Ngoài cảm giác thất vọng, đau đớn, suy sụp khi phát hiện chồng có con riêng, người vợ còn phải đối diện với nỗi khổ “đứng mũi chịu sào” hậu quả do chồng gây ra. Tự đặt mình vào vị trí “người liên đới”, họ không chỉ cùng chồng chịu trách nhiệm mà còn đóng vai trò quyết định cho số phận cuộc hôn nhân của mình và tương lai của đứa trẻ.
Khi chồng… cầu cứu
Khi cả cơ quan anh Khánh Dương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xôn xao về chuyện cô nhân tình của anh bế con đến cơ quan tìm anh khóc lóc, la lối thì tại nhà anh, mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường.
Mỗi ngày anh Dương trở về nhà đã có mâm cơm nóng hổi, hai đứa con bi bô đùa giỡn với bố mẹ, chị Ái Duyên, vợ anh, vẫn ân cần chu đáo với chồng. Không phải chị không biết chuyện lẹo tẹo của chồng mà chỉ là chị không muốn làm lớn chuyện. Chị cười “ai bảo tôi ngu tôi chịu, chứ quậy chồng thì được gì”.
Chị kể, anh và chị lấy nhau ngót nghét đã 5 năm, trước đó đã yêu nhau đến gần chục năm. Chẳng lẽ, bây giờ chỉ vì một “con tiếp viên quán bar” mà đánh mất bao năm tình nghĩa. Chị phải giữ chồng cho mình, giữ cha cho con. Chị cười nhạt: “Cô ta thì yêu thương gì chồng tôi, chẳng qua là muốn tiền của anh thôi”.
Ngày anh quỳ xuống van xin vợ tha thứ và kể lại câu chuyện “trót dại” để một cô tiếp viên mang bầu, thất vọng lẫn đau đớn, chị chỉ muốn đạp đổ tất cả. Cú sốc đau tình xót của khiến chị vật vã, suy sụp, nhưng vì còn yêu chồng, phần anh đã ăn năn, hối cải nên chị không nỡ “đánh người chạy lại” mà cho chồng lẫn cho mình thêm một cơ hội. Chị hẹn gặp nhân tình của chồng; nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, chị yêu cầu kiểm tra ADN. Nếu đúng con của anh, chị xin nhận nuôi hoặc chu cấp nhưng sẽ chu cấp bằng sữa, tã, quần áo thay cho tiền mặt.
Kết quả ADN không như chị mong đợi, cô ta không chấp nhận điều kiện của chị, bế con đến cơ quan anh quậy phá. Thế nhưng, cô ta đã đi sau chị một nước cờ, bởi trước đó chị đã cùng chồng đến gặp thủ trưởng của chồng tường trình hết mọi việc.
Hàng tuần, chị cùng chồng đến thăm con riêng của anh và mua đồ cho bé. Mỗi khi cô ta viện cớ con bệnh gọi anh đến, chị đều tháp tùng chồng. Song song đó, chị quản lý tiền bạc chặt chẽ hơn. Thấu hiểu sự nhẫn nhịn, hy sinh của vợ, anh Dương càng yêu thương và trân trọng vợ hơn.
Sau chuyến công tác, hậu quả anh Hoàng Hiếu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để lại là đứa con rơi với người tình một đêm. Hiếu âm thầm giấu vợ - chị Kim Ngọc, chu cấp tiền cho cô ta nuôi con. Đúng lúc anh được cất nhắc lên vị trí phó giám đốc thì cô ta đòi đến công ty phơi bày sự thật. Lo sợ đứa con rơi làm ảnh hưởng đến sự nghiệp, anh đành khai thật và cầu cứu vợ. Sau phút giây sống dở chết dở, lấy hết bình tĩnh chị Kim Ngọc đến gặp “tình địch”. Không chỉ đòi một số tiền lớn để mua nhà, cô ta còn yêu cầu vợ chồng chị chu cấp hàng tháng hơn chục triệu đồng để nuôi con. Chị thẳng thừng từ chối và khéo léo dọa sẽ bỏ mặc cô ta tự xoay xở nếu chồng chị mất chức. Vì sợ mất nồi cơm, cô ta nhượng bộ. Tuy nhiên, cô ta lại thường xuyên mượn đứa con để gần gũi và vòi vĩnh tiền bạc của chồng chị.
Nhận thấy đứa con là cái cớ và cũng là cơ hội để hai người trở lại với nhau, chị lưỡng lự giữa hai cách giải quyết: đem về nuôi thì chị không thể, mà mang nó cho người khác thì chắc chắn anh không đồng ý. Chị đem chuyện chia sẻ với cô em chồng, nhờ cô nhận nuôi đứa bé, chi phí nuôi dưỡng chị lo liệu. Được cô em chồng đồng ý hợp thức hóa cho đứa bé vào gia đình, chị khéo léo khuyên nhủ cô ta giao con cho chị để làm lại cuộc đời. Sau một năm làm mình làm mẩy không xơ múi được gì, cô ta ưng thuận, đổi lại, chị phải mất một số tiền lớn để “tống” của nợ ra nước ngoài theo nguyện vọng của cô ta.
Buông hay giữ?
Thực tế, không phải lúc nào người vợ tỉnh táo, sáng suốt cũng sẽ gìn giữ được mái ấm đang bên bờ vực thẳm. Sự vị tha, bao dung của họ là cần thiết nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực từ một phía thì chưa đủ.
Thanh Lan và Hải Nam (Q.8, TP.HCM) tình cờ quen nhau trong một lần đi dự sinh nhật người bạn, rồi nhanh chóng trở thành một đôi. Chỉ sau sáu tháng tìm hiểu, họ đã góp gạo thổi cơm chung. Sau hai năm kết hôn, Thanh Lan nhận được tin nhắn từ số máy lạ báo tin chồng đang âu yếm nhân tình trong khách sạn. Cô liên tục gọi vào máy chồng, đầu dây bên kia chỉ có tiếng tổng đài đáp lại. Ruột gan cô sôi sùng sục nhưng vì không thể bỏ đứa con còn đỏ hỏn một mình, cô đành bấm bụng chờ chồng về.
Dù đã thề thốt với vợ chỉ vui chơi qua đường và hứa sẽ chấm dứt nhưng Nam vẫn lén lút qua lại với nhân tình. Vì còn yêu chồng, muốn giữ uy tín cho anh, phần cũng không muốn vợ chồng tan đàn sẻ nghé, Lan cắn răng nuốt nghẹn vào lòng. Cô cay đắng: “Cô ta muốn hơn thua thì tôi sẽ hơn thua đến cùng. Tôi sẽ kéo anh ấy về với gia đình mặc kệ cô ta với cái bụng bầu”. Tuy nói vậy nhưng sau ngày ba mặt một lời, Lan trở nên nhẹ nhàng và gần gũi với cô ta hơn, cô thường xuyên gọi điện trò chuyện thăm hỏi sức khỏe hai mẹ con.
Với chồng, Lan cũng thôi cắn đắng, đay nghiến mà dịu dàng, nhẫn nhịn. Bạn bè biết chuyện thở dài, Lan cười nhạt “họ trong bóng tối mình mới khó quản lý, chứ ngoài sáng thì còn lo gì”. Đến nay đã ba năm trôi qua, cuộc hôn nhân “ba trong một” của họ vẫn tồn tại. Dù biết đưa ra pháp luật cô sẽ thắng, nhưng điều Lan mong muốn không phải là thắng hay bại, mà là một ngôi nhà êm ấm có đủ cha đủ mẹ cho con mình, mà điều đó thì không chỉ thuộc về luật pháp.
Buông hay giữ mái ấm khi chồng có con riêng phụ thuộc vào sự tỉnh táo của người vợ, bởi hơn ai hết, vợ là người hiểu nên tha thứ, chấp nhận hay đạp đổ. Chồng có con riêng, chấp nhận được thực tế đã khó, tìm một giải pháp để giải quyết tận gốc lại càng khó hơn, bởi đằng sau là số phận của những đứa trẻ vô tội.
(Theo Phunuonline)