàn ông u nang
tinh hoàn, giãn tĩnh mạch dịch hoàn, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi
tình dục…
Theo thông tin trên báo ANTĐ, bị ngộ độc hóa chất từ thịt lợn siêu nạc có thời
gian ủ bệnh từ 30 phút-2 giờ, tùy lượng thịt ăn phải. Khi xác định đã ăn phải
thịt siêu nạc có độc chất, việc đầu tiên nên làm là uống nhiều nước để chất độc
được đào thải ra ngoài, sau đó đến bệnh viện để được chỉ định biện pháp điều trị
tiếp theo. Cấp cứu tại nhà như sau:
- Rửa dạ dày bằng dung dịch thuốc tím tỷ lệ 1:5000 hoặc axit tannic 1%.
- Dùng 40-60ml thuốc nhuận tràng magnesium sulfate để kích thích đi ngoài.
- Uống thuốc đối kháng atenol (altenolol) 12,5-25mg, mỗi ngày 3 lần để ngăn tình
trạng loạn nhịp tim, sau khi nhịp tim đã ổn định đổi thành liều 12,5mg, mỗi ngày
2 lần, liên tục trong 3 ngày. Có thể dùng propranolol (không áp dụng với bệnh
nhân hen suyễn hoặc có tiền sử phổi tắc nghẽn), mỗi lần 10-30mg, ngày 3 lần liên
tục trong 3 ngày.
- Truyền tĩnh mạch 1.000ml truyền tĩnh mạch muối đẳng trương có glucose được bổ
sung vitaminC 1,0gram.
Minh Thư (tổng hợp)