Anh cho biết, viết chuyên đề cho một đề tài cấp Bộ trong 6 tháng nhận được 2 triệu đồng (thông thường viết chuyên đề thì ít tiền). Một đề tài cấp cơ sở (cấp trường) có khi được 6 triệu đồng, nhưng khi làm cũng phải chi phí thứ này thứ khác, đồng tiền cuối cùng vào túi cũng vơi đi nhiều. Trung bình, anh nhận được khoảng 5,5 triệu đồng/năm từ nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp khác nhau.
So với 10 năm trước, tỉ lệ sinh viên tăng 13 lần, trong khi đó tỉ lệ giảng viên hầu như không tăng. Trong ảnh: SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Một điều khá thiệt thòi cho giảng viên trẻ, khi họ chưa có học hàm học vị như tiến sĩ, phó giáo sư thì có rất ít khả năng được giao chủ trì đề tài.
"Những đề tài có tiền, cỡ như đề tài cấp Nhà nước khoảng 1 tỉ đồng trở lên, còn lâu mới đến lượt giảng viên trẻ", anh bật mí. Sở dĩ, anh không tiết lộ tên mình vì đây là một "vấn đề nhạy cảm".
Thông thường, với những đề tài như thế, giảng viên trẻ được tham gia, chẳng hạn như viết chuyên đề và lĩnh một số tiền nhỏ nhoi. Anh bảo, nhiều đề tài giảng viên trẻ thừa sức làm được, nhưng chỉ vì chưa có mác "tiến sĩ", "giáo sư" nên không được giao.
Với thu nhập của giảng viên trẻ cỡ chừng 5 triệu đồng/tháng, nhiều giảng viên đã phải bỏ nghề vì không đợi được đến khi trở thành "lão làng", khi đó mức thu nhập phải nói là "sống được, là "giàu".
"Phần nhiều giảng viên không phải tự mua nhà, không phải nuôi vợ con, lại yêu thích công việc giảng dạy và nghiên cứu ở trường ĐH, thích tự chủ về thời gian thì chấp nhận mức lương thấp ở trường ĐH", một giảng viên cho biết.
"Dẫu sao, môi trường giáo dục cũng hiền lành và ít sóng gió hơn, không phải bon chen như nhiều môi trường khác".
Cứ 100 giảng viên mới có 5 người nghiên cứu
Theo số liệu báo cáo của 34/180 trường ĐH, trong 5 năm (2006 - 2009) các trường này có 248 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, với tổng số tiền khoảng hơn 136 tỉ đồng.
Như vậy, mỗi trường có khoảng 800 triệu đồng cho NCKH/năm. Đây là con số trung bình, trên thực tế khối kỹ thuật công nghệ có số lượng đề tài cấp Nhà nước nhiều nhất, còn khối nông-lâm-ngư-y có kinh phí nghiên cứu từ Nhà nước ít nhất.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý: Nhìn chung, nghiên cứu khoa học trong trường ĐH chưa có nhiều sản phẩm đạt chất lượng quốc gia. Tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao như hiện nay đã làm cho NCKH các trường bị hạn chế. So với 10 năm trước, tỉ lệ sinh viên tăng 13 lần, trong khi đó tỉ lệ giảng viên hầu như không tăng (hiện tỉ lệ SV/GV là 30SV/1GV). |
Với đề tài cấp Nhà nước, bình quân 100 giảng viên mới có 4,9 giảng viên tham gia nghiên cứu. Tỉ lệ này thấp nhất ở các trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh (0,55%) và cao nhất ở 8 trường ĐH kỹ thuật, công nghệ.
Với đề tài cấp Bộ, tỉ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu dao động từ 1,22% đến gần 12%. Như vậy, cứ 100 giảng viên mới có trên dưới 10 người tham gia nghiên cứu.
Thậm chí, số giảng viên tham gia đề tài nghiên cứu cấp trường cũng không mấy khả quan. Tỉ lệ trung bình giảng viên tham gia nghiên cứu dao động từ 6,5% đến 15%.
Số liệu của Bộ cho thấy, đề tài cấp Nhà nước có nhiều tiền nhưng lại ít giảng viên tham gia nhất. Còn đề tài cấp trường, có nhiều giảng viên tham gia hơn, nhưng số tiền cho mỗi đề tài cấp trường tính trung bình chỉ khoảng gần 10 triệu đồng/đề tài.
Rõ ràng, với 10 triệu đồng/đề tài, giảng viên trẻ khó mà gắn bó với NCKH. TS. Nguyễn Thanh Tùng, GV Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, sinh năm 1981 cho biết: để đảm bảo cuộc sống, anh cũng dạy thêm ở các hệ từ xa, tại chức, liên thông, cử tuyển theo quy định của trường. Tổng thu nhập của anh khoảng từ 5-7 triệu đồng, trong đó việc dạy thêm chiếm 20%.
TS Nguyễn Văn Biên, Khoa Vật lí, ĐH Sư phạm Hà Nội, sinh năm 1979 nói: Tổng thu nhập một tháng hiện nay của anh khoảng trên dưới 6 triệu đồng, trong đó lương gần 3 triệu, tiền dạy các lớp từ xa, tại chức 2 triệu cộng với chút ít tiền nghiên cứu.
Anh chia sẻ: "Hiện mình là trưởng phòng thí nghiệm của khoa, phần lớn thời gian ở trên phòng thí nghiệm. Trước mắt mình cần tập trung cho chuyên môn, có thể kinh tế khó khăn một chút nhưng không sao. Còn về sau như thế nào sẽ phải tính tiếp”.
TS Tùng hy vọng: “Nếu sau này mình nhận được các đề tài cấp Bộ, các dự án thì sẽ có nhiều hơn kinh phí. Hiện tại việc nghiên cứu này ngoài đam mê đó còn là nhiệm vụ của mình nữa”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý: Tỉ lệ giảng viên là chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước còn rất khiêm tốn và cũng chỉ tập trung vào đội ngũ giảng viên trên 45 tuổi. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thu hút nhiều hơn nữa giảng viên dưới 45 tuổi tham gia làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học mạnh tại các trường. Với các trường ĐH ngoài công lập, không được phép chi ngân sách Nhà nước cho họ, nhưng các trường này có thể tham gia bằng cách đấu thầu các đề tài được đưa ra công khai.