Để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn năm 2022 - 2025, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Tại tỉnh Lâm Đồng, có 2 huyện là Huyện Lâm Hà và Huyện Đam Rông, đều là những huyện vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu.

Xuất phát từ thực tế đó, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều giải pháp, phát triển thương mại trên địa bàn hai huyện Lâm Hà và Đam Rông nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa hai huyện với các địa phương trong tỉnh và với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại hai huyện Lâm Hà và Đam Rông.

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Lâm Đồng, nhất là các sản phẩm phục vụ du lịch, cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ và là một trong những thế mạnh của địa phương trên  cơ sở thừa hưởng nét truyền thống, nguồn nguyên liệu dồi dào cộng với thế mạnh về tay nghề của người lao động.

W-anhminhoa.png
Trồng hoa là một trong những thế mạnh của Lâm Đồng

Các sản phẩm bao gồm: mây tre đan, thêu lụa, dệt thổ cẩm, hoa khô, đan len, chạm khắc, cưa lộng, gỗ mỹ nghệ, hàng lưu niệm… Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương khôi phục và phát triển sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Hiện tại, toàn tỉnh đã có 127 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao; 115 sản phẩm được công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia.

Để các sản phẩm của bà con vươn xa,  tháng 10/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa tại hai huyện Lâm Hà và Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu đặt ra là tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 10% đến 12%. Phát triển sản phẩm, hàng hoá là sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của hai huyện đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, có thương hiệu để tham gia hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống phân phối hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo chuỗi; đảm bao cân đối cung cầu hàng hoá trên thị trường thuộc địa bàn hai huyện.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hai huyện có năng lực tham gia hoạt động thương mại giai đoạn 2021 - 2025, số thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hai huyện Lâm Hà và Đam Rông tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8% và đến năm 2025 có khoảng 12.300 cơ sở thương mại, dịch vụ.

Nhóm PV