Những dây hay thiết bị chuyển đổi cổng, thường được gọi chung là dongle, ngày càng phổ biến trong vài năm qua. Apple chính là hãng có tác động lớn để thị trường tỷ USD này ngày càng sôi động.
Ngày nay, thật khó để có thể sử dụng các thiết bị công nghệ mà không có dongle, đặc biệt là khi bạn sử dụng sản phẩm của Táo khuyết.
Những quyết định gây tranh cãi của Apple
Kể từ năm 2016, khi ra mắt iPhone 7 và iPhone 7 Plus, Apple đã loại bỏ hoàn toàn giắc cắm tai nghe truyền thống và để trong hộp một bộ chuyển Lightning-3,5 mm. Nước đi này bị rất nhiều người dùng phàn nàn, bởi họ không thể vừa nghe nhạc, vừa sạc.
Đây là phụ kiện quen thuộc với những người vẫn dùng tai nghe có dây, cổng 3,5 mm trên iPhone. Ảnh: TechRadar. |
Tuy nhiên, điều nghịch lý là Apple càng bị ném đá thì lại càng thành công vang dội, bởi Apple luôn có một sức hút đặc biệt trong thị trường công nghệ. Những sản phẩm của hãng này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía cộng đồng và báo chí, dù theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực đi chăng nữa. Táo khuyết đã minh chứng rằng mình luôn là người tạo nên xu hướng khi đạp trên mọi dèm pha, chỉ trích để gặt hái được thành công.
Cùng trong sự kiện ra mắt iPhone 7, Apple giới thiệu mẫu tai nghe không dây hoàn toàn AirPods. Giờ đây AirPods là mẫu tai nghe bán chạy nhất thế giới, và sự thành công này chắc chắn có đóng góp không nhỏ từ quyết định loại cổng tai nghe trên iPhone.
Ngoài chân cắm tai nghe, Apple cũng từng gây tranh cãi khi giới thiệu MacBook năm 2015, sau đó là MacBook Pro năm 2016 với cổng kết nối duy nhất là USB-C. Để giải thích cho quyết định này, Apple khoe độ mỏng của những chiếc MacBook mới.
"Họ luôn hướng tới sản phẩm mỏng hơn, và khi máy mỏng đi thì các cổng kết nối cũng phải mỏng theo", nhà phân tích Patrick Moorhead của Moor Insights & Strategy nhận xét.
Cổng USB-C có thể là đủ đối với những người chỉ dùng chuột, bàn phím của laptop. Tuy nhiên, với những nhà sáng tạo nội dung với hàng loạt máy ảnh, máy quay cần kết nối, họ buộc phải mang theo những bộ chuyển đổi.
Những chiếc MacBook Pro đời 2012-2015 có đủ cổng kết nối để làm việc. Mọi chuyện thay đổi khi Apple loại bỏ tất cả, và chỉ giữ những cổng USB-C cùng giắc tai nghe từ năm 2016. Ảnh: CNBC. |
"Khi tôi đi một sự kiện, thời gian làm việc là rất quý báu. Nếu như quên bộ chuyển đổi thì tôi sẽ phải mất một lúc để tìm giải pháp", chủ kênh YouTube TechMeOut giải thích.
"Hãy nhìn vào bên trái, chúng ta có cổng mạng, HDMI, đầu đọc thẻ, cắm tai nghe, micro. Đó mới chỉ là bên trái thôi đấy. Đúng ra thiết bị phải đủ cổng như thế này", Kyle Wiens, nhà sáng lập công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa iFixit nhận xét về mẫu MacBook Pro đời 2012 của mình.
Apple đã tạo ra cả một ngành công nghiệp màu mỡ
Sau khi những mẫu MacBook này được bán ra, thị trường những bộ chuyển đổi cổng USB-C đã sôi động hẳn lên, khi người dùng vẫn cần những cổng kết nối khác như USB, HDMI hay đầu đọc thẻ.
Bên cạnh đồ chính hãng của Apple, nhiều hãng sản xuất phụ kiện khác cũng ăn nên làm ra nhờ những quyết định loại bỏ cổng kết nối.
Nếu vẫn sử dụng các phụ kiện như thẻ nhớ, ổ cứng gắn ngoài... thì MacBook chỉ có cổng USB-C là ác mộng. Ảnh: The Verge. |
"Belkin là một ví dụ. Tôi nghĩ rằng họ đã kiếm được hàng trăm triệu USD nhờ các bộ chuyển", nhà phân tích Patrick Moorhead của Moor Insights & Strategy nhận xét.
"Đây quả thật là một mảng quan trọng của chúng tôi, chiếm khoảng 70% doanh số", Steve Malony, CEO Belkin xác nhận với CNBC.
Apple không công bố doanh thu và phí bản quyền từ việc kinh doanh phụ kiện. Tuy nhiên, theo ông Moorhead, có thể ước tính nguồn thu từ mảng kinh doanh này của hãng khoảng 100-200 triệu USD trong năm 2020.
Tất nhiên, cũng phải thừa nhận mặt tích cực của việc tách cổng kết nối ra bên ngoài là các thiết bị có thể giúp người dùng chuyển đổi sang những loại cổng kết nối mới nhanh hơn, ít tốn kém hơn so với việc tích hợp sẵn trên thiết bị. Cách đây 10 năm, Apple bỏ cổng CD trên những chiếc MacBook, và đến nay cũng không mấy người còn dùng đến đĩa từ.
Trong tương lai, rất có thể những cổng kết nối sẽ dần lỗi thời. Từ thế hệ iPhone 12, Apple đã trình làng công nghệ sạc từ tính MagSafe. Thiết kế này hướng tới sự tiện lợi, an toàn trong quá trình sử dụng cũng như tăng tuổi thọ cho chân sạc, cáp sạc.
Không dừng lại ở việc sạc, MagSafe có thể trở thành một hệ sinh thái mới, nơi Apple tạo ra để hãng và các nhà sản xuất bên thứ 3 thỏa sức sáng tạo phụ kiện sạc không dây cho iPhone.
(Theo Zing)
AirTag sẽ cột chặt bạn với iPhone và hệ sinh thái Apple
Sự tiện dụng của AirTag khi dùng chung với iPhone khiến cho bạn ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hệ sinh thái Apple.